Vinh quang và nước mắt
Đó là căn nhà ở quê của hai chị em ruột VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc và Nguyễn Thành Ngưng - cặp đôi vận động viên được xem là "cặp đôi vàng" của thể thao Việt Nam. Thời gian này, Phúc và Ngưng không có nhà vì đang bận chuyến tập huấn tại Trung Quốc để chuẩn bị cho kỳ Asian Games sắp tới. Căn nhà từng là tổ ấm của 9 người nay chỉ còn ba mẹ và đứa em gái út của Phúc và Ngưng thui thủi sống với nhau.
Căn nhà nhỏ chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài những những tấm bằng khen của chị em Phúc, cùng tấm ảnh chụp chung cả gia đình được treo ở vị trí trang trọng nhất nhà. Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Việt (SN 1958) và bà Nguyễn Thị Hòa (SN 1957), ba mẹ của Phúc và Ngưng. Là dân lao động lại sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó nên ông bà có nét gì đó rất chân chất, thật thà. Đằng sau nước da rám nắng, gân guốc là hai tấm lòng hết mực vì con cái.
Nhắc đến tên Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng, bà Hòa không kìm được xúc động, đôi mắt trũng sâu của người mẹ ngấn lệ, bà nhớ lại: "Tui với ổng có cả thảy bảy mặt con, hai trai, năm gái. Phúc là đứa thứ 5, Ngưng là đứa thứ 6. Hiện ba đứa đã có gia đình riêng. Trong 7 đứa con, Phúc và Ngưng là 2 đứa khổ nhất, mới lớn đã xa ba mẹ, anh chị em để đi tập luyện". Ông Việt tiếp lời: "Nhà nghèo, lại đông miệng ăn mà quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên con cái bữa đói bữa no, có lần mấy chị em nó phải bụng đói đi học. Nghĩ lại mà thương con đứt ruột".
Gia đình chung vui với thành công của Thanh Phúc và Thành Ngưng.
Tuy nhiên, với bản tính chân chất, chịu thương chịu khó của người dân quê mình, ngay từ nhỏ, Phúc và Ngưng luôn là tấm gương để anh chị em trong nhà cũng như chòm xóm học tập. Ngày đó, kinh tế gia đình khó khăn, gia tài chỉ có chiếc xe đạp ọc ạch, thế nhưng cũng chẳng đến lượt Phúc và Ngưng. Hằng ngày, không quản nắng mưa, hai chị em cùng nhau đi bộ vượt chặng đường 10km (cả đi cả về) đến trường. Ông Việt xót xa: "Có lẽ, vì rứa mà hai đứa nó có khả năng đi bộ... hơn người".
Nói là vậy, nhưng để có được thành công như hôm nay, không phải chỉ một sớm một chiều mà chị em Phúc - Ngưng có được. Được thừa hưởng niềm đam mê điền kinh của ba và chị gái, sự chịu thương chịu khó của mẹ nên chẳng khó khăn gì để Phúc và Ngưng "bén duyên" với bộ môn này. Ngày còn học ở trường, chưa bao giờ hai chị em để tuột khỏi tay vị trí cao nhất của Hội khỏe Phù Đổng, nội dung điền kinh.
Bà Hòa còn nhớ như in, Phúc theo chị đi tập, thấy con bé gầy gò, thấp bé nhưng đôi mắt đen, lấp láy niềm ham thích bộ môn đi bộ, thầy Trần Anh Hiệp đã hỏi nó có muốn tham gia không, nó gật đầu đồng ý ngay. Thầy Hiệp về xin ý kiến gia đình, thấy con ham quá, chúng tôi đành chiều con. Năm 2007, cô bé nhỏ nhắn Nguyễn Thị Thanh Phúc chính thức bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp. Không lâu sau đó, Nguyễn Thành Ngưng, cậu em kế của Phúc, dưới sự hướng dẫn của HLV Trần Anh Hiệp và chị gái cũng "đầu quân" cho đội Điền kinh Đà Nẵng ở nội dung đi bộ.
Từ đó đến nay, hai chị em phải thường xuyên xa nhà để tập luyện. Tiếng cười nói rộn ràng của cô bé "hạt tiêu" và cậu nhóc nghịch ngợm không còn xuất hiện nhiều ở miền quê nghèo khó. Bù lại, bóng dáng Phúc và Ngưng lại in hằn trên đỉnh Sơn Trà, bãi biển Nguyễn Tất Thành hay sân tập mỗi sáng sớm và chiều muộn. Quệt vội những giọt nước mắt lăn trên gương mặt gầy gò, bà Hòa nghẹn ngào: "Hai đứa hắn ưng về nhà lắm, nhưng không có thời gian. Thằng Ngưng có lần điện thoại về nói: "Hồi nãy con tập, con thấy bà mô đi ngoài xa dáng y như má, tự nhiên con không tập được chi hết má ơi!". Nghe con nói rứa mà nước mắt tui cứ chảy hoài...”.
