Cũng chính thói gia trưởng này, một "trụ cột" của gia đình đã ngang nhiên cặp bồ, bất chấp sự phản đối của vợ con. Và cuối cùng, người đàn ông gia trưởng ấy đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình cùng hai người thân...
Người cha tội lỗi
Trong ký ức của luật sư Nguyễn Thân, Văn phòng Luật sư Việt Dũng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, hình ảnh một phiên toà xử vụ án giết người đẫm nước mắt thi thoảng vẫn hiện hữu trong tâm trí của ông. "Sai một ly, đi một dặm". Chỉ vì tính gia trưởng của một số người đàn ông mà nhiều gia đình, dòng họ rơi vào bi kịch.
Giọng buồn buồn, luật sư Nguyễn Thân kể cho chúng tôi nghe về vụ án đau lòng ấy. Quách Văn Phan (SN 1962, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thanh bình, yên ả. Học hết phổ thông, đến tuổi cập kê, Phan đem lòng yêu thương N.T.T., một người con gái xinh đẹp, nết na, cách nhà Phan vài cây số. Đám cưới của họ diễn ra trong sự chúc phúc của hai bên gia đình. Về nhà chồng, như bao người phụ nữ khác, T. cùng chồng gách vác, chia sẻ công việc của dòng họ.
Là cháu đích tôn của một dòng họ lớn, từ nhỏ, Phan đã luôn được mọi người trong họ kính trọng. Ở các miền quê, trưởng họ có quyền quyết định mọi công việc lớn bé trong dòng họ. Đặc biệt là trưởng họ sẽ được kế thừa mảnh đất có từ đường (nhà thờ tổ) của cả dòng họ. Mỗi dịp lễ, tết, giỗ chạp..., mọi người lại kéo về hương khói, cầu khấn tổ tiên để con cháu trong họ được bình an, hạnh phúc. Cũng giống như nhiều người đàn ông khác, Phan luôn có tính gia trưởng, độc đoán. Tính gia trưởng ấy càng được khẳng định rõ nét trong gia đình nhỏ của Phan. Mọi chuyện lớn bé trong nhà, đều do Phan quyết định. Mỗi khi không vừa ý điều gì, vợ con Phan sẽ là người "lĩnh đủ". Do vậy vợ con Phan không ai dám ho he nửa lời.
Là người phụ nữ hết lòng vì chồng con, lại hiểu tính chồng, thế nên, chị T. luôn nhẫn nhịn cho yên ấm cửa nhà. Tuy nhiên, "con giun xéo mãi cũng quằn", vợ Phan không thể nhẫn nhịn thêm khi những lời đồn thổi về mối quan hệ bất chính giữa chồng và H. (em dâu Phan) ngày một lớn hơn. Ban đầu là những lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng y bỏ ngoài tai. Mỗi lần xảy ra mâu thuẫn to tiếng với nhau, Phan chẳng ngần ngại "tặng" cho vợ mình những cú đấm vào mặt, vào người.
Một sáng cuối tháng 6/2011, khi cùng nhau dọn dẹp, vệ sinh chuồng gà của gia đình, vợ chồng Phan tiếp tục buông lời thoá mạ nhau. Như mọi lần, Phan "tặng" ngay cho vợ một quả đấm vào mặt. Chẳng vừa, chị T. cầm ngay chiếc cán chổi bằng tre đuổi đánh chồng. Vừa chạy, Phan vừa ghé mắt tìm kiếm thứ gì có thể chống đỡ lại cán chổi của vợ. Nhìn thấy một thanh gỗ dài 60cm, y liền vớ lấy quay người lại vụt ba nhát vào đầu người vợ "má ấp vai kề" đến bất tỉnh nhân sự. Thấy vợ nằm bất tỉnh, y bỏ vợ nằm đó rồi vào nhà hút thuốc lào. Hút xong, hắn quay ra kiểm tra xem vợ còn thở không. Biết vợ chết, sợ gia đình phát hiện, Phan tạo hiện trường giả vợ bị chết do tai nạn lao động. Xong xuôi, y lấy xe ra khỏi nhà đi mua bao xi măng để lấy chứng cứ ngoại phạm. Kế hoạch của y quá "hoàn hảo", ai cũng tin chị T. "vắn số".
Bị cáo Phan tại phiên tòa. Ảnh Bảo Lâm.
Lắc đầu, luật sư Nguyễn Thân chia sẻ, "lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt". Chỉ 10 ngày sau đám ma vợ, không hiểu "ma xui quỷ khiến thế nào", Phan tự thú với hai người cô ruột rằng vợ mình chết không phải do tai nạn mà do bị mình đánh chết. Có lẽ, không khí tang tóc trong gia đình cộng với hình ảnh người vợ hiện về mỗi đêm trong giấc mơ khiến y ăn không ngon, ngủ không yên. Cuối cùng, Phan tự thú với cha và các chị vợ về hành vi tội lỗi của mình. Y còn viết bản tường trình, kiểm điểm sau đó đọc cho họ hàng trong các cuộc họp gia đình. Vì thương các cháu mồ côi, gia đình nhà vợ Phan đành "ngậm bồ hòn làm ngọt". Họ không muốn các cháu của mình đã vừa mồ côi mẹ nay lại thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha. Thế nhưng, sự tha thứ ấy chỉ như "muối bỏ bể", người vợ bị y đánh chết chưa kịp xanh mồ, Phan đã có ngay nhân tình mới.
