Ly kỳ hành trình thành điệp viên của một nông dân
Hà Giang là mảnh đất cuối cùng cho để cho người gián điệp từng mang án phản bội Tổ quốc, phạm nhân đứng đầu của Chuyên án C30 có tên Trần Ngọc Giao lựa chọn làm nơi dừng chân trong hành trình chạy trốn của mình và gia đình. Ông chính là một người làm gián điệp, bị xóm làng khinh miệt, rồi lại được tặng bằng khen để minh oan cho gần 39 năm oan uổng.
Ông Trần Ngọc Giao
Ông Giao sinh tháng 2/1927. Ông là nông dân thực thụ ở thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá, tỉnh Nam Định. Ông bảo ông vào nghề tình báo rất tình cờ. Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, với chính sách khoan dung của chế độ ta, một số tù nhân do thực dân Pháp bắt giam đã được ta phóng thích trả tự do. Cũng trong thời gian này ông đã xuống Hải Phòng chơi và gặp lại người cậu họ có tên Trần Xuân Đài vốn là quan hai của Pháp.
Gặp Đài, ông Giao đã được Đài mời về nhà chơi và cho biết muốn cùng người cô họ Nam tiến để tìm cách hợp tác lại với thực dân Pháp. Nghe Đài nói vậy, ông Giao lên tiếng can ngăn rằng: Đất nước độc lập rồi còn tìm cách quay lưng lại với Tổ quốc làm gì.
Ông lên tiếng can ngăn và phân tích với Đài nhiều, sau khi nghe những lời thuyết giảng của ông, Đài đã cho ông biết là sau lưng hắn còn có cả một tổ chức phản gián được cài cắm lại. Rồi Đài bảo, nếu ông móc nối được với lãnh đạo cao cấp thì Đài sẽ đem đội quân của hắn, kể cả súng ống ra đầu hàng cách mạng. Và Đài đưa ra yêu cầu hắn sẽ thực hiện lời hứa ấy nếu ông gặp được Hồ Chủ Tịch?
Lúc đó quả thật ông không hình dung được công việc kia to tát nhường nào, thế nhưng thấy gặp được Bác Hồ sẽ có cả một tổ chức gián điệp ra đầu hàng cách mạng là ông vui. Bỏ việc đồng ruộng lại cho vợ con, ông gom tiền nhẩy tầu lên Hà Nội tìm đến Phủ Chủ tịch để xin được gặp Bác Hồ.
Thế nhưng do thời điểm đó Bác Hồ bận nên ông đã được người của Phủ Chủ tịch giới thiệu sang Bộ nội vụ. Sang Bộ Nội vụ, người ông được gặp đầu tiên là ông Trương Duy Đông, lúc này đang làm tại C15 ( Vụ gián điệp). Nghe ông trình bầy, ông Đông lại ghi giấy giới thiệu ông với một người tên là Chương (ông chỉ nhớ thường gọi là Chương "đen") lúc này đang Giám đốc Ty công an Tả ngạn Sông Hồng. Ông Chương lại tiếp tục giao ông Giao cho hai người, một người tên là Quảng, một người kia tên là Nghĩa.
Sau vài lần trao đổi, với những phương hướng được vạch ra ông quay về Hải Phòng tìm gặp Đài. Thế nhưng do ông không gặp được Bác Hồ như đề xuất của Đài nên Đài đã bội ước và cho ông biết thêm hiện tại hắn đã đầu quân cho CIA (Cơ quan tình báo Mỹ) nên không theo cách mạng được nữa. Nếu theo sẽ bị hệ lụy đến bản thân và gia đình vì CIA là một tổ chức kinh khủng. Kế hoạch và thiển ý tốt đẹp của ông coi như bị phá sản hoàn toàn.
Vụ án phản gián nổi tiếng
Thấy việc đổ bể, định về quê với vợ con để làm tiếp đời nông dân nhưng do cay cú vì để một tổ chức phản động thoát khỏi tay, hơn nữa lúc này ông thấy việc này biết đâu cũng góp phần nhỏ bé vào công cuộc giữ gìn bình an của đất nước nên ông lại tiếp tục vào cuộc. Mặc vợ mắng nhiếc, mặc việc đồng áng bị bỏ bê, ông lại gom tiền lên Hà Nội tìm gặp ông Chương đen trình bày sự việc.