"Mong có ai đó thay mình chăm sóc các con"
Bận rộn với công việc luyện tập, học hành, nhưng hễ có thời gian rảnh là Phúc và Ngưng lại thu xếp về nhà. Mỗi lần như thế, căn nhà nhỏ lại rộn ràng tiếng cười nói, 7 anh chị em họp mặt, kể cho nhau nghe những vui buồn trong công việc và cuộc sống. “Tuy nhiên, mỗi năm hai đứa về nhà được chục buổi tối, Tết nhất có khi còn phải tập, bởi bộ môn này mà nghỉ không tập mấy bữa là phải tập lại từ đầu. Bởi rứa tui cũng động viên cho hai đứa hắn cứ đi, không phải lo lắng cho ba má", bà Hòa thú thật.
Cứ thế, gần chục năm nay, dường như ông Việt, bà Hòa quá quen với cảnh "tiễn" con đi. Học tập, thi đấu xa vòng tay cha mẹ là trăm chuyện phải lo, trăm điều phải tính. Bà Hòa chia sẻ: "Lo nhất là hồi Phúc đi Nga, cả Việt Nam chỉ có Phúc với thầy Phúc đi. Thời gian em đi mà không đêm mô tui ngủ được. Chỉ trông cho em về yên lành. Sau này, hai chị em nó cùng đi thi đấu, tui mới đỡ lo". Nhiều lúc muốn đi theo con để chăm sóc, cổ vũ con thi đấu, nhưng ông bà đành "cắn răng" cho qua. Ông Việt trầm ngâm hồi lâu, rồi cười: "Vợ chồng tui ưng đi lắm, ước mơ lắm nhưng hai thân già ni mà đi cũng hết phải hết tiền triệu. Trong khi ở nhà quê cả năm mới làm được 2 triệu đồng thì tiền đâu mà đi. Tui với bả chỉ biết âm thầm động viên, ủng hộ con".
Sự phấn đấu không mệt mỏi của hai chị em cộng thêm nguồn động viên rất lớn từ gia đình đã đem đến cho cặp đôi vận động viên Phúc, Ngưng những thành quả đáng tự hào. Bằng chứng là hàng chục tấm bằng khen, giấy khen, huy chương được sắp xếp cẩn thận ở nhà. Bà Hòa nói trong nước mắt: "Trước đây, trong nhà có một góc để "trưng bày" thành quả của hai đứa nó, nhưng phần nhà nhỏ, phần mấy năm trời bão để ở ngoài sợ ẩm thấp nên chúng tôi đành phải gói ghém cất vào tủ. Nhìn những tấm huy chương từ cấp quốc gia đến thế giới nằm trong tủ tui cũng rầu lòng lắm nhưng biết làm răng được!".
Những ước mơ bình dị
Số lượng bằng khen, huy chương cứ "dày" hơn sau mỗi chuyến thi đấu. Đồng nghĩa với tuổi nghề, tuổi đời của hai đứa con ngày một nhiều. Bà Hòa chia sẻ: “Gần 10 năm đi bộ mỗi ngày mấy chục cây số, không biết sức đâu mà hai đứa hắn làm được rứa. Tui lo thằng Ngưng chín thì lo cho con Phúc mười. Là thân con gái, không biết đi miết rứa thì hậu quả sau ni ra răng, rồi chuyện chồng con. Lo là lo rứa thôi chớ tui cũng chẳng dám nói với nó, sợ nó suy nghĩ lại bỏ giữa chừng. Vì có lần hai đứa hắn có tâm sự với tui: "Con học đại học xong con về với ba má"”.
Mỗi chuyến đi của Phúc và Ngưng là mỗi hy vọng mang vinh quang về cho Tổ quốc. Nhưng mấy ai biết được để làm được điều đó, họ phải đánh đổi nhiều thứ: Sức khỏe, tuổi xuân, hạnh phúc riêng thậm chí là những phút giây sum vầy bên gia đình rất đỗi thường tình. Họ sẽ vẫn nỗ lực học tập và cống hiến cho nền thể thao nước nhà, bởi đây là món quà đẹp nhất mà hai chị em muốn dành tặng cho ba mẹ, những chỗ dựa tinh thần lớn nhất trong cuộc đời.
Bảng vàng của bộ đôi đi bộ nhanh nhất Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Phúc (SN 1990) và Nguyễn Thành Ngưng (SN 1992) hiện đều là sinh viên trường Đại học thể dục Thể thao Đà Nẵng. Tham gia thi đấu nội dung đi bộ từ năm 2007, đến nay "bộ sưu tập" thành tích của hai chị em đã đạt đến vị trí "khủng" mà khó ai vượt qua được. Nguyễn Thị Thanh Phúc vô địch quốc gia từ 2007 đến nay; HCV 20km nữ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc (2010); HCV 20km nữ Seagames (2011); HVĐ nữ Châu Á (2012), HCB nữ Châu Á (2013). Hiện chị xếp vị trí thứ 36 thế giới nội dung 20km nữ tại Olympic 2012. Không chịu thua kém người chị gái, VĐV Nguyễn Thành Ngưng cũng kịp "sưu tập" được 15 HCV, 1 HCB và 3 HCB ở các giải trong nước lẫn quốc tế. Hiện nay, hai vận động viên đang có chuyến tập huấn một tháng tại Trung Quốc cùng HLV Trần Anh Hiệp để chuẩn bị cho "sân chơi" Asian Games 2014. |
Bạch Hưng