Giọt nước mắt tuyệt vọng
Chiều tối 30/9/2013, trận "siêu bão" mang tên quốc tế Wutip đã ập vào vùng biển miền Trung, trong đó tâm bão nằm ở vị trí của tỉnh Quảng Bình. Dù đã được dự báo trước về độ nguy hiểm của cơn bão, người dân nơi đây đã "hò" nhau tập trung lại để gấp rút giằng chống, neo đậu cẩn thận những "cơ nghiệp". Thế nhưng, khi cơn bão đổ xô vào, từng cột sóng cao 3-4m đánh liên tiếp đã làm cho những con thuyền bị đánh đến tơi tả, "xé" cho tan tành.
Một người phụ nữ tại Cảnh Dương với dáng vẻ khắc khổ, đi đôi chân trần đang lượm lặt vài vật dụng vương vãi ở ngoài bãi sau cơn bão lớn cho hay: "Bão về không kịp trở tay, thế là mấy trăm triệu tiền hàng hóa xuống sông, xuống biển, chìm thuyền ngoài nớ hết rồi mấy chú ơi...", vừa nói chị vừa chỉ tay ra vị trí hàng chục chiếc tàu thuyền đánh cá nằm vất vưởng trên mặt biển, có cái bị đánh gãy đôi, gác mũi lên tuyến kè bê tông, vỡ toang và nhiều chiếc bị sóng bốc hẳn leo lên cạn nằm chỏng chơ.
Trò chuyện với chúng tôi anh Nguyễn Tuấn Anh, là chủ tàu cá có số hiệu: QB 93064-TS ngậm ngùi cho biết: "Từ khi tui biết đi biển đến chừ, tui chưa thấy cơn bão nào to như rứa, triều cường bốc lên cao e chừng phải đến 4-5m, nước ngập bờ kè, tràn vào cuốn trôi cả hàng hóa của tiểu thương trong chợ. Tàu bè của tui và các chủ tàu khác đã neo chằng, chống rất kỹ, cách bờ cả trăm mét, khi gió to tụi tui đã nổ máy hết công suất để de tàu ra ngoài, rứa mà vẫn cứ bị sóng to đánh vào bờ, khiến vỏ tàu bể toang, máy móc cũng bị hư hỏng và công cụ ngư lưới trôi hết rồi".
Tàu thuyền làng biển Cảnh Dương bị sóng đánh tơi tả sau siêu bão.
Cách đó không xa, chủ tàu có số hiệu QB 93842-TS có công xuất 220V của ông Đồng Thanh Hòa, cùng người thân đang ngồi bần thần phía sau chiếc tàu đã bị sóng đánh vào bờ làm vỡ nát phần đuôi, nước ngập cả khoang tàu, máy móc bị hỏng hóc, còn dụng cụ thì mất sạch. Cũng theo ông Hòa cho biết, chiếc thuyền này ông mua lại ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây 2 năm trước có trị giá gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai năm qua đánh bắt không được bao nhiêu, nợ nần chưa trả xong, bây giờ con tàu này coi như đồ bỏ. "Đúng là chừ biết kêu với trời răng đây?" - ông Hòa nghẹn ngào nói trong nước mắt. Đồng cảnh ngộ như ông Anh, ông Hòa và rất nhiều ngư dân khác cũng trong tình cảnh trên, với lời nói như trong vô vọng, sợ rằng sẽ khó có thể gượng dậy sau mất mát quá lớn này.
Dáng vẻ đậm chất đi biển, làn ra đen rám, giọng nói chắc nịch, ngư dân Lê Phi Long, chủ tàu có số hiệu QB 93113-TS có công suất 150CV kể lại: "Đi biển trên chục năm nhưng lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh sóng biển đánh to đến thế. Lúc đó, cơn bão luôn gầm rú, sóng cứ đánh mạnh tống tàu thuyền vào bờ, ngọn sóng thì trắng xoá trông đến phát khiếp". Chính bởi những cơn cuồng phong của sóng biển, của triều cường đã làm cho 139 chiếc tàu thuyền bị va đập, vỡ và chìm, trong đó có 39 chiếc hư hỏng nặng.
Thiệt hại quá lớn, ngư dân trắng tay
Trong số đó, có nhiều ngư dân bị thiệt hại hết sức nặng nề, như gia đình ngư dân Nguyễn Văn Tý, có hai chiếc tàu có cùng công suất trên 220CV đều gặp nạn trong cơn bão, thiệt hại lên đến vài tỷ đồng. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã Cảnh Dương ước tính đã thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng trôi theo cơn bão số 10, mà trong số ấy có đến 32 tỷ đồng là thiệt hại về tàu thuyền và 8 tỷ đồng thiệt hại về nhà cửa, vật dụng của bà con nhân dân.
