'Nước cờ' giúp Tổng thống Hàn giải quyết tam giác Mỹ - Hàn - Triều

'Nước cờ' giúp Tổng thống Hàn giải quyết tam giác Mỹ - Hàn - Triều

Thứ 5, 11/05/2017 12:02

Là con trai của một gia đình tị nạn từ Triều Tiên, ông Moon Jae-in đã giành chiến thắng đầy thuyết phục trước các đối thủ và trở thành Tổng thống thứ 12 của Hàn Quốc.

Tổng thống từng là người tị nạn sẽ thấu hiểu Triều Tiên?

Trong khi chính quyền Mỹ đang kêu gọi gây “áp lực tối đa” đối với Triều Tiên thì chiến thắng của ông Moon lại báo hiệu một chính sách tích cực xích lại gần quốc gia này trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiến hành một loạt các vụ phóng tên lửa và đe dọa thử nghiệm hạt nhân.

Tiêu điểm - 'Nước cờ' giúp Tổng thống Hàn giải quyết tam giác Mỹ - Hàn - Triều

  Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Song, ngoài việc đàm phán với Triều Tiên, các nhà phân tích cũng lo lắng Tổng thống Moon Jae-in sẽ làm “rạn nứt” nghiêm trọng mối quan hệ với Mỹ trong nhiệm kỳ của mình.

“Chúng tôi vẫn là một liên minh khăng khít, chừng nào Triều Tiên vẫn còn sở hữu vũ khí hạt nhân. Quan hệ Mỹ - Hàn không thể bị thay đổi chỉ vì mong muốn của một cá nhân”, James Kim, chuyên gia quan hệ quốc tế tại viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul khẳng định, ông Kim đang ám chỉ đến liên minh an ninh kéo dài suốt 6 thập kỷ qua giữ Mỹ - Hàn Quốc.

Ngay trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon tuyên bố: “Hàn Quốc nên theo đuổi cách tiếp cận đối thoại, chứ không chỉ sử dụng các lệnh trừng phạt để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân của họ”.

“Tổng thống Moon sẵn sàng tổ chức các cuộc đối thoại với Triều Tiên. Tôi tin, một khi ông Moon khởi động chính sách ngoại giao tích cực như vậy, Bình Nhưỡng sẽ đưa chương trình hạt nhân về mức khởi đầu", Yonhap dẫn lời ông Kim Yong-hyun, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại đại học Dongguk.

Mối quan hệ Hàn – Triều liên tiếp rơi vào khủng hoảng trong 9 năm qua, dưới thời lãnh đạo của hai chính quyền tiền nhiệm của ông Moon. Trước đó, 2 cựu Tổng thống đảng Dân chủ tự do của Hàn Quốc là ông Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun từng theo đuổi chính sách thân thiện với Bình Nhưỡng mang tên “Chính sách Ánh Dương” trong giai đoạn 1998 – 2008 thông qua các dự án chung giữa hai nước.

Và dĩ nhiên, cựu luật sư về nhân quyền và trợ lý hàng đầu của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, ông Moon sẽ kế thừa những di sản chính trị của nhà lãnh đạo Roh.

Tuy nhiên, tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện giờ đã có nhiều thay đổi rõ rệt so với giai đoạn trước. Cụ thể, chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đã có những bước phát triển vượt bậc.

Bình Nhưỡng đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân năm ngoái bất chấp những nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Còn trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố đất nước này đang bước vào giai đoạn cuối chuẩn bị cho một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn vươn tới Mỹ.

Hoa hồng và chông gai

“Chính quyền mới của ông Moon cần đặt điều kiện với Triều Tiên rằng, nếu họ từ bỏ thực hiện thêm các vụ thử hạt nhân và phóng ICBM, quan hệ Hàn – Triều mới có thể được cải thiện. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng cần tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh song phương để hiểu nhau hơn”, Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong gợi ý. 

Xem thêm >>> Mỹ ra điều kiện '4 không' để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Để thể hiện rõ “thành ý” của mình, một số chuyên gia cho rằng, chính quyền Moon nên sớm khôi phục các dự án chung với Triều Tiên như khu công nghiệp chung Kaesong và các chuyến du lịch tới núi Kumgang ở khu vực bờ biển phía Đông Triều Tiên. Hồi tháng 2/2016, Hàn Quốc đã cho đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong để đáp trả việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân. Hàn Quốc cũng dừng hoạt động các chuyến du lịch tới núi Kumgang tháng 7/2008 sau khi một du khách Hàn Quốc bị binh lính Triều Tiên sát hại.

“Nếu Hàn Quốc mở cửa lại khu công nghiệp chung Kaesong, biểu tượng thống nhất liên Triều, hành động này có thể vi phạm các quy định trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc áp đặt với Bình Nhưỡng. Đây sẽ là lý do khiến ông Moon cần phải cân nhắc thận trọng trước khi cho nối lại hoạt động của hai dự án trên”, cây bút Kim Soon-yeon của Yonhap nhấn mạnh.

Và để biến những điều trên thành hiện thực, ngay lúc này, tân lãnh đạo Hàn Quốc cần thuyết phục Mỹ tin tưởng những chính sách tới đây của ông đối với Bình Nhưỡng sẽ không ảnh hưởng gì tới các lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt với Triều Tiên.

Tiêu điểm - 'Nước cờ' giúp Tổng thống Hàn giải quyết tam giác Mỹ - Hàn - Triều (Hình 2).

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân Kim Jung-sook tại một điểm bỏ phiếu.

Xem thêm >>> Hé lộ bí mật về số phận những người Mỹ bị giam giữ tại Triều Tiên

Theo nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang, Hàn Quốc nên cử một phái đoàn đặc biệt tới Mỹ sớm nhất, để thể hiện quan điểm của chính quyền mới với Mỹ. Nếu Triều Tiên cam kết từ bỏ tham vọng hạt nhân, Mỹ chắc chắc sẽ hiểu cho những hành động đối thoại liên Triều của Seoul.  

"Hàn Quốc nên đảm nhận vai trò dẫn dắt giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Seoul cũng cần làm rõ với Mỹ và các nước láng giềng về chính sách đối ngoại với Triều Tiên, đồng thời nối lại liên lạc với Bình Nhưỡng", ông Yang Moo-jin, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên nhận định. 

Trong một tuyên bố hôm thứ Tư (10/5), Nhà Trắng cho hay: “Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Tổng thống đắc cử Moon Jae-in để tiếp tục củng cố liên minh giữa Mỹ - Hàn Quốc và tăng cường quan hệ hữu nghị dài lâu”.

Xem thêm >>> Quyết định sa thải Giám đốc FBI: Liệu có quan hệ ngầm Trump - Putin?

P.A

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.