Nữ y tá “vòi” tiền điều trị covid-19 ở Bắc Giang bị xử lý ra sao?

Nữ y tá “vòi” tiền điều trị covid-19 ở Bắc Giang bị xử lý ra sao?

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 4, 02/06/2021 11:11

“Vòi” tiền điều trị Covid-19 ở Bắc Giang, nữ y tá có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Khi cả nước đang gồng mình trước cơn đại dịch Covid-19, trong đó toàn huyện Việt Yên (Bắc Giang) đang miệt mài chống dịch thì xảy ra việc nữ y tá “vòi” tiền người thân bệnh nhân mắc Covid-19 khiến lực lượng y tế địa phương cũng như người dân vô cùng bức xúc.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền thông tin người nhà bệnh nhân mắc Covid-19 tại huyện Việt Yên (Bắc Giang) “tố” nhân viên y tế yêu cầu nộp tiền để kịp thời đưa bệnh nhân đi điều trị.

Theo nội dung tố giác, nữ nhân viên y tế tên T. đã đưa ra nhiều mức giá khác nhau và gợi ý người nhà bệnh nhân nộp 12 triệu đồng thì bệnh nhân sẽ được đi điều trị ngay.

Bài đăng ngay sau đó được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội cùng sự phẫn nộ của cộng đồng mạng.

Liên quan đến vụ nữ nhân viên y tế “vòi tiền” người nhà bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang, luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc công ty Luật Bảo Tín (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) có quan điểm chia sẻ với PV.

Theo luật sư Hiền, hiện nay, Nhà nước chưa có chủ trương, quy định thu tiền chữa trị các trường hợp mắc Covid-19. Do vậy, việc đưa thông tin như của nhân viên y tế này là không đúng sự thật, có thể gây hoang mang cho người tiếp nhận thông tin.

Góc nhìn luật gia - Nữ y tá “vòi” tiền điều trị covid-19 ở Bắc Giang bị xử lý ra sao?

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc công ty Luật Bảo Tín (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Chưa nói, việc lợi dụng tình hình dịch bệnh, cung cấp thông tin sai sự thật cho người nhà bệnh nhân nhằm vụ lợi của nhân viên y tế này là đáng lên án, cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước nói chung, Bắc Giang nói riêng đang cố gắng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Cụ thể, khi người nhà của một bệnh nhân đang cách ly tập trung tại nơi y tá này làm việc liên hệ, y tá đã thông tin việc người nhà của họ dương tính với SARS-CoV-2, cần nộp 12 triệu đồng nếu muốn em trai được đưa đi điều trị ở nơi sạch sẽ, điều kiện tốt và trong thời gian sớm nhất. Người nhà bệnh nhân sau đó đã đi tìm hiểu và phát hiện việc phải nộp tiền là không có trong quy định và người thân của họ âm tính SARS-CoV-2 nên đăng bài tố cáo lên mạng xã hội.

“Như vậy, nhân viên này đã có hành vi gian dối, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt để người nhà bệnh nhân chuyển tiền cho mình theo yêu cầu”, luật sư Hiền nói.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư dẫn chiếu quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì: "1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

"Tuy nhiên, trong trường hợp này chưa đủ căn cứ để xử lý nữ y tá về hành vi lừa đảo" - Phân tích cho luận điểm của mình, luật sư Hiền nói: "Do người nhà bệnh nhân chưa chuyển tiền, y tá chưa lấy được tiền nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự".

Nhưng, xét về hành vi hành chính, nữ y tá T. đã cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân… là đã vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Mức phạt tiền đối với tổ chức là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

"Tại Điều 4, Nghị định 15/2020/NĐ-CP nêu rõ, mức phạt của cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức; do vậy, nữ y tá có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của mình", luật sư Hiền cho biết.

Luật sư Hiền nói thêm, việc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã nhanh chóng xem xét, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật với hành vi của bà T. là việc làm cần thiết để răn đe đối với cá nhân vi phạm, đồng thời nhằm chấn an dư luận xã hội, lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Trao đổi với PV, bác sĩ Ngô Việt Hùng - nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm vệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, bày tỏ thái độ hết sức bàng hoàng sao lại có tình trạng đó xảy ra trong ngành y, ngành mà luôn coi các y bác sĩ như mẹ hiền.

Dẫu biết nghề y là một nghề vất vả, các y, bác sĩ phải hy sinh rất nhiều thứ từ gia đình, bạn bè, những thú vui riêng để toàn tâm toàn ý vào công tác khám chữa bệnh. Nhất là khi cả nước đang chung tay đẩy lùi đại dịch covid-19, không gì vất vả hơn so với những y, bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, trong đó có tỉnh Bắc Giang.

“Thế nhưng, hành vi của nữ nhân viên y tế T. đã làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp, sự hy sinh lớn lao của những người khác”, bác sĩ Hùng nói.

Qua câu chuyện đáng buồn của nữ y tá T., bác sĩ Hùng nhắn nhủ, mỗi một y, bác sĩ, nhân viên y tế hãy luôn làm đủ chức năng của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đó đã là việc làm cao cả và mong rằng sẽ không còn những trường hợp tương tự xảy ra trong ngành y.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.