Đứa con ngoan ngoãn, bỗng nổi loạn đi vay nặng lãi từ một hiệu cầm đồ để mua hàng đa cấp.
Mất tiền và... mất nhân cách
Chị Nguyễn Thị Tuyết quê ở Nam Định giọng bức xúc, nước mắt ngắn dài phản ánh với PV. Chị có cô con gái đang học năm thứ nhất của một trường đại học (vì sợ ảnh hưởng đến cháu nên chúng tôi xin không nêu rõ). Vài lần cháu gặp gỡ mấy sinh viên đã tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của công ty Thiên Ngọc Minh Uy, họ rủ Lan (con gái chị Tuyết, đã đổi tên) tham gia mua hàng sẽ vừa được tiền, vừa linh hoạt hơn khi thành chuyên viên kinh doanh mở tuyến dưới trong mạng lưới đa cấp của công ty.
Nhiều người vì tin vào lời quảng cáo từ lợi nhuận bán hàng đa cấp nên đã bị lừa.(Ảnh: Nguồn Internet).
Không có tiền, Lan được "tuyến trên" (những sinh viên tham gia trước) dẫn ra một hiệu cầm đồ chỉ cần đặt lại chứng minh thư nhân dân và được vay 7 triệu đồng để mua máy khử ô-zôn đồng nghĩa với việc được tham gia vào hệ thống với một mã hàng. Vì vay tiền trả lãi ngày, với 7 triệu đồng, Lan phải trả 50 ngàn đồng/ngày. Số tiền này, Lan còn chưa biết lấy ở đâu để trả, thì "tuyến trên" lại nói nên về mời bố mẹ, người thân tham gia thì mới nhanh được tăng cấp bậc. Lan giấu không dám cho mẹ biết chuyện tham gia vào công ty nên chẳng biết lấy tiền đâu để trả nợ tiệm cầm đồ đã vay. Thêm vào đó, chủ hiệu cầm đồ ở phố Nam Đồng (Hà Nội) liên tục đe doạ, đòi tiền khiến Lan sợ phải bỏ học trốn về quê.
Gia đình chị Tuyết làm nông nghiệp, chồng chị đi phụ xây dựng gặp tai nạn nên đời sống càng khó khăn. Mới đây, chủ thầu xây dựng mới hỗ trợ cho gia đình được 20 triệu đồng để thuốc thang. Lan về quê, lấy trộm cả khoản tiền thuốc của bố, mang đi trả nợ và mua thêm một mã hàng. Chị Tuyết biết chuyện, khuyên nhủ con gái trả lại hàng, lấy tiền về nhưng Lan nhất quyết không nghe. Từ hôm Lan lấy tiền của mẹ đi, cô không về nhà. Chị Tuyết tìm lên trường thì thấy các bạn bảo Lan đi học không đều, nghỉ học không có lý do.
Tiếp xúc với chị Trần Thị Hà trong một lần gặp tôi được biết, hiện nay con chị đang bị lôi kéo công ty và cháu đã mua một máy khử ô- zôn trị giá 7 triệu đồng. Bên cạnh đó, con chị Hà còn lôi kéo thêm những đứa cháu ngờ nghệch ở quê bỏ nhà lên Hà Nội kiếm tiền để mua hàng mong nhanh chóng đổi đời. Chị Hà đã nhiều lần khuyên con không được tham gia, nhưng con vẫn mê muội đi theo những cuộc đối thoại, vận động người đi nghe thuyết trình của tuyến trên. Chính vì vậy, chị đã đến công ty yêu cầu được trả lại máy khử ô-zôn, huỷ bỏ sự tham gia của con.
Tuy nhiên, khi chị Hà yêu cầu trả lại máy thì người "tuyến trên" trực tiếp lôi kéo con chị không đồng ý. Thậm chí, có những người còn tỏ ra thách thức nếu chị cho rằng công ty lừa đảo thì đi báo công an. Cuộc khẩu chiến khá gay gắt, cuối cùng "tuyến trên" không trả lại tiền cho con chị Hà mà chỉ nói: "Chị trả máy, chúng tôi nhận, nhưng nếu bán được hàng thì công ty hoàn trả tiền cho chị. Trong trường hợp ấy, chị sẽ bị trừ chiết khấu 20%".
Thực tế, những chuyên viên kinh doanh cũng chỉ hứa hẹn vậy thôi, chứ chẳng bao giờ công ty này trả lại tiền cho người đã huỷ hợp đồng. Anh Đào Văn Mạnh (Thanh Xuân- Hà Nội) cho biết: "Vợ tôi trước đây cũng tham gia mua hàng ở công ty Thiên Ngọc Minh Uy, khi công ty này còn có trụ sở ở Mai Dịch (Cầu Giấy- Hà Nội). Món hàng vợ tôi mua là nồi cơm điện. Sau đó, vợ tôi ký chín hợp đồng để lên chức chủ nhiệm kinh doanh. Cứ nghe họ hứa hẹn sẽ thu được nhiều tiền nên cô ấy tham gia rồi vận động bạn bè cùng mua hàng". Một cái kết chẳng có hậu chút nào, vợ anh Mạnh mất người bạn thân vì chị kia cho rằng bị lừa. Cả hai người cùng mất tiền, vợ anh Mạnh đầu tư hơn 60 triệu đồng cuối cùng mất tiêu luôn.
