Tôi tình cờ quen Nguyễn Tấn Phương trong một lần đi tác nghiệp. Cậu thanh niên còn trẻ nhưng phong cách điềm đạm khiến tôi thấy gần gũi và dễ nói chuyện. Phương, 26 tuổi, là một kiến trúc sư giỏi. Chàng trai trẻ được đánh giá là người điềm đạm, sống có trách nhiệm với gia đình, nhưng không thể ngờ một ngày chàng thanh niên nhận hung tin mình bị HIV…
Cứ ngỡ bình yên…
Sau một thời gian trò chuyện, tôi càng thấu hiểu và thông cảm với Phương hơn. Theo chia sẻ, nhà Phương có một anh trai bị bệnh nặng từ nhỏ. Bố mẹ Phương làm nghề giáo, đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống. Ngoài gánh nặng cơm áo gạo tiền, bố mẹ Phương còn phải chật vật lo tiền thuốc thang chữa bệnh cho cậu con trai cả. Có lẽ, Phương sớm nhận ra sự ngang trái, éo le của cuộc đời, nên từ nhỏ đã cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn để không làm bố mẹ phiền lòng.
Nhiều người bảo rằng, Phương là sự bù đắp cho gia đình ông bà giáo. Phương sớm nhận thức trách nhiệm, vai trò của mình trong nhà. Có lẽ vì thế nên Phương luôn được xem là già và chững chạc trước tuổi. Tốt nghiệp phổ thông, Phương vào trường kiến trúc như mơ ước. Những năm tháng sinh viên vất vả, chứng kiến bố mẹ vật lộn với cuộc sống để chăm anh và nuôi mình ăn học, Phương luôn nghĩ bằng mọi cách phải học tốt để ra trường có việc làm, giúp đỡ cha mẹ khi tuổi già sức cạn, chăm lo cho anh trai bệnh tật.
Phương trải lòng: “Ngay từ thời sinh viên, em đã tự mình đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ngoài ra, em còn phải cố gắng tích góp một khoản nhỏ để gửi về cho bố mẹ, hỗ trợ chăm lo cho anh trai bệnh tật. Em nhận thấy, mỗi người đều sẽ trưởng thành, quan trọng là cách mình nỗ lực thế nào thôi”.
Cũng bởi sớm va chạm, nên Phương khá dạn dĩ trong giao tiếp. Phương có cách đối thoại, giao tiếp với người khác tự nhiên, linh hoạt, dễ mến. Chính tôi cũng thừa nhận rằng, Phương khiến tôi chú ý, tò mò và cảm tình ngay từ lần đầu gặp.
Ra trường, Phương dễ dàng xin được một công việc mơ ước tại một công ty tư nhân ở tỉnh Đồng Nai. Phương kể: “Đó là những ngày khởi đầu đầy hứng khởi. Em không phải nếm cảm giác ăn chờ nằm chực và vác hồ sơ chạy khắp nơi xin việc. Sau nửa năm đi làm, nhận được sự tín nhiệm từ cấp trên, em có một vị trí vững chắc trong cơ quan. Em cũng có đồng lương ổn định để có thể hỗ trợ bố mẹ chăm lo cho anh trai”.
Lúc này, sóng gió, khó khăn đã tạm lắng trong gia đình Phương khi giờ đây, ông bà giáo đã có thể an tâm, tin tưởng vào tương lai của cậu út.
Biến cố bất ngờ
Bẵng đi một thời gian không nói chuyện, tôi cứ nghĩ rằng cuộc sống của Phương sẽ bận rộn hơn với những mối quan hệ mới. Phương sẽ sống thật tốt và không ngừng theo đuổi ước mơ của mình.
Nhưng rồi, một đêm nọ, tôi thấy tin nhắn của Phương. Phương trải lòng: “Em chẳng biết phải bắt đầu từ đâu nữa, cảm giác bây giờ thật khủng khiếp...”. Khi tôi chưa thể nghĩ ra được một lý do nào cho dòng tin nhắn đầy tâm trạng ấy thì Phương tiếp tục: “Mấy nay em mệt, tự nhiên thấy sút cân, hay sốt và bị tiêu chảy. Ban đầu tưởng như bị cúm thông thường nhưng uống thuốc mãi không đỡ. Lo lắng và hoang mang vô cùng nhưng em cũng phải bước chân đến cửa phòng xét nghiệm... và chị có tin là em dương tính với HIV không?...”.
Tôi tưởng như tim mình thắt lại và mắt hoa lên vì không thở nổi khi thấy dòng tin nhắn ấy. Muốn hỏi lại để xác nhận thêm thông tin, nhưng chợt hiểu rằng chẳng ai mang điều ấy ra để làm trò đùa cả và tôi im lặng. Rồi Phương kể, lúc nhận kết quả xét nghiệm, Phương như hóa đá. Sau đó, cậu hoảng loạn với hàng chục câu hỏi: Tại sao mình bị? Mình lây từ ai khi mình không hút chích hay mại dâm, mình chỉ có quan hệ với mỗi người yêu..., mình bị từ bao giờ? Mình sẽ sống được bao lâu nữa? Những ngày đầu trong tâm trạng hoảng loạn khiến Phương thấy mỗi ngày dài dằng dặc và nặng nề, tăm tối.
