Nước cờ nào cho tranh chấp Trung-Nhật trên biển Hoa Đông?

Nước cờ nào cho tranh chấp Trung-Nhật trên biển Hoa Đông?

Thứ 2, 15/07/2013 07:14

Biển Hoa Đông và Biển Đông vẫn đang "nóng" lên từng ngày bởi những tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Gần đây, Nhật Bản đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc dùng vũ lực trong mối quan hệ với Nhật Bản và các quốc gia khác.

Nước cờ nào cho tranh chấp Nhật - Trung?

Trong một chương trình của đài truyền hình Nhật Bản về vấn đề tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phát biểu rằng, việc "sử dụng vũ lực" để giải quyết tranh chấp trên biển Hoa Đông là một hướng đi hoàn toàn sai lầm.

Thủ tướng Abe nói: "Nhật Bản và Trung Quốc có những mối quan hệ không thể chia cắt, bởi vậy, cả hai nước cần bình tĩnh ngồi lại và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại". Nhật Bản hiện đang nỗ lực gây sức ép buộc phía Trung Quốc phải nới lỏng các điều kiện nhằm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh song phương về vấn đề tranh chấp này.

Tiêu điểm - Nước cờ nào cho tranh chấp Trung-Nhật trên biển Hoa Đông?

Hình ảnh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - quần đảo tranh chấp của Nhật Bản và Trung Quốc.

Hiện tại, biển Hoa Đông cũng đang là điểm "nóng" của châu Á bởi cuộc tranh chấp giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Động thái mới của Trung Quốc đẩy căng thẳng lên cao

Ngoài ra, một nguyên nhân khác kéo căng thẳng Nhật - Trung lên cao là hoạt động khai thác khí gas của Trung Quốc. Yoshihide Suga, phát ngôn viên của Thủ tướng Abe cho rằng, Tokyo đã truyền đến Bắc Kinh thông điệp, Nhật Bản rất lo lắng về các giàn khoan mới được xây dựng trên vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố là đặc khu kinh tế của họ. Đây là vùng biển nằm giữa bờ biển ở phía Đông Nam của Trung Quốc (thuộc Thượng Hải) và đảo Okinawa của Nhật Bản.

Tuy nhiên, chính quyền Nhật Bản luôn giữ lập trường của mình, khẳng định không có cuộc tranh chấp nào tồn tại ở quần đảo này bởi đó rõ ràng thuộc chủ quyền của Nhật Bản cả về mặt pháp lý lẫn lịch sử.

Ông Abe cho biết: "Khi bác bỏ việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vì các điều kiện đưa ra không được đáp ứng, Trung Quốc đang mắc phải một sai lầm trong lập trường ngoại giao". Đồng thời, ông cũng kêu gọi Trung Quốc và các nước khác tôn trọng pháp quyền trong việc giải quyết bất kỳ cuộc tranh chấp hàng hải nào.

Lời kêu gọi này được Thủ tướng Abe phát biểu sau khi có tin, một tàu cần trục của Trung Quốc đang xây dựng cơ sở khoan dầu ở khu vực biển gần đường biên giới mà Nhật Bản tuyên bố thuộc chủ quyền của nước này ở giữa vùng đặc quyền kinh tế của hai nước.

Ngoài ra, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ở Naha, quận Okinawa cũng thông báo, các tàu hải giám Trung Quốc đã ngang nhiên đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Liệu có “bão”?

Liên quan đến vấn đề tàu thuyền Trung Quốc liên tục xuất hiện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện các nhà hoạt động ở Hồng Kông đang lên kế hoạch đổ bộ lên quần đảo tranh chấp này vào tháng tới, nhằm thực hiện "khẳng định chủ quyền của Trung Quốc". Đây cũng là nhóm đã đổ bộ lên quần đảo này hồi năm ngoái, gây ra một cơn sóng gió lớn trong cuộc tranh chấp Trung - Nhật.

