Muốn bỏ tất cả để về với vòng tay bố mẹ
Chị Nguyễn Ngọc Lan (Lâm Hà, Lâm Đồng) lấy chồng ở Bắc Ninh, gái Nam lấy trai Bắc nên việc trải nghiệm cái Tết đầu tiên ở nhà chồng để lại trong chị những cảm xúc khó tả mà đến giờ, khi đã trải qua 7 cái Tết trong vai trò dâu con nhưng chị vẫn không sao quên được.
Chị Lan lấy chồng vào cuối tháng 11 âm nên nhận được nhiều câu hỏi đầy ái ngại từ bạn bè: “Sao cậu không để ra Giêng ngày rộng tháng dài hãy cưới? Cưới đúng cận Tết thế này về làm ô sin nhà chồng cho khổ?”.
Nghe bạn bè hùa nhau dọa, phong tục đón Tết ngoài Bắc rất nhiều lễ nghi, nhiều điểm khác biệt với đón Tết trong Nam nên chị Lan vừa lo lắng vừa hồi hộp, thậm chí có lúc chị Lan còn thấy sợ.
"Lấy chồng xa, ngay những ngày đầu đã là một thử thách khi phải chống đỡ với nỗi nhớ nhà, rồi tìm hiểu, làm quen và tập thích nghi với nếp sống gia đình nhà chồng. Cảm giác xa lạ vẫn chưa kịp biến mất thì không khí Tết đã ngập tràn khắp nơi.
Ban đầu, tôi lo sốt vó khi thấy còn gần tháng nữa mới đến Tết mà mẹ chồng đã sắm sửa Tết mỗi khi đi chợ. Khi thì bà mua ít măng khô, khi thì chai mắm ngon, lúc lại ít mộc nhĩ, rồi bát đũa, lọ hoa mới... Thấy mẹ chồng như vậy khiến tôi thực sự bối rối, không biết bản thân phải chuẩn bị Tết thế nào cho chu toàn.
Hỏi chồng thì anh ấy gãi đầu gãi tai bảo năm nào Tết cũng chỉ việc ăn với ngủ, mọi thứ mẹ lo hết nên không biết đâu với đâu. Hết người để “cầu cứu”, tôi đành đánh bạo hỏi mẹ chồng cần phải chuẩn bị Tết những gì? Mẹ chồng bảo để mẹ lo sắm hết và giao cho vợ chồng tôi nhiệm vụ mua quất, đào, bánh kẹo và một ít trái cây.
Đến 30 Tết, vợ chồng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mẹ chồng giao. Tâm trạng lo lắng của tôi cũng nhẹ đi phần nào”, chị Lan giãi bày.
Thế nhưng không ngờ, mọi khó khăn vẫn còn ở phía trước. Và nó thực sự bắt đầu vào chiều 30 Tết khi chị Lan được giao nhiệm vụ... thịt gà.
“Ở quê tôi, việc làm thịt gà, cắt tiết gà là việc của cánh đàn ông, phụ nữ chỉ nấu nướng. Tuy đã nhiều lần nhìn bố với anh trai làm việc này, nhưng vốn chưa bao giờ cầm dao thịt con vật đang sống nên tôi vừa sợ vừa bối rối lắm. Gọi chồng ra ngỏ ý nhờ anh ý “cứu nguy” nhưng anh lại lắc đầu “anh không biết làm”. Thế là , đành nhắm mắt nhắm mũi cắt mà cắt vào tới tận xương vẫn không thấy tiết đâu, buông tay ra thì con gà đi chao đảo khắp sân. Chồng vỗ tay cười khúc khích, mẹ chồng từ bếp nhìn ra lắc đầu tỏ ý vừa bực vừa buồn cười, còn tôi thì run run cầm con dao đứng như chôn chân tại chỗ.
Chưa hết, đến công đoạn vặt lông gà, vì lóng ngóng nên cuối cùng gà không chỉ trụi lông mà còn... trụi cả da, nhìn con gà trơ thịt, thực tình lúc đó tôi chỉ muốn tìm cái lỗ để chui xuống cho đỡ ngại. Sau đó mẹ chồng đành làm thịt con gà khác để làm gà cúng, còn “sản phẩm” của tôi thì được băm ra làm món gà xào gừng”, chị Lan kể.
