Khóc cười từ những câu chuyện
Anh M., trú tại phường Láng Hạ (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) bị mắc bệnh tâm thần nhưng bề ngoài vẫn giao tiếp, ăn nói bình thường. Gia đình cũng biết tình trạng sức khỏe của anh nhưng vẫn quyết tìm vợ cho M. với hy vọng biết đâu khi có vợ, bệnh tình sẽ khỏi. Tuy nhiên, mỗi lần gần gũi vợ, tâm thần của M. lại bị kích động cao độ rồi anh chui tọt xuống gầm giường để lẩn tránh. Cứ như thế, sau 4 tháng về nhà chồng, vợ M. vẫn là “con gái”.
Không thể chấp nhận tình trạng như vậy, vợ M. gửi đơn ly hôn với lý do chồng mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, M. và gia đình anh nhất quyết không chịu chấp nhận ly hôn cũng không chịu đi khám theo yêu cầu của cơ quan chức năng. “Không biết làm gì hơn, chúng tôi đành phải đưa cán bộ y tế vào tận gia đình M. để thẩm định và đưa ra kết quả. Chỉ khi ấy chúng tôi mới giải quyết được vụ ly hôn này”, ông Phạm Xuân Phương, phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội kể một câu chuyện có thực.
Ông Phạm Xuân Phương, phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội
Một câu chuyện đau lòng khác về vụ ngộ sát của người chồng tâm thần đối với chính vợ mình được ông Kiều Đình Thụ, phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, kể lại khiến không ít người phải rùng mình: Một gia đình tại Hà Nội có người con trai độc nhất đang học năm thứ 3 Đại học Bách Khoa thì bỗng dưng mắc chứng tâm thần. Thương con, xót cảnh về già không ai chăm sóc, qua mai mối, bố mẹ cậu tìm được cho con trai một cô vợ ở tỉnh lẻ. Tưởng chừng gia đình tới đó cũng được êm ấm, nhất là khi người vợ sinh hạ được bé trai khỏe mạnh. Không ai ngờ, vào một đêm, trong lúc lên cơn, người chồng đã rút gậy quật chết vợ. Sau cái chết của con dâu, bà mẹ chồng cũng đột tử vì quá sốc, anh chồng vào trại tâm thần, cháu bé phải đưa vào trại mồ côi...
“Để không phải chứng kiến cảnh đau lòng ấy, nhất thiết phải có giấy chứng nhận sức khoẻ tiền hôn nhân nhưng cũng phải tính quy định ra sao để phù hợp, không gây phiền hà cho người dân”, ông Thụ đề xuất.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Hà Thị Thanh Vân, phó ban chính sách pháp luật (TƯ Hội Phụ nữ Việt Nam) cũng cho biết, tại nhiều nước, quy định bắt buộc mỗi cặp vợ chồng trước khi kết hôn đều phải xuất trình giấy chứng nhận sức khỏe. Đặc biệt, Hàn Quốc còn quy định nam và nữ phải có giấy chứng nhận sức khỏe trước khi kết hôn khoảng 6 tháng, trong đó cần ghi rõ không bị mắc bệnh tâm thần và các bệnh xã hội. Tuy nhiên ở Việt Nam, khám sức khỏe trước hôn nhân dường như vẫn còn là điều xa lạ.
Cấm người tâm thần kết hôn: Liệu có vi phạm quyền con người?
Tại Điều 10, Dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình quy định những trường hợp cấm kết hôn bao gồm: Người đang có vợ hoặc có chồng hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, ban soạn thảo cũng tỏ ra lúng túng với quy định thế nào là người “mất năng lực hành vi dân sự”. Chính vì thế Dự thảo đề ra hai phương án: Thứ nhất là vẫn giữ nguyên theo quy định hiện hành; Thứ hai là quy định: Người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể làm chủ hành vi của mình, bổ sung quy định về nghĩa vụ của các bên kết hôn phải có giấy chứng nhận sức khoẻ.
Bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Ban Chính sách pháp luật (TƯ Hội Phụ nữ Việt Nam)
Dù ủng hộ quan điểm kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, song bà Bùi Thị Thanh Hằng (Khoa Luật- ĐH Quốc gia HN) tỏ ra băn khoăn nếu cấm người mắc bệnh tâm thần kết hôn, liệu có vi phạm quyền con người? “Cần phải nhìn nhận dưới lăng kính là một con người, dù có phải là con người hoàn chỉnh hay không thì họ cũng có nhu cầu cần được đáp ứng và tôn trọng. Hơn thế nữa chắc gì người mắc bệnh tâm thần nào cũng đều sinh ra một thế hệ không khoẻ mạnh?”, bà Hằng đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, theo bà Hà thị Thanh Vân, dẫu là quyền con người thì nhiều khi luật vẫn phải có sự can thiệp để bảo đảm quyền đó được thực hiện tốt hơn. “Quy định cấm người tâm thần kết hôn là rất nhân đạo. Nói về hậu quả của những cuộc kết hôn này, đúng là không phải cặp nào cũng sinh ra những đứa con không bình thường, nhưng ngay cả khi đứa trẻ sinh ra bình thường thì trong quá trình ứng xử của người mẹ hay người bố bị tâm thần về lâu dài nhất định sẽ ảnh hưởng tới thể lực và trí lực của con. Một bà mẹ tâm thần khi lên cơn có thể bóp chết đứa con mà không ai có thể lường trước được...”, bà Vân lý giải.
Cũng theo bà Vân, luật chỉ quy định cấm người tâm thần kết hôn chứ không phải cấm quan hệ tình dục. Mục đích của quy định về giấy chứng nhận sức khỏe trước khi kết hôn là để tránh những rủi ro hoàn toàn có thể kiểm soát được. “Các nước làm được, tại sao Việt Nam lại không?”, bà Vân nói.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Về mặt logic, điều kiện kết hôn cần giấy chứng nhận sức khỏe, là rất đúng. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh thực tế Việt Nam, từ trước tới nay, không cần phải giấy chứng nhận sức khỏe thì nhìn chung, tình trạng hôn nhân của chúng ta vẫn tốt. Nam nữ thương yêu nhau thì phải tự kiểm nghệm, Các cụ nhà ta từ xưa vẫn có câu: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” đó thôi... |
Theo Khám phá