Chính phủ Anh mới đây đã tuyên bố trì hoãn kế hoạch trấn áp các chương trình khuyến mãi thực phẩm không lành mạnh, vốn được lập ra nhằm giải quyết vấn đề béo phì của đất nước.
Cụ thể, các quy định cấm mua 1 tặng 1 và các chương trình khuyến mãi tương tự đối với thực phẩm và đồ uống có hàm lượng chất béo, muối hoặc đường ở mức cao sẽ được lùi lại sau 1 năm. Việc hạn chế nạp nước giải khát miễn phí cũng sẽ bị trì hoãn, nhưng các quy định về bố trí đồ ăn vặt trong các cửa hàng vẫn sẽ có hiệu lực theo kế hoạch vào tháng 10.
Theo thông báo mới, kế hoạch hạn chế quảng cáo thực phẩm nhiều muối, đường và chất béo tại Anh sẽ bị trì hoãn. Lệnh cấm các quảng cáo đồ ăn không lành mạnh trên TV trước 9h tối và quảng cáo trả phí trực tuyến sẽ bắt đầu vào tháng 1/2024 - chậm hơn một năm so với dự kiến ban đầu.
Chính phủ Anh cho biết việc trì hoãn thực thi các lệnh hạn chế như vậy nhằm có thêm thời gian để hiểu tác động tiêu dùng của các biện pháp này, trong bối cảnh lạm phát nước Anh đã tăng lên mức cao nhất trong vòng ba thập kỷ. Việc trì hoãn nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị.
Thủ tướng Boris Johnson đã cam kết giúp đỡ nhiều hơn cho những người dân Anh đang gặp khó khăn. Hồi tháng 4, Thủ tướng đã họp với nội các nhằm tìm ra những giải pháp mới để giải quyết tình trạng siết chặt chi phí sinh hoạt. Theo phân tích của hãng tin Bloomberg, các siêu thị tại Anh đã tăng giá nhanh hơn cả tỉ lệ lạm phát chung.
Ngoài vấn đề lạm phát, nước Anh cũng đang phải đối mặt với vấn đề béo phì ngày càng gia tăng. Trong tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo Anh là một trong những quốc gia thừa cân nhất thế giới. Đối mặt với sức ép giải quyết tình trạng béo phì quốc gia, các siêu thị Anh đã giảm những ưu đãi giảm giá đối với thực phẩm không lành mạnh.
Bà Barbara Crowther, thành viên trong Chiến dịch Thực phẩm của Trẻ em, cho rằng chính phủ không nên trì hoãn mà cần thúc đẩy nhanh hơn các lệnh hạn chế. Bà nói: "Sự chậm trễ này đe dọa mục tiêu của nước Anh là giảm một nửa tình trạng béo phì ở trẻ em vào năm 2030".
Bà Kate Halliwell, Giám đốc Khoa học tại Liên đoàn Thực phẩm và Đồ uống Anh (FDF), nhận định: "Vào thời điểm mà cả các gia đình và các nhà sản xuất đang phải đối mặt với lạm phát cao, việc trì hoãn lệnh cấm về khuyến mại đối với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống hàng ngày bao gồm ngũ cốc ăn sáng, bữa ăn sẵn và sữa chua là rất hợp lý. Bởi lệnh cấm có nguy cơ gây thêm sức ép cho ngân sách gia đình".
Bà Kate Halliwell chia sẻ thêm: "Chúng tôi cũng hoan nghênh việc trì hoãn các hạn chế quảng cáo, giúp cho ngành công nghiệp này sẽ có thời gian để chuẩn bị cho sự thay đổi về luật".
Phạm Hà Thanh (theo BNN Bloomberg, News.sky)