Nước mắt ân hận của ôsin 16 tuổi giết người cướp của

Nước mắt ân hận của ôsin 16 tuổi giết người cướp của

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Sở hữu khuôn mặt bầu bĩnh, ưa nhìn, trong suốt buổi nói chuyện với PV, phạm nhân Trần Thị Vui (tức Vân, SN 1992), quê ở xã Vĩnh Khang, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, hiện đang thụ lý tại Trại giam số 6 (Tổng cục VIII Bộ Công an) cứ khóc mãi không thôi. Chỉ vì lòng tham của mình, trong phút chốc, cô đã cướp đi sinh mạng của một người và giờ đây đang phải chịu sự trừng phạt của pháp luật và lương tâm.

Bịa lời khai vẫn không thoát tội

Khoảng 4h30 ngày 2/7/2009, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận được tin báo tại nhà số 107 - 109, khu tập thể Thủ công Mỹ nghệ 36 phố Hai Bà Trưng, phường Hàng Bài (Hoàn Kiếm) xảy vụ án mạng. Nạn nhân được xác định là bà Nguyễn Thị Kim K. (SN 1942) trú tại phố Hàng Bài (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Được biết bà K. chính là mẹ đẻ của chị Phan Thị Hoài A., chủ nhà số 107. Khám nghiệm tại hiện trường cho thấy: Nạn nhân bị đâm nhiều nhát trên cơ thể, cổ có vết cắt sâu, toàn thân có nhiều vết rách, nằm chết dưới nền nhà trong phòng ngủ của vợ chồng chị A. Thời điểm xảy ra án mạng, trong nhà ngoài nạn nhân còn có Trần Thị Vui, cô ô sin giúp việc cho nhà chị A.

Pháp luật - Nước mắt ân hận của ôsin 16 tuổi giết người cướp của

Phạm nhân Trần Thị Vui òa khóc khi nhắc đến nạn nhân.

Tại CQĐT, bằng một vẻ mặt đau xót, Vui khai khi đó cô đang nằm ngủ thì có tiếng kêu thoát ra từ phòng bà K. Chạy sang thì thấy hai thanh niên đang dùng dao đâm bà K., cướp tài sản, dìm đầu Vui vào bồn nước rồi tẩu thoát. Tuy nhiên, quan sát kỹ tại hiện trường, cộng với những lời khai mâu thuẫn của Vui, các điều tra viên đã nghi ngờ cô ô sin này có dính líu đến vụ án mạng.

Qua đấu tranh, khai thác, cuối cùng nữ ô sin đã cúi đầu nhận tội. Theo đó, ngày 28/6, gia đình nhà chị A. có tổ chức đi chơi nên đã bảo bà K. sang trông nhà giúp. Trong lúc dọn dẹp nhà cửa, tình cờ Vui thấy bà K. mở tủ và phát hiện ra nhà chị A. có rất nhiều tiền và vàng. Sau lần đó, những hình ảnh về số tiền vàng cứ hiện lên trong suy nghĩ của Vui. Vui nghĩ "nếu mình có được số tiền này thì sẽ thoải mái ăn tiêu, không phải làm lụng khổ sở nữa".

Nghĩ là làm, sau khi chuẩn bị dao, 3h sáng ngày 2/7, Vui nhẹ nhàng lẻn vào phòng bà K.. Thấy bà K. đang ngủ, Vui rút dao đâm thẳng vào bụng bà K. Tuy bị đâm bất ngờ nhưng bà K đã vùng dậy, giật dao và đuổi theo Vui. Quá hoảng loạn, Vui đã giật lại được dao và đâm liên tiếp vào người bà K.. Chỉ đến khi bà K. không còn động đậy, Vui mới dừng lại. Giết người xong, Vui điềm tĩnh tắm rửa và mở tủ, gom sạch số tiền vàng trị giá 250 triệu đồng mang lên sân thượng cất giấu. Thời điểm gây án, Vui mới 16 tuổi, do vậy TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Vui 18 năm tù giam.