Theo ông Trần Bạch Hổ, Trưởng ban quản lý chợ Cảnh Dương cho biết: "Cả chợ có trên 300 tiểu thương buôn bán vừa và nhỏ, thế nhưng qua cơn bão vào chiều tối 30/9, với sức gió giật cấp 12-13 khiến cả khu chợ bị tốc mái hoàn toàn và hàng hoá của tiểu thương bị chìm trong biển nước, bởi triều cường dâng lên cao và nhấn chìm hơn 400 triệu đồng…".
Tơi tả vì bão Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Trần Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, toàn xã có 373 tàu cá công suất từ 20CV trở lên, đây là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất của huyện Quảng Trạch, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Thế nhưng qua cơn siêu bão, dù đã được neo chằng chống rất cẩn thận, vẫn có đến 139 chiếc tàu bị va đập, xé toạc và đánh vỡ chìm xuống nước, trong đó có 78 chiếc thuyền bị hư hỏng với mức độ khác nhau. Đặc biệt, có đến 39 chiếc thuyền bị thiệt hại nặng như bị chìm tại chỗ hoặc sóng biển ném lên bờ kè làm vỡ thân tàu, hư hỏng máy móc và thiết bị. |
Ngoài việc mất mát tài sản, vật chất và phương tiện hành nghề còn có sự mất mát về người rất lớn. Được biết, vào ngày 29/9, ông Pham Văn Lương cùng anh con trai và một thuyền viên nữa đang đưa tàu vào neo đậu trên sông Gianh thì bị nước dâng cao rồi đánh chìm tàu. Con trai ông là anh Phạm Văn Cường và người kia bơi được vào bờ, còn ông bị mất tích. Đến mấy ngày sau, thi thể ông trôi dạt vào tận xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh.
Để chung tay cùng với ngư dân, lãnh đạo chính quyền xã đã động viên và vận động ngư dân sửa chữa tàu thuyền để tiếp tục bám biển. Đồng thời, trước mắt xã đã hỗ trợ cho bà con nhân dân 180 tấm lợp xi măng. Đồng thời, huy động lực lượng dân quân tự vệ, thôn đội và nhờ các chiến sĩ biên phòng, thuộc đồn Biên phòng Ròon để giúp dân khắc phục hậu quả, nhằm ổn định cuộc sống cho ngư dân. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng vừa tiếp nhận 50 triệu đồng từ cơ quan UBMTTQ của TP.HCM trao tặng cho 100 hộ dân và được chính quyền địa phương trao tặng đến tận tay bà con vào ngày 4/10 vừa qua.
Bão số 11 làm 3 người chết và 11 người bị thương
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 11, hiện đã có 3 người chết tại Quảng Nam và 11 người bị thương tại Đà Nẵng. Ba người thiệt mạng vì bão tại Quảng Nam là cụ Trương Chạy, 84 tuổi, trú tại xã Điện Phương huyện Điện Bàn; anh Phạm Văn Huy, 31 tuổi, trú xã Điện Phong, huyện Điện Bàn và một người chưa rõ danh tính bị sụt đất đè chết tại huyện Nông Sơn.
Nhà dân ven biển ở Đà Nẵng bị tốc mái.
Bão làm cho hàng ngàn ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị ngập, tốc mái; hàng trăm hécta keo lá chàm, cao su bị ngã đổ; cây xanh trên các tuyến đường thành phố Tam Kỳ, Hội An bị đổ ngã ngang đường nhiều la liệt.
Tại huyện Hiệp Đức đã có hàng trăm hécta cao su bị gãy; hơn 100 hécta cây keo tại huyện Tiên Phước cũng bị gãy, ngã. Sóng to, gió lớn đã đánh chìm 21 ghe thuyền của người dân Quảng Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo chính quyền cơ sở các tỉnh có bão đi qua phải tổ chức kiểm tra ngay nhà đổ, tốc mái, cứu trợ người bị thương; giải tỏa giao thông trên tuyến quốc lộ 1A khi ngớt gió.
Ban Chỉ đạo tiền phương phòng chống bão 11 cho biết bão số 11 là cơn bão rất mạnh với tâm bão đã đi vào tỉnh Quảng Nam lúc 7 giờ sáng 15/10 với sức gió giật cấp 13, 14.
Đến 8 giờ sáng 15/10, cơn bão đã suy yếu xuống cấp 8 và trong vài tiếng nữa sẽ thành một vùng áp thấp nhiệt đới.
Hiện tại các địa phương từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đang mưa lớn từ 80mm đến 150mm.
Tuy chưa có báo cáo chi tiết về tổng thiệt hại nhưng ghi nhận rất nhiều cây cối nhà cửa bị đổ, tốc mái ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... Quân khu 5 đã điều lực lượng đến các vùng bị thiệt hại nặng để giúp đỡ nhân dân.
Thành phố Đà nẵng hiện vẫn mất điện trên diện rộng, 2 nhà máy nước lớn nhất của thành phố là Cầu Đỏ và Sân Bay đã bị mất điện nên không thể vận hành, các lực lượng chức năng đang tích cực khắc phục và sẽ có thể sử dụng máy phát điện để đảm bảo cung cấp nước cho nhân dân.
PV