Mẹ một "nạn nhân" của trò kinh doanh đa cấp đang trình bày với PV
Màn kịch vụng về
Ngày 24/3 trong lần thâm nhập vào cuộc "thuyết trình" cho sinh viên năm thứ nhất của công ty Thiên Ngọc Minh Uy, tôi gặp chị Mai sống ở Hải Dương, người mẹ đi kéo con về trường học với bao nỗi niềm. Chị này cho biết đã tìm hiểu và biết nhiều trò dụ dỗ của công ty này. "Những đứa trẻ ngây thơ quá, nó đâu biết đấy là trò lừa dụ. Họ kéo các cháu vào làm công cụ để về lừa bố mẹ chúng thôi. Hơn nữa, thêm một điều nguy hại là những người tự xưng là tham gia vào công ty lâu năm luôn có giọng điệu khuyến khích các cháu sinh viên cứ tham gia không cần lo học hành, mai sau cũng giàu có, thành đạt", chị Mai nói.
Những người đã tham gia vào công ty được xếp ở "tuyến trên" tiếp tục mở rộng hệ thống cho mình bằng cách đứng ở các cổng trường đại học, cao đẳng để tiếp thị sinh viên, nhất là sinh viên năm thứ nhất. Họ dùng những lời nói mang tính kích động với sinh viên năm nhất mới xa gia đình: "Các bạn phải báo hiếu cha mẹ bằng cách kiếm tiền. Muốn kiếm nhiều tiền bạn phải mời bố mẹ mình, bố mẹ của người yêu, bạn bè tham gia vào công ty".
Bằng giọng nói to, gần như cố hết sức, người thanh niên này nói về phương pháp kinh doanh truyền thống là tốn công sức, lợi nhuận chẳng được là bao. Trong khi kinh doanh theo kiểu của công ty Thiên Ngọc Minh Uy chẳng mất cái gì, ngược lại được tất cả. Anh ta tự khoe là người đã tốt nghiệp cả chục năm nay với mấy bằng đại học nhưng chẳng làm nên trò trống gì, và khi vào công ty mới được đổi đời. Bây giờ anh ta có xe hơi, nhà lầu, một tháng, có tuyến dưới ở khắp cả nước, giờ đã là cấp đồng sự ru-bi, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Dĩ nhiên bí quyết của anh chàng này cũng rất đơn giản, mà ai cũng có thể làm được là mua sản phẩm và giới thiệu mọi người cùng tham gia.
Trong cuộc mở tuyến với sinh viên mới, công ty này cũng mời đến một nhân vật đặc biệt, được giới thiệu là Mẫn Bá Tuyền (người Bắc Giang). Chẳng biết sự thật, giả thế nào, nhưng nhân vật này được tung hô như người hùng, chẳng hạn như anh tham gia từ lâu rồi, bây giờ mỗi tháng anh Tuyền có thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng, hiện bây giờ đang sở hữu chiếc xe Audi 8... Nhưng thật khôi hài, hình ảnh vị này xuất hiện lại hoàn toàn trái ngược với sự "giàu có" đồn thổi.
Cần xem xét về xuất xứ và giá bán hàng hoá Trao đổi với PV, một điều tra viên (Cục Cảnh sát Kinh tế- Bộ Công an) cho rằng: "Những thủ đoạn bán hàng đa cấp, lừa dụ khách hàng tham gia mạng lưới dưới hình thức mua hàng hoá là kín kẽ, lách luật khá tinh vi. Nếu như, người dân chỉ nộp tiền, không có hoá đơn mua hàng (kiểu như trang muaban 24) thì chúng tôi sẽ vào cuộc ngay. Tuy nhiên, ở đây người tham gia đến tiền tỷ cũng chỉ ký hợp đồng mua hàng theo mã với giá trị 7 triệu đồng nên được xác định là tiền mua hàng, còn việc không ký gửi hàng hoá là quyền của khách hàng. Vấn đề ở đây, chúng ta chỉ có thể xem xét về nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, giá bán có hợp lý không. Thực tế, với chiêu lừa của những công ty đa cấp hàng hoá thường được đẩy giá lên hàng trăm lần. Hơn nữa, nếu tham gia mà không mở được tuyến dưới thì người dân sẽ không nhận được tiền hoa hồng, mà ở đây gọi là "tiền thoát". Vì thế, người dân cần thận trọng trước chiêu lừa dụ dỗ đầy ma mị của cái gọi là… siêu lợi nhuận". |
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.
Minh Khánh