Không dừng lại ở đó, khi bố chồng bảo chị cắt bánh chưng để cúng cũng khiến chị Lan bối rối. Bởi miền Nam thường gói bánh chưng tròn dài, bánh ngoài Bắc lại thường là bánh vuông. Dưới sự “hướng dẫn nhiệt tình” của chồng, cuối cùng chiếc bánh chưng cũng được chị cắt thành 8 miếng nhưng méo mó, be bét cả nhân lẫn thịt. “May mà mẹ chồng tôi dễ tính nên sau đó mẹ làm mẫu, nhẹ nhàng chỉ bảo cách đặt giang thế nào, rút cây giang nào trước... Tôi vừa ngượng vừa thương mẹ có nàng dâu đoảng”, chị Lan cho biết.
Trải qua kỳ nghỉ Tết đầu tiên cùng gia đình chồng không phải là việc dễ dàng với những nàng dâu mới. Với những người lấy chồng xa quê như chị Lan, việc đó còn khó khăn gấp nhiều lần bởi ngoài sự bỡ ngỡ vì phong tục tập quán 2 miền tuy giao thoa nhưng có những nét khác nhau, họ còn phải trải qua cảm xúc nhớ nhung cha mẹ ruột vào phút giao thừa.
“Vì khoảng cách địa lý giữa nhà đẻ với nhà chồng xa quá nên tôi cũng chuẩn bị tâm lý là Tết này không thể cùng đón Tết với ba mẹ ruột. Thế nhưng khi tới thời khắc chuyển giao năm mới, cả nhà chúc mừng nhau, được mẹ chồng mừng tuổi tôi thấy nhớ nhà da diết.
Sau đó ba tôi điện thoại hỏi han con gái, dặn tôi chú ý mấy chuyện lễ nghĩa. Nghe giọng trầm ấm của ba, rồi tiếng anh chị và các cháu nói cười vọng lại khiến tôi bật khóc. Cảm xúc lúc đó là chỉ muốn bỏ tất cả để trở về với vòng tay ba mẹ. Những năm sau đó, được sự cho phép của bố mẹ chồng, vợ chồng tôi cứ cách một Tết lại vào Lâm Đồng đón Tết với nhà ngoại. Sự tâm lý của nhà chồng khiến Tết với tôi không còn là nỗi ám ảnh”, chị Lan nhớ lại.
Cái Tết đầu tiên ở quê chồng giúp chị Lan nhận ra, học làm dâu còn khó hơn học chữ. Những trải nghiệm bi hài ấy cho đến sau này, khi đã “thạo” việc làm dâu chị vẫn không thể quên.
Để con dâu vơi bớt nỗi nhớ nhà
Chị Thiều Thị Ngà (SN 1989) tuy lấy chồng cách nhà chưa đầy 40km nhưng do chồng chị là con trưởng khiến chị cũng khá áp lực.
“Năm đầu tiên với vai trò dâu trưởng, mọi thứ tôi cứ lóng nga lóng ngóng, từ chuyện bếp núc cho đến dọn dẹp nhà cửa. Đó là chưa kể bao nhiêu năm nay đã quen chuyện đón Tết với bố mẹ đẻ, giờ phải tập quen chuyện ăn Tết với những người thân mới nên có chút ngậm ngùi. Đêm giao thừa năm ấy, đang ngồi nói chuyện với cả gia đình chồng thì anh trai tôi gọi điện thoại trêu: “Đang ở đâu đó, em không về nhà đón giao thừa cùng bố mẹ à?” thế là tôi vội chạy vào phòng ôm mặt khóc rưng rức”, chị Ngà nhớ lại.
Chia sẻ thêm với PV, chị Ngà cho biết, để nhanh thích nghi và hòa đồng với cuộc sống nhà chồng, các nàng dâu hãy coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, công việc nhà chồng như công việc nhà đẻ, đối xử không thiên lệch, bên nội cũng như bên ngoại. Chỉ cần trao yêu thương thì chắc chắn sẽ nhận lại thương yêu.
Trao đổi thêm với PV, cô Tô Thị Thúy (SN 1961) mẹ chồng của chị Ngà vẫn nhớ ngày đầu tiên có con dâu trong nhà: “Năm đầu tiên con về làm dâu, chúng tôi cũng đã dặn nhau trước phải làm sao cho không khí gia đình thật ấm cúng để con đỡ nhớ nhà và tạo cho con cảm giác thân thiện nhất.
Tôi nghĩ con nào cũng là con, nếu mình không xét nét thì con dâu cũng sẽ làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình. Bằng chứng là hiện nay, vợ chồng Ngà sống rất hòa thuận, biết kính trên nhường dưới, lại sinh cho tôi những đứa cháu ngoan ngoãn, đó là điều mà chúng tôi hạnh phúc nhất”.