Người già, trẻ em được ưu tiên về vùng an toàn. Đàn ông, trai tráng cố nắn lại chèo chống, vớt vả gia sản. Những bữa cơm chan đầy nước mắt. Những dòng người lóp ngóp chạy lũ.
Bão số 12 ập đến. Con đường Quốc lộ 14E dẫn lên huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam trở nên quá đỗi nhỏ bé. Đèn xe máy chẳng sáng nổi con đường. Mưa, gió và cái lạnh cắt mặt chúng tôi. “Cố lên các nhà báo ơi. Còn 30 phút nữa thôi là đến hiện trường rồi. Bình thường nắng ráo anh em đánh ù cái là tới nên. Giờ mưa gió quá!”, người dẫn đường khích lệ.
Hiện trường mà chúng tôi cố gắng tiếp cận đến là một đoạn đường thuộc xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn. Nơi đó, hàng chục cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội cùng nhân dân địa phương đang nỗ lực “xẻ” núi cứu 4 nạn nhân bị vùi lấp.
Xót xa là những gì chúng tôi cảm nhận được. Bão đã qua nhưng những cơn mưa miền núi vẫn rất lớn. Chiếc máy nổ rát tai hoạt động hết công suất chiếu sáng từng khoảng nhỏ cho lực lượng cứu hộ đào bới đất đá. Cả nửa ngọn đồi dài 100m, rộng hơn 50m đỗ ập xuống vào chiều 5/11 đã vùi lấp nhiều sinh mạng.
Một số may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Số còn lại vẫn im lìm trong đất đá. Công tác cứu hộ vẫn diễn ra, tuy nhiên, mưa to nên bùn lầy vẫn không ngừng sạt xuống. Sức người thật sự khó chống chọi với tai ương.
Cách Phước Hòa gần 100km, huyện Bắc Trà My cũng chìm trong tang thương vì lũ lụt, sạt lở. Qua điện thoại, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện nghẹn ngào rằng địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ước tính sơ bộ hàng ngàn ngội nhà bị hư hỏng, mọi tuyến đường trên địa bàn đều bị sạt lở, giao thông chia cắt.
Nhưng có lẽ, uất nghẹn hơn là việc lở đất nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng cũng như mất tích hàng chục người dân trên địa bàn. Giữa mưa gào gió thét nơi núi rừng này, những giọt nước mắt đắng cay của anh Trần Ngọc Quỳnh (trú thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) khiến chúng tôi chẳng thể cầm lòng. Nhà anh vừa bị đất đá vùi lấp, nhưng chua chát hơn đứa con gái vừa mới chạm tuổi con trăng đã vĩnh viễn ra đi. Chẳng dám tin vào sự thật, người đàn ông thẩn thờ gào khóc tên con trong xót xa, vô vọng. Theo lời anh, đêm 5/11, mưa gió liên hồi. Qua báo đài, anh được biết vùng núi địa phương mình đang xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Thế rồi, đất đá trên núi ùn ùn đỗ xuống, cả gia đình anh chạy toán loạn ra ngoài. Con gái anh Quỳnh đã bị vùi lấp. Khi lực lượng cứu hộ tiếp cận thì cháu đã tử vong.
Trong những ngày lũ, tiếp tục vượt dòng nước xiết, chúng tôi về rốn nước Hội An. Theo con thuyền máy của lực lượng xung kích phường Cẩm Phô, Thanh Hà, TP.Hội An, chúng tôi hãi hùng trước cảnh tượng nơi đây. Phố thành sông, sông thành biển. Những con người nhỏ bé mang sắc phục dân quân bỗng hóa can trường. Hai cụ già neo đơn vừa được các anh cứu thoát khỏi lũ dữ. Những cái áo khoác mang vội, cái vỗ về động viên khiến 2 cụ yên tâm. Về phần mình, các anh ướt sũng, lạnh ngắt từ lúc nào.
Tình người trong lũ dữ luôn là vậy. Bao đời nay, mưa gió vũ vần gieo đau thương lên miền Trung. Nhưng cứ thế, người miền Trung rũ bùn đứng dậy. Những chặng đường tác nghiệp gian khó, chúng tôi còn chứng kiến biết bao câu chuyện đẫm nước mắt.
Trên chiếc ghe chạy lũ ở xã Cẩm Kim, TP.Hội An một cụ ông kể rằng, sống rốn lũ ông quen quá cảnh chạy lũ rồi. Ông gọi đó là "đặc sản" Hội An. Lũ với ông cũng quá nhiều kỷ niệm, trong đó phải kể đến đứa cháu nội tên Tài. Tài sinh vào tháng 10/2007, đúng vào trận lũ lịch sử nhấn chìm cả phố cổ năm đó. Và đến nay, cậu bé vẫn được ông kể những chuyện xưa. Rằng, mùa lũ năm 2007 đó, mẹ cậu trên đường vượt cạn sang Hội An để sinh nở thì gặp mưa lũ không thể đi được. Thế rồi, cán bộ chiến sĩ công an, quân đội địa phương đã vượt dòng lũ dữ đưa mẹ cậu sang bên kia an toàn. Cậu chào đời khi mưa gió vẫn rít tai ngoài kia. Khi đó những cán bộ ấy chỉ mỉm cười vội rồi xông vào hiểm nguy cứu người.