Nửa số heo đeo vòng nhận diện để đối phó: Ai cứu hộ người tiêu dùng?

Nửa số heo đeo vòng nhận diện để đối phó: Ai cứu hộ người tiêu dùng?

Trịnh Thị Bảo Trang

Trịnh Thị Bảo Trang

Thứ 3, 09/05/2017 11:03

Trong khi người dân cả nước hướng về 3 triệu hộ chăn nuôi heo nhằm “gỡ rối” tình hình thì ngược lại, một bộ phận người chăn nuôi lại có lối nghĩ vô cùng ích kỷ.

Có thể thấy, ngoài 4 mùa xuân - hạ - thu - đông theo đúng quy luật tự nhiên thì vài năm trở lại đây, nước ta còn có thêm một mùa mới được gọi tên là: “Mùa giải cứu”. 

Mới chỉ vài tháng đầu năm, chúng ta đã phải trải qua ít nhất 3 “mùa giải cứu”. Hết giải cứu chuối, giải cứu dưa hấu và gần đây nhất là giải cứu thịt heo. Đương nhiên, cứ theo “đúng quy trình” hàng năm, chỉ cần các cơ quan đoàn thể lên tiếng, chỉ cần các tổ chức từ thiện, thanh niên tình nguyện “ra tay” thì những thứ “nông sản ế” đó luôn có chỗ đứng trong thị trường nhờ lòng trắc ẩn.

Xi nhan Trái Phải - Nửa số heo đeo vòng nhận diện để đối phó: Ai cứu hộ người tiêu dùng?

 Hàng loạt chiến dịch "giải cứu nông sản" được phát động trên khắp mọi miền đất nước. Ảnh: Giáo dục.

Tuy nhiên, cay đắng ở chỗ, trong khi người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi kế hoạch chi tiêu, ăn uống của bản thân và gia đình, không ít người bỏ công, bỏ việc để giúp người nông dân tiêu thụ nông sản thì những “nhà sản xuất” lại chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân. Điều đó khiến tôi liên tưởng đến những câu chuyện tình đơn phương mà tình cảm chỉ được phát ra từ một phía, phía những người tiêu dùng.

Đơn cử như những vụ dưa hấu được tiêu thụ ở Hà Nội trong đợt “giải cứu” đầu tháng 4 vừa qua, chất lượng dưa hấu được bán ra vô cùng dở, không tương xứng với đồng tiền và tình cảm của người tiêu dùng đặt vào đó. Trên một diễn đàn mạng xã hội, nhiều người đã phản ánh tình trạng dưa khi bổ ra, mùi vị và màu sắc vô cùng nhạt nhẽo. Thậm chí, còn có những bình luận kiểu “tặc lưỡi” như: “Mua để ủng hộ chứ ăn thì chịu” hoặc "Mua cho bớt áy náy", "Giải cứu nốt năm nay, năm sau chừa!".

Xi nhan Trái Phải - Nửa số heo đeo vòng nhận diện để đối phó: Ai cứu hộ người tiêu dùng? (Hình 2).

 Nhiều người phản ánh "dưa hấu cứu hộ" có chất lượng vô cùng dở. Ảnh: Facebook. 

Đó là mới chỉ kể đến hình thức sản phẩm, là những thứ có thể dễ dàng nhận ra bằng các giác quan thông thường. Còn rất nhiều “vấn đề”, những “mặt trái” khác mà chúng ta khó có thể phát hiện được như chất cấm được sử dụng trong sản xuất, nuôi trồng, dư lượng hóa chất trong nông sản…

Quay trở lại với “vụ giải cứu” có tầm quy mô, ảnh hưởng lớn nhất thời gian vừa qua: Giải cứu thịt heo. Trong khi người dân cả nước hướng về 3 triệu hộ chăn nuôi heo, toàn quân, toàn dân nghĩ cách “gỡ rối”, hỗ trợ tiêu thụ, vực lại kinh tế cho người nông dân thì đâu đó, vẫn có những mẩu tin như một gáo nước lạnh dội vào tấm lòng của những người tiêu dùng.

Theo báo cáo của sở Công Thương TP.HCM, từ khi triển khai đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đến nay, chỉ có 11% cơ sở chăn nuôi thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán heo. Trong đó, có khoảng 45% số heo đeo vòng nhận diện có đầy đủ nguồn gốc trang trại. Còn lại, hơn 50% số heo đeo vòng chỉ nhằm mục đích… đối phó với cơ quan chức năng. Dường như bao cố gắng để siết chặt quản lý nguồn thịt đầu vào của cơ quan chức năng, bao cố gắng để giúp người nông dân lấy lại niềm tin thị trường đã bị sự thiếu nghiêm túc trong kinh doanh của một số hộ chăn nuôi làm "đổ bể". 

Xi nhan Trái Phải - Nửa số heo đeo vòng nhận diện để đối phó: Ai cứu hộ người tiêu dùng? (Hình 3).

Thực tế chỉ có 45% số heo đeo vòng nhận diện có đầy đủ thông tin về nguồn gốc trang trại. Ảnh: Tuổi trẻ.

Có lẽ với những câu chuyện nói trên, chúng ta không thể đổ lỗi tại thương lái “lật kèo” hay tại… thiên tai, bão lũ nữa. Mà suy cho cùng, chúng ta chỉ có thể khẳng định tại tư duy ích kỷ của một bộ phận người sản xuất, nuôi trồng. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân mà không một chút “mảy may” đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Từ tâm lý thương cảm, đồng cảm với những hộ chăn nuôi, giờ đây người tiêu dùng cảm thấy mất mát phần nào đó niềm tin, thậm chí có cảm giác bị "phản bội" vì những mẩu tin đó. 

Trộm nghĩ, nếu người nông dân cứ sống mãi bằng lòng trắc ẩn, sống bằng những chiến dịch “cứu hộ” thì đến cuối cùng ai sẽ “cứu” người tiêu dùng? Và phải chăng chính người tiêu dùng mới là những đối tượng đáng được cứu hộ trong bối cảnh tiêu dùng ngày nay?

Bảo Trang

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.