Một năm sau ngày vợ mất, trong một đám cưới của họ hàng, Phan quen thân với cô gái tên H. ở xã bên, kém y 18 tuổi. Theo chia sẻ của một số người tham dự phiên toà, cô gái này bị chồng bỏ, là người khá lẳng lơ. Có lẽ, biết Phan goá vợ, gia đình cũng khá giả, H. chẳng ngần ngại qua lại với Phan. Tuy nhiên, mối quan hệ này bị hai người con của Phan phản đối kịch liệt. Cho rằng mình có quyền làm điều mình muốn, Phan chẳng ngần ngại làm thêm những điều "chướng tai gai mắt" để khẳng định tính gia trưởng của mình. Đỉnh điểm của mâu thuẫn chính là việc hắn ngang nhiên mang cô "bồ nhí" về nhà chung sống như vợ chồng.
Đau đớn khi thấy người cha tội lỗi của mình không ăn năn hối cải, con trai Phan liền thắp hương cho mẹ, kể rõ mối quan hệ của cha với người đàn bà khác, thêm vào đó là sự vô trách nhiệm của Phan với các con. Thấy con trai làm vậy, Phan cố tình thắp cho vợ 5 nén nhang kèm theo câu nói: "Tao thắp cho mày 5 nén nhang để mày khỏi siêu thoát". Sau đó, y quay sang chửi rủa con trai khiến cậu phải bỏ ra ngoài vì sợ xảy ra chuyện lớn. Con trai Phan đâu thể ngờ, khi cậu bỏ ra ngoài, Phan nhẫn tâm đập vỡ bát hương và xé nát ảnh của người vợ quá cố...
Những nỗi đau khôn nguôi!
Không ai có thể giải thích nổi hành động "mất hết tình người" của Phan. Dường như cái chết của vợ chẳng khiến y thay đổi nhân tính. Trái lại, y càng ngày càng hống hách, coi thường, dè bỉu tình cảm của con trai, tình nghĩa vợ chồng để bênh vực người tình. Y không động lòng trước những hành động xúc phạm người đã chết của chính mình. Để rồi khi nghe thấy con trai buông lời chửi nhân tình "vì mày mà gia đình tao tan nát", y cũng không thèm bận tâm. Thấy con trai vung chiếc điếu cày lên đánh nhân tình, đang nằm ở giường, Phan bật dậy lao đến chỗ con trai. Tưởng cha sẽ đánh mình, con trai Phan bỏ chạy, y tiếp tục đuổi theo. Kết thúc cuộc rượt đuổi trên là cái chết của Th., em họ y. Lúc đó, vì thấy Phan đuổi đánh con trai, ông Th. đã đứng che người cho cháu và bị Phan đẩy ngã nên chấn thương sọ não, sau đó tử vong. Thế là, chỉ vì tính gia trưởng, y đang tâm đánh vợ đến chết rồi tiếp tục gây ra cái chết cho em họ mình.
Trong ký ức của luật sư Nguyễn Thân, phiên toà xét xử Phan về tội giết người và vô ý làm chết người là phiên toà đẫm nước mắt. Người làm đơn tố cáo Phan, không ai khác chính là con trai của y. Theo lời một bà cô họ của Phan, từ ngày y bị bắt, con trai y rất ít khi giao tiếp với bên ngoài. Họ hàng đến nhà thăm nom cũng không được vì luôn ở tình trạng "cửa đóng then cài". Ngay từ khi bước vào phiên toà, nhìn người cha của mình "khô héo" sau vành móng ngựa, hai đứa con của kẻ sát nhân luôn đưa tay gạt vội những giọt nước mắt đang lăn trên gò má. Khi vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi Ph. (con trai Phan) có ý kiến gì không, một lúc lâu người dự khán mới nghe được những tiếng nấc nghẹn: "Con xin quý toà, xin mọi người cho bố con một con đường để quay về với con cháu". Nói rồi, Ph. quỳ xuống, hướng đôi mắt đỏ hoe về phía người ông ngoại già cả đang ngồi bên cạnh em gái mình và các bác, các dì, cô chú nội ngoại xin tha thứ cho bố mình. Đớn đau, Ph. nói: "Bố con đã sai rồi, con thay bố con xin lỗi mọi người. Thế này thì bơ vơ hết cả...". Nghe Ph. nói, không ai cầm nổi nước mắt.
Những giọt nước mắt lăn nhanh trên gương mặt già nua của bị cáo Phan khi y quay về phía cha vợ nói lời xin lỗi. Nhưng không ai có thể tha thứ được cho Phan. Trước toà, cha vợ Phan một mực khẳng định: "Hành động của Phan với con gái tôi là quá dã man. Tôi xin quý toà xử đúng người, đúng tội".
Khi nghe hội đồng xét xử tuyên Phan án tử hình, em gái Phan bật khóc nức nở. Con trai, con gái Phan cắn chặt môi đến rớm máu cố ngăn những giọt nước mắt đang trào ra. Nỗi đau với chúng là quá lớn, mẹ đã mất, nay cha lại gánh án tử hình.
Luật sư Thân chia sẻ: "Có thể nói, vụ án đau lòng trên là bài học sâu sắc cho những ai đã, đang và có tính gia trưởng, độc đoán. Đừng để đến lúc con mất cha, chồng mất vợ... thì mới hối hận...".
Thiên Long - Vân Thanh