"Mẹ bị cáo đã chịu đựng quá nhiều..."
Chiếc xe chở phạm nhân vừa dừng bánh, một người phụ nữ trạc 60 tuổi chạy theo úp mặt vào cánh cửa hậu xe khóc ròng. Chỉ đến khi cảnh sát yêu cầu bà rời khỏi xe để làm nhiệm vụ, lúc đó bà mới chịu lùi lại. Đưa đôi bàn tay đen đúa, bà gạt vội đi dòng nước mắt nhòe nhoẹt trên khuôn mặt nhăn nhúm khắc khổ và nuốt sự uất hận vào trong. Khi cán bộ hỗ trợ tư pháp dẫn giải bị cáo vào phòng xét xử, bà chạy theo cất tiếng gọi trong đứt quãng tắc nghẹn: "con ơi..."
Bị cáo Trần Văn Thế không ngừng khóc trong suốt phiên tòa.
Người đàn bà khắc khổ ấy là Phạm Thị Tâm (SN 1962), ở bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, là mẹ đẻ của bị cáo cũng là vợ của nạn nhân. Do cuộc sống lam lũ vất vả, lại phải sống cùng với người chồng (ông Trần Văn T) suốt ngày nghiện ngập, say xỉn, đánh đập vợ con, nên nhìn bà ai cũng đoán bà phải ngoài 60 tuổi. Mặc dù sống với người chồng vũ phu như vậy, nhưng bà cùng các con vẫn nín nhịn cho gia đình yên ấm. Hàng ngày bà Tâm cùng các con lao động tần tảo để mưu sinh, đôi bàn tay của bà đen đúa là do bà hái chè nên nhựa chè bám lại, rửa không thể sạch.
Nguyễn Thị Thúy, năm nay học lớp 12, là em gái của bị cáo Trần Văn Thế vừa khóc, vừa kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày cơ cực khi phải sống với người cha nát rượu: "Bố em ác lắm, cứ uống rượu vào là đánh mẹ em thậm tệ. Nhiều lần, bố nhốt mẹ em vào cũi như con vật, lấy gậy đánh đập mẹ em, không cho kêu cứu, chúng em can ngăn liền bị bố đánh lại. Có lần bố em dùng cả một cái gậy bạch đàn tống thẳng vào miệng mẹ làm mồm miệng be bét máu. Đau xót lắm không làm gì được, chúng em bàn với mẹ nên trốn đi nơi khác sinh sống để tránh những đòn roi của bố. Trước tình cảnh như vậy mẹ em đành phải rời khỏi nhà đi làm thuê làm mướn 3 năm liền không dám về nhà. Gần đây mẹ em mới về được hơn 1 năm, nhưng bố em vẫn chứng nào tật ấy. Vì quá thương mẹ nên anh ấy mới có hành động bột phát như vậy, bình thường anh em hiền lành và chịu khó lắm. Từ khi xảy ra chuyện đau lòng, ở làng ai cũng thương anh em. Nhà em nghèo lắm, chắt bóp mãi gia đình mới mua được chiếc máy sao chè. Trong cơn say bố em đã đập phá cả máy sao chè, thấy vậy nên anh em can ngăn, bố vớ cuốc đánh đập anh em...". Nói xong Thúy ôm mặt khóc nức nở.
Phiên tòa đầy nước mắt
Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Trần Văn Thế luôn cắn chặt môi để không bật ra tiếng khóc, Thế đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn nhanh nơi có mẹ và em gái của bị cáo, rồi vội quay đi để mẹ và em gái không nhìn thấy mình đang rơi lệ. Có lẽ một người hiền lành như Thế không ngờ rằng có ngày cả gia đình lại phải có mặt tại công đường, chứng kiến việc xét xử mình về tội lỗi gây ra cái chết của người cha. Khi vị chủ tọa yêu cầu, bà Tâm là mẹ của bị cáo, đồng thời là người chứng kiến sự việc cho biết: "Ông ấy là người nát rượu và rất dã man, đánh đập vợ con nhiều lần, phá hoại tài sản. Trên mặt tôi, người tôi nay vẫn còn những vết sẹo của những trận đòn chí mạng. Con giun xéo mãi cũng quằn, vì quá thương tôi nên con tôi có hành động đánh trả ông ấy. Tôi đề nghị tòa xem xét giảm án cho con tôi". Nói đến đây, bà Tâm bật khóc, nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt phờ phạc, còn hằn nguyên sự đau khổ. Thấy mẹ khóc, Thúy ngồi dưới cũng không kìm được, khóc nấc nhìn về phía anh trai. Có lẽ đây là cú sốc quá lớn đối với cô gái vừa bước vào lớp 12. Thúy đưa tay nắm chắc tay mẹ như thể để động viên bà trong cơn giằng xé về tình cảm. Vị chủ tọa cho bà ngồi và yêu cầu Thế cho biết nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo cướp đi sinh mạng của cha đẻ mình là ông Trần Văn T. Thế bật khóc rất lâu, vị chủ tọa phải nhắc nhở: "Bị cáo bình tĩnh trả lời hội đồng xét xử". Nuốt nước mắt vào trong, Trần Văn Thế đáp: "Mẹ bị cáo đã chịu đựng quá nhiều...". Dường như không nén nổi nỗi u uất từ lâu, Thế lại bật khóc khiến nhiều người có mặt tại phiên tòa phải rơi lệ.
Từ đầu phiên tòa tới kết thúc phần nghị án, nước mắt Thế không ngừng rơi. Có lẽ Thế vừa trách mình vừa oán trách cha, khi vị chủ tọa cho phép bị cáo được nói lời sau cùng Thế đáp: "Bị cáo không có ý kiến gì vì biết mình là người có lỗi, là kẻ giết người, giết chính cha mình bị cáo ân hận lắm. Nhưng xin tòa cho bị cáo được giảm hình phạt để bị cáo còn về lao động đỡ đần gia đình, mẹ bị cáo khổ nhiều rồi".
Sáng 17/9, HĐXX căn cứ vào nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt Trần Văn Thế 12 năm tù. Khi Thế bị dẫn giải ra xe về trại giam, những người chứng kiến đã không cầm lòng được khi mẹ và em gái bị cáo chạy theo, ba mẹ con không ai nói lên lời, mặc cho những giọt nước mắt đau khổ lặng lẽ rơi...
Buổi trưa định mệnh Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Giang, ngày 23/6/2012, ông Trần Văn T (SN 1965) sau khi uống rượu đã chửi mắng lăng mạ vợ con và nhốt bà Tâm (là vợ của ông T) vào bếp, dùng gậy đánh đập bà Tâm và đập máy sao chè của gia đình. Trần Văn Thế là con của ông T, thấy vậy đã ra can ngăn thì bị ông T cầm thanh gỗ đánh nhiều nhát. Thế cầm đoạn gậy bạch đàn dài 1,8m vụt nhiều nhát vào đầu ông T. Hậu quả làm ông T chết ngay tại chỗ. Vì các lẽ trên VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố bị cáo Trần Văn Thế (SN 1991), ở bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang về tội Giết người. |
Lương Liễu