Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) đã công bố thông tin về 67% mẫu nước mắm do Hội này khảo sát bị nhiễm arsen vượt mức cho phép.
Thế nhưng, thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện arsen vô cơ. Đáng chú ý, Hội này không hề giải thích giữa hai loại arsen hữu cơ và vô cơ, loại nào là độc hại.
Họ còn nhấn mạnh, “các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng”, nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống.
Được biết, arsen vô cơ là thạch tín độc hại, còn arsen hữu cơ là chất tồn tại tự nhiên trong hải sản hay các nguyên liệu làm nước chấm, không độc hại đối với cơ thể con người.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đưa ra lời khuyên: “Hiện tại, người dân không nên quá hoang mang vào chất lượng nước mắm bởi đây chỉ là một cuộc khảo sát ban đầu. Việc nước mắm chứa thạch tín có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, hãy để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ”.
Cũng theo vị ĐBQH đoàn Đồng Tháp, hiện tại, Bộ Y tế chính là cơ quan cần vào cuộc ngay và có những thanh tra, kiểm tra minh bạch, rõ ràng, hiệu quả để đưa ra những kết luận chính xác về câu chuyện này.
Nước mắm có trong mỗi bữa ăn của gia đình người Việt, nó là thứ nước chấm phổ biến. Không thể để một công bố khảo sát chưa rõ ràng làm ảnh hưởng đến dư luận, đặc biệt là gieo những lo lắng, bất an trong người tiêu dùng như vậy được.
ĐB Phạm Văn Hòa phân tích thêm: “Tôi nghĩ, nếu có ai đó với ý đồ xấu, gây ra một “cuộc chiến ngầm” giữa các doanh nghiệp nước mắm như dư luận đang nghi ngại thì luật pháp cần xử lý nghiêm. Bởi đây là những thông tin hết sức mập mờ, chưa rõ ràng và khiến cho bao người tiêu dùng phải quay lưng lại với nước mắm truyền thống.
Dù vậy, cá nhân tôi thấy, khó có trường hợp này bởi thông tin xấu sẽ gây hại cho tất cả các doanh nghiệp chứ không chỉ riêng một loại nước mắm nào”.
ĐB Hòa cũng cho hay, gia đình ông vẫn đang dùng nước mắm một cách bình thường với các thương hiệu uy tín như Cát Hải, Phú Quốc, Phan Thiết... Bởi, khảo sát cũng chỉ là khảo sát ban đầu và chưa có bất cứ kết luận chính thức nào. Thêm nữa, thông tin cuộc khảo sát lại hết sức mập mờ, thiếu rõ ràng.
Tuy vậy, để tránh việc người dân hoang mang, quay lưng lại với cả những dòng mắm đạt chuẩn chất lượng, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, ĐB Phạm Văn Hòa nhiều lần đề nghị và nhấn mạnh: “Bộ Y tế phải vào cuộc cấp thiết, thanh kiểm tra và có những kết luận khách quan nhất, công bố trước dư luận”.
Nói về trách nhiệm của những luồng thông tin mập mờ, thiếu rõ ràng có thể gây những hậu quả nghiêm trọng, vị đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp đưa ý kiến: “Nếu như có việc đơn vị khảo sát cố tình thông tin không rõ ràng, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều doanh nghiệp thì tôi nghĩ, không chỉ dừng lại ở xử lý hành chính. Pháp luật cần có những xử lý nghiêm, xác đáng với trường hợp này.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm về những thông tin mình công bố. Không những vậy, nếu thông tin không chuẩn xác thì phải có lời xin lỗi người tiêu dùng. Sai và xin lỗi là việc hết sức bình thường”.
Dương Thu