Đến khoa nhi của bệnh viện K3 (Tân Triều, Hà Nội) chúng tôi đã gặp rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ cùng có chung một nỗi đau khi phải chứng kiến con mình bị căn bệnh ung thư hành hạ.
Nói chuyện với chúng tôi, chị Hà Thị Tuyết (37 tuổi, Lục Ngạn, Bắc Giang) kể, thời gian đầu, cháu kêu đau mắt, tưởng con đau mắt bình thường, anh chị chỉ mua thuốc ngoài về bôi. Không ngờ, mắt bé không đỡ mà có dấu hiệu viêm nhiễm nặng thêm sau đó cứ mờ dần đi.
Quá hoảng sợ, gia đình chị Tuyết vội vã đưa con đến Bệnh viện mắt Trung ương khám. Qua xét nghiệm, các bác sĩ kết luận bé bị u hốc mắt, nếu không được chữa trị kịp thời. Bệnh tình chuyển biến phức tạp, con gái chị được chuyển sang bệnh viện K3 điều trị hóa chất.
“Gia đình tôi như ngã khụy, nó là con gái đầu lòng, ngoan ngoãn, hiền lành mà mắc phải căn bệnh này. Nhìn con phải chịu đau đớn lòng tôi quặn thắt. Vợ chồng tôi phải thay phiên nhau chăm sóc cho con. Còn đứa em nhỏ ở nhà suốt ngày mếu máo vì nhớ chị”, chị Tuyết khóc nức nở.
Rồi những ngày sau đó, chị cùng với con gái mình “chiến đấu” với căn bệnh này tại Bệnh viện K3. Chị Tuyết bảo, con gái chị năm nay đã 14 tuổi, cháu cũng hiểu về căn bệnh mình đang mắc phải, thời gian đầu cháu như một đứa trẻ tự kỷ, khóc suốt ngày hoặc nhốt mình trong phòng. Xuống đến viện thì chỉ nằm một chỗ, không đòi hỏi bất kỳ thứ gì.
“Phải bỏ một bên mắt nhìn con gái tôi tội nghiệp lắm, từ ngày đó nó chẳng bao giờ soi gương xem gương mặt mình hiện giờ ra sao. Tôi thường xuyên an ủi, động viên cháu. Có lần hai mẹ con ôm nhau khóc. Ngày đầu cháu truyền hóa chất rụng hết tóc, con bé chỉ nói với tôi đúng một câu: “Mẹ mua cho con tóc giả để con đội về chơi Tết”. Nói xong nó lại quay mặt vào bên trong, tôi lo lắng lắm, tương lai con mình sẽ ra sao?”, chị Tuyết tâm sự.
Nuốt những giọt nước mắt mặn chát vào lòng chị Tuyết kể, chị cũng đã tìm hiểu rất kỹ về căn bệnh này, ngoài việc điều trị tại bệnh viện thì tinh thần của người bệnh, gia đình bệnh nhân cũng cực kỳ quan trọng. Vì thế chị luôn có gắng tạo cảm giác thỏai mái, vui vẻ nhất cho con gái mình.
“Ngày nào cháu cũng hỏi tôi bao giờ được về nhà. Nó kêu: “Con ở viện buồn lắm, bao giờ khỏi bệnh mẹ mua cho con chiếc xe đạp đi chơi cùng bạn bè nhé. Mẹ cho con đi thăm ông bà ngoại nữa”. Tôi thương con mà không thể làm được gì”, chị Tuyết nức nở.
Từ khi biết mình bị ung thư, hai hàng nước mắt lăn dài trên má của chị Tuyết, chị không còn tâm trí lo bệnh cho mình mà chỉ nghĩ đến đứa con gái tội nghiệp, đêm nào chị cũng không thể chợp mắt được. Nhìn mái tóc con đang mất dần, cửa sổ tâm hồn đang dần bị đóng lại chị nghẹn đắng không nói nên lời.
Nghĩ về hành trình phía trước, chị Tuyết không biết bệnh tình của con mình sẽ ra sao, nhưng chị sẽ cố gắng làm tất cả mọi việc, chấp nhận mọi khổ cực để chữa trị cho con mình.
Tiến Dũng