Mới đây, Chính phủ Anh thông báo rằng có tới khoảng 10.500 tài xế xe tải và công nhân gia cầm sẽ được cấp thị thực tạm thời vào nước này. Đây là một trong các nỗ lực của Chính phủ nhằm nối lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn gần đây, tình trạng càng trở nên đáng quan ngại trong bối cảnh mùa lễ hội Giáng sinh đang cận kề. Được biết, vào ngày 24/9, các Bộ trưởng và quan chức của Anh đã nhóm họp để thảo luận những định hướng kinh tế và đưa ra chương trình thị thực mới.
Các biện pháp nhằm đối phó với khủng hoảng chuỗi cung ứng
Theo tuyên bố của Chính phủ, 5.000 tài xế xe chở hàng nặng (HGV) và 5.500 công nhân gia cầm đã được thêm vào chương trình thị thực hiện tại. Các thị thực ngắn hạn sẽ có hiệu lực từ tháng 10, trước mắt sẽ kéo dài đến cuối tháng 12 và có thể lâu hơn.
Quyết định mở rộng chương trình thị thực lao động lần này như một “sự đảo ngược” đáng chú ý của Thủ tướng Boris Johnson. Bởi trước đó Thủ tướng từng áp dụng thắt chặt các quy tắc nhập cư hậu Brexit 31/1/2020 và nhấn mạnh rằng phải giảm sự phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Giải thích về quyết định này, người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết "để giảm bớt áp lực chuỗi cung ứng lên ngành thực phẩm và vận chuyển, trong những dịp đặc biệt năm nay".
Bên cạnh việc cấp thị thực, Chương trình mới của Chính phủ Anh cũng giảm bớt thủ tục giấy tờ cho tài xế chạy xe tải hạng nặng. Gần 1 triệu lá thư đã được Chính phủ gửi đến tất cả các tài xế có bằng HGV kêu gọi họ trở lại làm việc.
Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps cam kết đưa ra một gói biện pháp lớn hơn nhằm đảm bảo cho dịp lễ Giáng sinh "vẫn đi đúng hướng". Các biện pháp sẽ tập trung vào việc mở rộng nhanh chóng số lượng tài xế mới trong nước, bao gồm việc triển khai các kỳ thi sát hạch lái xe của Bộ Quốc phòng để giúp cung cấp hàng nghìn bài sát hạch bổ sung trong vòng 12 tuần tới.
Bộ trưởng Grant cho biết “Chính phủ Anh sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để giúp các ngành vận tải và thực phẩm đối mặt với tình trạng thiếu tài xế HGV”. Ông cũng kêu gọi ngành công nghiệp "tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc và mức tăng lương xứng đáng để giữ chân tài xế".
Chính phủ Anh cho biết sẽ chi hàng triệu bảng để đào tạo tối đa 4.000 người trở thành tài xế HGV, với mục đích "giải quyết tình trạng thiếu tay nghề và hỗ trợ nhiều người hơn tham gia vào lĩnh vực hậu cần".
Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng
Sự thiếu hụt tài xế nguyên nhân chủ yếu là do Brexit và Covid-19 gây ra. Trước đó, Chính phủ Anh không đồng ý cấp thị thực tạm thời cho các tài xế nước ngoài. Trong khi các quy định mới hậu Brexit lại quá khó, khiến rất nhiều tài xế nước ngoài không thể đáp ứng điều kiện để được cấp thị thực làm việc chính thức. Đại dịch Covid-19 dẫn đến khoảng 20.000 lái xe nước ngoài ở Anh phải về nước và khoảng 50.000 lái xe trong nước ngừng làm việc suốt 18 tháng qua.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), tình trạng thiếu nhân công đang là vấn đề ngày càng đáng quan ngại và ghi nhận kỷ lục 1 triệu việc làm bị trống từ tháng 6 đến tháng 8.
Nhận định về chính sách thị thực mới, Giám đốc điều hành Liên đoàn Thực phẩm và Đồ uống (FDF), Ian Wright hoan nghênh "quyết định thực tế" của Chính phủ trong việc bổ sung tạm thời các tài xế HGV và công nhân gia cầm. Ông cho biết “Đây là điều mà các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống đã yêu cầu nhiều tháng qua để giảm áp lực thiếu hụt lao động lên chuỗi cung ứng”, "Đây là một bước khởi đầu nhưng chúng tôi cần Chính phủ tiếp tục hợp tác với ngành công nghiệp và tìm kiếm các giải pháp dài hạn bổ sung". Về lâu dài, Anh sẽ phải tính tới việc tăng lương, tăng số lượng các cuộc kiểm tra cấp bằng cho tài xế xe HGV và cải thiện điều kiện làm việc cho nhóm lao động này.
Theo bà Ruby McGregor-Smith, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh (CCI), cho biết động thái trên của Chính phủ là chưa đủ mạnh. Bởi việc tăng các kiểm tra bổ sung đối với tài xế sẽ mất một khoảng thời gian đào tạo và kiểm tra trình độ, trong khi số thị thực mới là chưa đủ để giải quyết quy mô của vấn đề. Hiệp hội Vận tải Đường bộ Anh (RHA) cho biết nước này vẫn cần thêm 100.000 tài xế để đáp ứng nhu cầu.
Tuần này, đến lượt lĩnh vực nhiên liệu của nước Anh gặp khó khăn. Tình trạng nguồn cung khan hiếm đã buộc một số trạm xăng phải đóng cửa, lối ra vào các trạm trở nên tắc nghẽn do người dân xếp hàng dài để mua bán.
Phạm Thu Thanh (theo CNN, Financial Time)