Nước mắt mừng tủi đón thuyền viên bị cướp biển giam cầm trở về

Nước mắt mừng tủi đón thuyền viên bị cướp biển giam cầm trở về

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 4, 26/10/2016 22:31

Sau khi bị bắt, anh Phương và 25 thuyền viên đã phải sống trong “địa ngục trần gian” khi không có đồ ăn và nước uống, thời tiết thì khắc nghiệt, lúc nào cũng bị cướp biển dí súng vào đầu.

Chiều ngày 26/10, vừa thấy anh Phan Xuân Phương (27 tuổi) trú xóm Đông Hưng, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) bước xuống xe, hàng trăm người thân và bà con hàng xóm đã ùa ra chào đón. Người vỗ vai, người nắm tay, mắt ai cũng đỏ hoe khi thấy anh Phương gầy rộc hẳn đi.

Xã hội - Nước mắt mừng tủi đón thuyền viên bị cướp biển giam cầm trở về

 Anh Phương trở về trong vòng tay chào đón của người thân và hàng xóm.

Trực tiếp ra Hà Nội đưa con trở về, ông Phan Xuân Linh (71 tuổi, bố anh Phương) cũng rưng rưng nước mắt: “Mặc dù biết chắc chắn con còn sống, nhưng tôi không nghĩ sẽ được chứng kiến ngày hôm nay. Đối với gia đình, thời gian hơn 4 năm kia chẳng khác nào cơn ác mộng”.

Nhìn thấy con trai trở về sau hơn 4 năm xa cách, bà Lê Thị Hòa (59 tuổi, mẹ anh Phương) đẩy chiếc xe lăn đến gần rồi ôm chặt lấy anh Phương. Giọt nước mắt hạnh phúc, vui sướng lăn trên gò má người mẹ già.

Xã hội - Nước mắt mừng tủi đón thuyền viên bị cướp biển giam cầm trở về (Hình 2).

 Giây phút trùng phùng của 2 mẹ con sau hơn 4 năm.

Vì quá lo cho con trai mà bà đổ bệnh, rồi lên cơn tai biến nằm liệt giường hai năm nay. Nghe tin con được cướp biển Somalia thả về, bà vui sướng vô cùng. “Cuối cùng tôi cũng chờ được con về, lúc này tôi không còn thấy đau đớn hay mệt mỏi gì nữa”, bà lau vội nước mắt.

Anh Phương là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Do gia đình khó khăn nên mấy người anh của Phương đều xuất khẩu lao động. Đến năm 2011, vì muốn giúp đỡ gia đình, anh cũng đăng ký đi Đài Loan.

Để có số tiền 25 triệu đồng cho anh Phương đi, gia đình đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, khi sang Đài Loan anh Phương sẽ làm việc trên tàu câu cá ngừ với mức lương 300USD/tháng.

Xã hội - Nước mắt mừng tủi đón thuyền viên bị cướp biển giam cầm trở về (Hình 3).

 Anh Phương sung sướng cho biết sẽ không bao giờ rời xa nhà nữa.

Đến tháng 5/2012, anh Phương gọi điện về cho bố mẹ thông báo mình và các thuyền viên trên tàu FV Naham 3 bị cướp biển Somalia bắt cóc.

“Tôi vẫn nhớ mãi cuộc điện thoại đó, Phương bảo đã bị bắt mấy tháng rồi. Cướp biển giết thuyền trưởng ngay vừa khi mới áp sát. Giờ họ đòi 60.000 USD mới thả người, nếu không sẽ giết”, ông Linh nói.

Sau khi con trai bị cướp biển bắt, ông Linh đã nhiều lần ra Hà Nội để tìm kiếm thông tin về con nhưng không có kết quả. Công ty đưa Phương đi cho biết đang đàm phán, tuy nhiên tin tức về con trai của ông cứ dần tuyệt vọng theo thời gian.

Đến ngày 21/10, một lần nữa hi vọng của ông lại được thổi bùng khi anh Phương gọi điện về thông báo đã được thả. Khi thấy con trên tivi, ông mới dám tin điều đó là sự thật. Ngày 25/10, ông ra Hà Nội trực tiếp đưa con về.

Xã hội - Nước mắt mừng tủi đón thuyền viên bị cướp biển giam cầm trở về (Hình 4).

 Sân nhà anh Phương chật kín bà con lối xóm sang chia vui

Nghe tin anh Phương trở về, hàng trăm người dân đã đến ngồi đợi sẵn để được gặp anh. Những cái bắt tay của người thân và hàng xóm khiến anh Phương nghẹn ngào nói không ra lời.

Phải một thời gian lấy bình tĩnh, anh Phương mới cảm ơn tất cả mọi người, trong khoảng thời gian bị bắt anh đã biết không đâu bằng ở quê hương. “Hơn 4 năm qua, tôi và các thuyền viên phải sống trông khổ cực, thời tiết khắc nghiệt, không có nước uống, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa. Chúng tôi từng nghĩ rằng sẽ phải chết ở sa mạc này”.

“Đã rất nhiều lần tôi mong ước điều này, giờ trở thành hiện thực mà cứ ngỡ là mơ. Cuộc sống xa xứ khổ cực lắm, trở về quê với gia đình là điều quá may mắn với tôi rồi. Tôi sẽ kiếm việc ở nhà, không đi đâu nữa”, anh Phương nói.

Tháng 3/2012, cướp biển Somalia đã bắt giữ các thủy thủ trên tàu FV Naham 3 làm con tin, trong đó có người Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Campuchia và Đài Loan. Tổng số con tin ban đầu là 29, nhưng một người đã thiệt mạng ngay trong vụ cướp tàu, 2 người khác qua đời vì bệnh tật.

Sau khi được cướp biển thả tự do, ngày 25/10, các thuyền viên đã trở về tại Hà Nội và được đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe rồi lên đường về quê. Ngoài anh Phan Xuân Phương, anh Nguyễn Văn Hạ và anh Nguyễn Văn Xuân (đều trú tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng đã về tới nhà lúc khoảng 18h ngày 26/10.

Anh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.