Mong sớm được đoàn tụ

Gần 3 năm trong trại cải tạo, Vui đã khác đi rất nhiều. Khuôn mặt cô trông già dặn hơn rất nhiều so với hôm chúng tôi gặp tại phiên tòa xét xử. Vui tâm sự: "Thời gian đầu nhập trại, cứ đêm đến là em khóc. Hơn nữa hình ảnh bà K. cứ hiện lên khiến em cả đêm không tài nào ngủ được. Sau này được các cán bộ, cùng các chị em trong phòng động viên nên em cũng bớt suy nghĩ hơn. Giờ em chỉ muốn cải tạo thật tốt để sớm đoàn tụ với gia đình".

Vui cho biết, cô là con út trong một gia đình có hai chị em. Bố mẹ đều làm nông nghiệp nay ốm mai đau. Vì thế, khi mới học hết lớp 9, Vui phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình công việc đồng áng. Khi có người quen giới thiệu ra Hà Nội tìm kiếm việc làm, Vui đã xin phép bố mẹ rồi gom một vài bộ quần áo lên đường.

Từ bé đến khi bước chân ra khỏi nhà, Vui chưa bao giờ được hưởng thụ cũng như biết đến cuộc sống nhộn nhịp nơi đô thị nên không khỏi bị choáng ngợp. Ra đến Hà Nội, sau vài ngày đi xin việc, cuối cùng Vui được nhận làm ô sin cho nhà chị A. và được trả 1 triệu đồng mỗi tháng. Mặc dù, đây là số tiền không lớn, nhưng với Vui nó lại là cả một vấn đề. Vừa được ăn, được ở lại có tiền gửi về phụ giúp bố mẹ ở quê nên Vui ra sức làm việc. Hơn nữa, với bản tính chân chất, chịu khó, lễ phép nên cô ô sin này được nhà chủ hết sức cưng chiều. Ngoài tiền lương cứng, mỗi tháng, gia đình nhà chị A. còn cho Vui một khoản tiền để mua sắm quần áo, đi chơi phố để biết đây biết đó.

Ngày xét xử, khi chiếc xe thùng vừa đưa Vui đến cổng tòa, ngó qua lỗ thông gió, nữ phạm nhân này thấy cha mình đang đứng thất thần dõi con. Mãi sau này Vui mới biết, để có tiền ra Hà Nội tham dự phiên tòa với tư cách là người giám hộ cho bị cáo, ông Trần Quốc Tr. (bố phạm nhân Vui) đã phải bán đi một tạ thóc rồi vay mượn thêm tiền của hàng xóm. Vui vẫn nhớ khá rõ, trong ngày xét xử hôm ấy, khi ông Tr. vừa nói, vừa đưa tay lên gạt những giọt nước mắt chảy trên đôi gò má đen sạm và nói: "Tôi là người có tội khi không tận tình dạy dỗ con mình nên mới xảy ra sự việc như vậy".

Nói chuyện với PV, cứ trò chuyện được một lúc, phạm nhân Vui lại hỏi "mọi người trong nhà em vẫn khỏe cả chứ ạ!". Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi từ khi nhập trại đến nay đã gần 3 năm gia đình Vui mới hai lần đến thăm con. Cũng tại vì quá nghèo, đường sá xa xôi nên mỗi lần vào thăm con, cha mẹ Vui cũng phải tằn tiện chắt bóp cả năm thì mới đủ đi được một lần.

Trong nước mắt, Vui bảo bà K. thường rất tốt với cô. Những lần Vui ốm, mệt, bà K. đều phụ giúp công việc nội chợ, dọn dẹp. Thậm chí còn nấu cả nước lá cho Vui xông. Cứ tối đến, sau khi xong công việc, Vui lại về nhà bà K. để ngủ. Mọi chuyện vui, hai bà cháu đều kể cho nhau nghe. Và Vui coi bà K. như bà của mình. Thế mà lòng tham đã khiến Vui mù quáng, mất hết cả tình người. "Mai này sau khi hết thời gian thụ lý, việc đầu tiên em làm đó chính là ra mộ bà K. thắp cho bà ấy nén nhang tạ lỗi" - Vui cho biết.

N. Bắc - H. Phạm


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.