Nhưng rồi Phương trấn tĩnh lại, cậu ấy nói: “Bây giờ, em chẳng phải sợ chết vì bệnh tật, em nghĩ làm sao đối diện với bố mẹ? Làm sao bố mẹ em vượt qua cú sốc này... em nghĩ về nhà mình, nghĩ về anh trai và nghĩ về những điều tiếng mà bố mẹ sẽ phải gánh chịu. Hoàn cảnh gia đình như thế, em còn chưa kịp báo hiếu cha mẹ, giờ còn giáng thêm cho ông bà một cú sốc khủng khiếp. Thật sự em không dám nghĩ nữa. Người ta sẽ bảo vì bố mẹ em quá nuông chiều làm con hư hỏng, bệnh nan y còn được người ta thương, còn HIV thì chắc là do ăn chơi trác táng, sống buông thả... Làm sao em sống được khi chứng kiến bố mẹ mình phải chịu đựng những lời đàm tiếu như vậy? Những cái đó, còn đáng sợ gấp nghìn lần cái chết chị ạ. Em thật không đành lòng...”.
Tôi hiểu những dằn vặt đau khổ mà Phương đang chịu đựng, nỗi sợ hãi đến từ dư luận dành cho bố mẹ. Chính Phương là niềm an ủi, niềm tự hào của gia đình nhưng giờ đây... tất cả đã sụp đổ. Tôi không biết phải nói gì với Phương lúc này. Tôi nghĩ, Phương đang phải chiến đấu để vượt qua tất cả, Phương phải chiến thắng nỗi nợ hãi đang bủa vây lấy mình.
Phương nói, cậu từng nhiều lần chứng kiến những giọt nước mắt của mẹ rơi vì những éo le của gia đình. Cậu sợ cảm giác lại phải nhìn mẹ khóc trong đớn đau, tuyệt vọng. Thế nhưng, Phương cần một chỗ dựa từ gia đình trong lúc này. Và trước sau gì, Phương cũng không thể giấu các đấng sinh thành mãi. Thế nên, tôi khuyên Phương nói sự thật với bố mẹ. Dù đớn đau và có thể bố mẹ cậu ấy cũng thật khó để chấp nhận sự thật này, nhưng chắc chắn họ cũng không bao giờ có thể làm ngơ trước nỗi bất hạnh của con mình. Họ sẽ càng đau đớn hơn khi nhận ra mình đã không thể chia sẻ sớm hơn điều đớn đau, kinh khủng ấy.
Và rồi, Phương đã lấy hết can đảm nói ra sự thật kinh khủng ấy với mẹ. Bà giáo tưởng như mình rơi xuống vực thẳm khi nghe đứa con đau đớn kể về nỗi bất hạnh của mình. Bà không gào thét hay khóc lóc, thở than, không một lời oán con hay trách móc số phận trớ trêu với gia đình mình. Bà ôm Phương mà khóc. Bà hiểu khi đứa con trai lựa chọn ngày Vu lan báo hiếu để nói chuyện với mẹ là nó đã trải qua một khoảng thời gian dài đấu tranh tư tưởng. Hơn hết, bà hiểu con trai mình từ nhỏ, giờ bà càng phải là người làm chỗ dựa tinh thần cho con...
Phương bảo rằng, chứng kiến sự suy sụp của bố mẹ trong âm thầm, lặng lẽ là một cảm giác cực kỳ kinh khủng. Và, đó mới là nỗi sợ hãi, là bản án nặng nề nhất với cậu chứ không phải là cái chết. Chưa bao giờ, Phương thấy mình là đứa bất hiếu như lúc này, nhìn anh trai bệnh tật nằm đó Phương càng thấy ngột ngạt. Cảm giác từng ngày, từng giờ trôi qua với vô vàn nghĩ suy, giằng xé khiến Phương chẳng dám nghĩ đến một ngày cậu không còn nhìn thấy những người thân yêu.
Nhưng, hẳn Phương cũng đã yên tâm một phần nào đó, khi giờ đây trong vô vàn nỗi mặc cảm và sự cô độc với thế giới bên ngoài, bố mẹ vẫn là những người dang cánh tay, yêu thương chăm sóc Phương vô điều kiện. Tình thương yêu ấy đủ để Phương chẳng còn sợ cái chết và những cái nhìn thiếu thiện cảm từ mọi người. Cái Phương sợ bây giờ là cậu đã cướp đi hy vọng duy nhất của bố mẹ về tương lai, về cuộc sống.