Hôm 8/4, Magaret Thatcher đã qua đời ở tuổi 87, sau khi bị đột quỵ. Hãy cùng điểm lại những dấu ấn khổng lồ mà bà để lại tại nước Anh khi còn cầm quyền.
Bà Margaret Thatcher đã đắc cử và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Anh sau cuộc bầu cử ngày 3/5/1979. Sự cứng rắn và quyết đoán đã thể hiện trong mọi quyết sách của bà với đất nước.
Cựu Thủ tướng Thatcher trong lần hội kiến gần đây với đương kim Thủ tướng David Cameron. |
Thay đổi đất nước bằng bàn tay thép
Ngay sau khi nắm chính quyền, bà đã lập tức tiến hành các cải cách lớn về kinh tế và xã hội ở Anh, nhằm chấm dứt vòng xoáy suy giảm công nghiệp, thuế cao tới mức khó chấp nhận và việc nhà nước kiểm soát quá chặt nền kinh tế. Giai đoạn suy giảm này, vốn nằm dưới sự lèo lái của chính quyền Công đảng, đã được gọi là "mùa Đông của sự bất mãn", biểu hiện qua vô số các cuộc đình công, biểu tình diễn ra trong nước.
Chống lại tình trạng tăng lương quá đáng và hiện đại hóa nền kinh tế cũng có nghĩa Thatcher phải đối mặt với sức mạnh của các công đoàn. Tuy nhiên bà vẫn cho tiến hành các thay đổi luật và được người ta nhớ tới vì cuộc đối đầu quyết liệt với giới thợ mỏ vào năm 1985. Thông thường, thợ mỏ chỉ cần đình công khoảng 1-2 tuần là yêu sách của họ được chấp nhận. Nhưng lần này, bà Thatcher đã để thợ mỏ đình công suốt 1 năm trời, trước khi họ phải chịu thua. Đó là thời điểm chấm dứt việc các công đoàn có thể ra lệnh cho chính quyền ở Anh.
Lập trường của bà Thatcher về kinh tế và chính trị là tập trung vào việc giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước, mở rộng thị trường tự do và phát triển doanh nghiệp. Bà tiến hành các biện pháp cải tổ toàn diện để tư hữu hóa các lĩnh vực kinh doanh nhà nước độc quyền như khí đốt, dầu lửa, thép, điện thoại, các sân bay, hãng hàng không quốc gia British Airways, điện và nước.
Thatcher đã mang tới một kỷ nguyên của "chủ nghĩa tư bản toàn dân", trong đó tỷ lệ sở hữu nhà ở tại Anh đã tăng lên 68% và 1/5 dân Anh đã trở thành các cổ đông.
Nhưng trong khi Thatcher khiến nhiều người giàu lên, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng gấp đôi trong những năm 1980 lên hơn 3 triệu người - một mức độ chưa từng thấy kể từ giai đoạn những năm 1930. Phe đối lập nói rằng Thatcher đã tạo ra một nước Anh chia làm đôi nửa, với người giàu hơn sống ở phía Nam và người nghèo hơn sống ở phía Bắc.
Năm 1984, một vụ đánh bom do Quân đội Cộng hòa Ireland thực hiện, nhằm vào khách sạn Brighton đã gần như giết chết toàn bộ nội các của Thatcher. Bà không bị thương, nhưng 5 người đã bỏ mạng và một số cộng sự đã bị thương tích nặng.
Thế nhưng chỉ trong vài giờ sau khi vụ tấn công xảy ra, Thatcher vẫn hiện diện theo đúng kế hoạch dự kiến trước để đọc bài phát biểu bế mạc hội nghị thường niên của Đảng Bảo thủ, thề rằng sẽ không yếu ớt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Dấu ấn quyền lực
Năm 1982, cả nước Anh nín thở, khi Thatcher gửi một hạm đội tới quần đảo Falkland (người Argentina gọi là Malvinas), khi đó đã bị các binh sĩ Argentina tấn công và kiểm soát. Bất chấp việc bị mất vài chiếc tàu chiến, Anh vẫn chiếm lại được quần đảo chỉ sau đó có 74 ngày. Cuộc chiến ngắn ngủi ấy làm 649 quân nhân Argentina và 255 lính Anh thiệt mạng.
Một cuộc thăm dò trong năm 1981 từng cho thấy Thatcher là Thủ tướng bị căm ghét nhất trong lịch sử Anh. Nhưng chỉ 2 năm sau, với cuộc chiến Falklands, bà đã khôi phục ảnh hưởng nhờ một làn sóng tinh thần dân tộc dâng cao tại Anh.
Quan điểm cứng rắn, thể hiện trên cả mặt đối ngoại, đã khiến tờ nhật báo Pravda của Liên Xô là nơi đầu tiên đặt cho Thatcher biệt danh "bà đầm thép". Biệt danh này về sau đã gắn chặt với hình ảnh của bà. Dưới thời Thatcher, Anh có mối quan hệ khăng khít với Mỹ và Thatcher cũng rất thân thiết với cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, nhân vật đã gọi bà là "người tuyệt vời nhất ở Anh".
Tuy nhiên sự cứng rắn của bà là nguyên nhân khiến Anh có quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng châu Âu. Nguyên nhân do Thatcher không ủng hộ các kế hoạch đưa châu Âu theo hướng gắn kết thành một khối. Bà còn đòi việc trả lại khoản đóng góp khổng lồ của Anh cho ngân sách châu Âu và đã khiến hoạt động trong Hội đồng Châu Âu gần như dừng lại cho tới khi bà đạt được mục đích.
Năm 1984, Thatcher tiếp tục ghi dấu ấn lịch sử khi cùng Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương ký vào một tuyên bố, trong đó Anh đồng ý trả lại Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, sau 156 năm đô hộ.
Giai đoạn cuối sự nghiệp, Thatcher dần bị hoài nghi về năng lực lãnh đạo. Sau 11 năm cầm quyền, Thatcher cuối cùng đã chấp nhận rút lui trong cuộc đua giành ghế lãnh đạo đảng với cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Michael Heseltine. Giới quan sát đánh giá một đạo luật thuế mới do Thatcher đề xuất, bị gọi là "thuế thân", đã dẫn tới các cuộc bạo động xảy ra ở Anh và khiến bà tuột dần khỏi quyền lực.
Tuy nhiên Thatcher vẫn duy trì đủ ảnh hưởng để đảm bảo Heseltine không thể kế nhiệm bà. Lên thay thế Thatcher là nhân vật được bà đỡ đầu, Thủ tướng John Major, người đã nắm quyền cho tới năm 1997.
Khi từ nhiệm, Thatcher đã nói với đôi mắt ngấn lệ: "Chúng tôi đang rời khỏi Phố Downling lần cuối cùng sau 11 năm rưỡi đầy tuyệt vời và chúng tôi rất hạnh phúc khi nước Anh hiện đang ở trong một tình trạng tốt hơn rất nhiều khi chúng tôi tới đây".
Đọc thêm:
> Uống thuốc sâu tự tử, nhầm sang thuốc kích dục
> Làm 'chuyện ấy' ở những nơi không tưởng tượng nổi
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Theo Tường Linh
Reuters/Thể thao & Văn hóa