Nửa tháng, thu giữ hơn 30.000 lít rượu cồn công nghiệp

Nửa tháng, thu giữ hơn 30.000 lít rượu cồn công nghiệp

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 6, 17/03/2017 16:44

Chỉ trong vòng nửa tháng (từ 1-15/3), cơ quan chức năng đã phát hiện 700 vụ vi phạm về rượu, xử lý trên 200 vụ, tạm giữ hơn 30.000 lít rượu cồn công nghiệp.

Trong buổi họp liên ngành Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tại Hà Nội sáng 17/3, trước những chất vấn “gắt” từ phía báo chí có liên quan đến trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của quản lý thị trường (QLTT) trong những vụ ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol dẫn đến nhiều vụ tử vong đáng tiếc thời gian vừa qua, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng cục Quản lý thị trường, bộ Công thương cũng đã đưa ra những phát biểu đầu tiên.

Theo ông Bình, báo cáo của 4 chi cục QLTT bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng và Hà Nội cho thấy, sau khi ra quân, chỉ trong vòng nửa tháng (từ 1-15/3) đã phát hiện 700 vụ vi phạm về rượu, xử lý trên 200 vụ, tạm giữ hơn 30.000 lít rượu, trên 300 chai rượu và 4,9 kg men ủ rượu.

Xã hội - Nửa tháng, thu giữ hơn 30.000 lít rượu cồn công nghiệp

Ông Bình cho biết, sau khi có những vụ việc đau lòng liên quan đến cồn công nghiệp methanol như vụ 8 người dân bị ngộ độc tại Lai Châu, một số vụ ngộ độc tại Hà Nội khiến nhiều người tử vong, đại diện cục QLTT đã tiến hành những đợt truy quét, kiểm soát rượu pha cồn công nghiệp gây ảnh hưởng sức khỏe người dân. Đặc biệt, mới đây bộ Công thương đã ban hành quy chế để kiểm soát chặt việc nấu rượu tự phát trong nhân dân.

"Hiện, cục QLTT đã chỉ đạo các chi cục địa phương vào cuộc rà soát các cơ sở nấu rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là hàng quán bán rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử lý nghiêm minh trước pháp luật đối tượng sử dụng cồn công nghiệp pha chế thành rượu bán ra ngoài thị trường", ông Bình khẳng định.

Về trách nhiệm đối với việc rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng trôi nổi trên thị trường, ông Bình cho hay, hiện nay việc quản lý chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc về bộ Y tế và Công thương. Trong đó, lực lượng QLTT có trách nhiệm cấp phép, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, nấu rượu tại các địa phương được phân công; đồng thời kiểm soát thị trường, phát hiện, thu giữ các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tem, nhãn mác và hó đơn chứng từ. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (bộ Y tế) chịu trách nhiệm quản lý chất lượng rượu được cấp phép ra ngoài thị trường, phối hợp với các lực lượng chức năng khác quản lý chất lượng rượu.

Tuy nhiên, một thực tế là loại rượu gây chết người tại Lai Châu, Hà Nội là rượu tự nấu hoặc pha chế bằng cồn công nghiệp, không có tem hợp quy, chứng nhận xuất xứ và tiêu chuẩn, quy chuẩn mà vẫn lưu hành trên thị trường. Vấn đề này, trách nhiệm thuộc về cục QLTT của bộ Công Thương.

Ông Bình phân trần: "Về thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhãn mác và tem hợp quy trên rượu, sắp tới cục QLTT sẽ rà soát và kiến nghị bổ sung chế tài xử phạt và mức xử phạt cao hơn đối với hành vi vi phạm. Về việc các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất thủ công, khi bị phát hiện hành vi sử dụng cồn công nghiệp (bị cấm sử dụng) pha chế rượu sẽ phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật".

Một số vấn đề khác được phóng viên đặt câu hỏi trong buổi họp báo như có hay không việc "bảo kê" cho các cửa hàng, tiệm tạp hóa, các điểm bán hàng nhỏ lẻ để rượu lậu, rượu "chui" len lỏi ra thị trường, tại sao việc rượu cồn công nghiệp gây chết người không phải đến giờ mới được nhắc đến nhưng vẫn không ngăn chặn được triệt để, do năng lực của đơn vị QLTT hay do một yếu tố nào khác,... thì vẫn chưa được trả lời một cách thỏa đáng.

Đ.Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.