Ông Lo Chau - trưởng nhóm hoạt động đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Hành động Bảo vệ Điếu Ngư cho biết, lần này, họ sẽ sửa sai bằng cách xin giấy phép để có thể thực hiện một cuộc đổ bộ mới lên đảo tranh chấp với Nhật Bản vào ngày 15/8 tới. Ông Lo nói: "Chúng tôi đang có kế hoạch khởi hành đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư một lần nữa, đúng vào dịp kỷ niệm một năm sau lần đổ bộ trước".

Tiêu điểm - Nước cờ nào cho tranh chấp Trung-Nhật trên biển Hoa Đông? (Hình 2).

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Nhiều người lo ngại rằng, cuộc đổ bộ mới này sẽ khởi phát một cuộc đối đầu mới giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc đối đầu lần này có thể leo thang nghiêm trọng hơn nữa và có nguy cơ biến thành cuộc xung đột.

Các nhà bình luận cho rằng, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là điểm nóng, có nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự giữa hai cường quốc lớn nhất châu Á. Họ nhận định, rõ ràng, Trung Quốc cứng rắn một thì Nhật Bản cũng cứng rắn một. Nhật Bản đã tuyên bố sẽ không lùi bước trong việc bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhằm bảo vệ lãnh hải và lãnh thổ của mình, Nhật Bản đã có những động thái mới như lên kế hoạch phóng các vệ tinh giám sát vùng biển trong khu vực.

Cụ thể là trong 5 năm tới, Nhật dự định phóng 9 vệ tinh để chống lại nạn cướp biển và giám sát hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm nhập vào vùng lãnh hải của Nhật Bản. Đây rõ ràng là một động thái nhằm vào Trung Quốc trong bối cảnh tàu thuyền nước này thường xuyên bị tố xâm nhập vào vùng lãnh hải của Nhật Bản.

Nhật tăng ngân sách bảo vệ chủ quyền biển đảo

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Nhật Bản tuyên bố là quốc gia hòa bình, tuy nhiên, vẫn có 140.000 binh sĩ, 140 tàu quân sự và 410 máy bay, một phần của "các lực lượng phòng vệ". Vừa qua, lần đầu tiên sau 11 năm, Nhật Bản đã tăng ngân sách quân sự lên 0,8% để tăng cường hoạt động quốc phòng tại các hòn đảo. Sách trắng quốc phòng Nhật Bản cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ trước những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc.

"Senkaku có vai trò chiến lược đối với Nhật Bản, Trung Quốc. Nhật Bản cần hợp tác với các quốc gia ASEAN để cùng nhau đưa Trung Quốc ngồi vào bàn đối thoại, dù rằng việc đó cần có thời gian", giáo sư Takehiko Yamamoto của đại học Waseda ở Tokyo nói.

Tháng 9/2012, Nhật Bản đã quốc hữu hóa ba trong số năm hòn đảo của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Kể từ đó, căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc không ngừng leo thang và cho đến nay vẫn chưa được giải quyết về vấn đề chủ quyền quần đảo này.

Một báo cáo quốc phòng của Nhật Bản có ghi: "Trung Quốc đã có hành vi mang tính cưỡng bức, trong đó, có cả những hành động nguy hiểm, đầy rủi ro. Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động như xâm nhập vào lãnh hải của Nhật Bản, xâm phạm không phận của Nhật Bản và thậm chí còn có những hành động nguy hiểm có thể gây ra biến cố".

Trong nhiều tháng qua, các tàu Trung Quốc và Nhật Bản đã cáo buộc qua lại rằng, phía bên kia xâm nhập vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Các tàu chính phủ Trung Quốc thường xuyên tiến vào vùng lãnh hải rộng 12 hải lí quanh quần đảo này và đối đầu với tàu của lực lượng canh gác bờ biển Nhật Bản.

Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Nhật Bản - ông Masayoshi Tatsumi cho biết, bộ đang thúc đẩy sự hợp tác giữa các lực lượng vũ trang và lực lượng canh gác bờ biển để giám sát lãnh hải nước này.

Ông Tatsumi phát biểu: "Chúng tôi đang thực thi mọi biện pháp có thể nhằm duy trì tình trạng sẵn sàng đối phó với các vấn đề trên lãnh hải của chúng tôi, sử dụng máy bay và các thiết bị khác một cách linh hoạt".          

An Mai (Theo Japan Daily Press)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.