Chiếc bằng khen, vật chứng để ông Giao minh oan cho mình trước xã hội và gia đình
Sau một hồi tính toán, ông Chương đã bầy việc cho ông. Ông Chương bảo, giờ chưa tóm được bọn nó thế nhưng nhờ mối thân quen thì ông nên tham gia với bọn chúng để nắm bắt tình hình, thông tin cung cấp cho cách mạng. Không nề hà ông chấp nhận và làm lý lịch (lý lịch hồi đó rất sơ sài) gửi cho ông Chương rồi quay về Hải Phòng tìm Đài để kết nối mà không cần biết mình có được tổ chức chấp nhận và được hưởng những quyền lợi gì.
Với thân hình vậm chắc, cao tới 1m76, nặng lúc nào cũng ngót 70kg cùng khả năng ăn nói ông đã được Đài tin cẩn và giới thiệu với Cao Xuân Tuyên, một tay có thế lực trong tổ chức phản động có tên "Sĩ quan tiền phong Bắc Bộ". Tuyên giới thiệu ông với một người có tên là Lãm, lúc này Lãm đang tham gia hoạt động chống phá cách mạng với vỏ bọc là chủ một dịch vụ sát gạo ở Hồng Thái (Nam Định). Sau khi làm quen, điều tra, chất vấn, Lãm đã giao ông cho một người có tên là Đích tìm về Phố Khách của thành phố Nam Định để hoạt động gián điệp với vỏ bọc là nghề buôn bán xe đạp.
Từ đây cuộc đời ông hầu như đã rẽ ngang. Việc nhà, vợ con ông bỏ bê và phó thác. Chịu tiếng xấu là người chồng bất tài, người cha thất đức để hoạt động lấy thông tin cung cấp cho cách mạng. Tất cả mọi khoản chi tiêu như ăn uống, đi lại ông đều tự làm và tự trang trải cả. Năm 1954, bắt đầu bước vào cuộc sống điệp viên, ông đã cung cấp rất nhiều thông tin tình báo có lợi cho cách mạng.
Công việc làm tình báo của ông thuận lợi cho đến năm 1956, lúc này không biết tình hình như thế nào mà hoạt động của tổ chức phản động "Sĩ quan tình báo Bắc Bộ" mà ông đang ẩn mình trong đó hình như bị tê liệt. Nóng lòng, ông tìm lên Hà Nội báo cáo tình hình và đề cập kế hoạch phá án.
Thế nhưng do tổ chức này hoạt động kín đáo, chưa có đủ căn cứ để bắt nên muốn bắt chúng thì ông phải là người đứng ra đầu thú và tố cáo. Đồng nghĩa như vậy ông sẽ bị bắt giam, sẽ phải hầu tòa và phải tự chuẩn bị căn cứ, tài liệu để buộc tội chúng. Vì cách mạng, không nề hà ông chấp nhận, chuẩn bị phương án, và Chuyên án C.30 nổi tiếng đã được hình thành
Ngày 14/7/1957, Chuyên án C.30 được triển khai, ông và đội quân bậu sậu có tên "Sĩ quan tiền phong Bắc Bộ" đã bị bắt và đưa ra xét xử. Với những căn cứ, với những lập luận chặt chẽ mà ông đưa ra, hầu hết bọn phản cách mạng trong đội quân ấy, đặc biệt có tên Trần Minh Châu (tức Tập) đều bị kết án tù, riêng ông được khoan hồng và trả tự do ngay sau đó vì tự thú và khai báo thành khẩn.
Chuyên án kết thúc, ông cũng chấm dứt vai trò điệp viên của mình trở về quê sau bao năm xa vợ xa con mà không cần có một thứ gì trong tay. Thế nhưng không ngờ, cuộc đời ông, vợ con ông và cả họ tộc ông đã gặp phải một ngã rẽ khác với những chuỗi ngày đầy cay nghiệt, với một cái án tầy đình là kẻ phản bội Tổ quốc.
Đức Tuyền
Kỳ sau: Chuỗi ngày cơ cực của người điệp viên oan trái