Nước mắt trên những đồi chè

Nước mắt trên những đồi chè

Bùi Thị Ngân

Bùi Thị Ngân

Thứ 4, 14/09/2022 20:00

Hàng trăm hộ đội viên thuộc Tổng đội Thanh niên Xung phong kinh tế mới Tây Sơn đang “kêu trời” vì sản phẩm chè của họ sản xuất ra không được Tổng đội thu mua.

Tổng đội ngừng thu mua chè, hàng trăm hộ dân "khóc ròng"

Tổng đội Thanh niên Xung phong kinh tế mới Tây Sơn là đơn vị sự nghiệp kinh tế do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh trực tiếp quản lý được thành lập và thực hiện chức năng, nhiệm vụ giao tại Quyết định số 478/QĐ – UBND ngày 12/3/2003 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án Tổng đội Thanh niên Xung phong kinh tế mới Tây Sơn được phê duyệt tại Quyết định số 52 QĐ/UB ngày 14/3/2003, điều chỉnh tại Quyết định số 56/2005 QĐ/UBND ngày 05/7/2015 với tổng mức đầu tư là 26.244,5 triệu đồng. Dự án đóng trên địa bàn 2 xã Sơn Kim 2 và xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). 20 năm trước hàng trăm hộ gia đình Đội viên thực hiện theo tiếng gọi của Đảng, nhà nước đi phát triển kinh tế mới tại đây.

Dân sinh - Nước mắt trên những đồi chè

Những đội viên đang phải cầm cự để giữ nghề.

Gặp đội viên Nguyễn Công Ngọc, thôn Thanh Dũng, xã Sơn Kim 2 đang chăm sóc chè, anh bức xúc cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng đội Thanh niên Xung phong kinh tế mới Tây Sơn không thu mua chè của người dân khiến chúng tôi hết sức bất bình. Không những không thu mua mà còn nợ tiền chè của chúng tôi từ các lần thu mua trước. Chè là cây chủ lực, mang lại đời sống cho gia đình các đội viên ở vùng này. Từ khi họ không mua, sản phẩm của chúng tôi không biết bán đi đâu. Nếu có thương lái mua thì cũng bị ép giá khiến chúng tôi hết sức vất vả. Việc này chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều trong các cuộc họp, các cuộc đối thoại với Tổng đội nhưng không được giải quyết”.

Đội viên Nguyễn Thanh Châu, xã Sơn Kim 2 tâm sự: “Tôi quê huyện Can Lộc, lấy chồng quê huyện Nghi Xuân. Năm 2003, khi có tiếng gọi xây dựng vùng kinh tế mới, chúng tôi xung phong lên đường. Tại đây, chúng tôi nhận đất, trồng chè, phát triển kinh tế. Các chú nhìn đó, giờ chè tốt mà Tổng đội không thu mua, gia đình chỉ còn cách thu hái để bán cho thương lái kiếm tiền mua gói xúp, chai nước mắm, chứ giờ đến mùa con đi học cái chi cũng cần tiền”.

Dân sinh - Nước mắt trên những đồi chè (Hình 2).

Nhà máy chế biến chè "đắp chiếu".

“Toàn thôn Phố Tây, xã Sơn Tây chúng tôi có 137 gia đình Đội viên tham gia trồng chè với Tổng đội với diện tích 120 ha. Đội viên cũng kêu nhiều lắm, có một số hộ gia đình đang định chặt bỏ cây chè để chuyển đổi mục đích nhưng chúng tôi đang tuyên truyền chưa nên chặt bây giờ để cố gắng thời gian nữa xem sao. Bên thôn Thanh Dũng, xã Sơn Kim 2 cũng đã có một số hộ chặt bỏ cây chè để trồng loại cây khác rồi. Chúng tôi chỉ mong Tổng đội có một chiến lược hoạch định rõ ràng để trả lời cho dân có nên trồng chè, có thu mua nữa hay không thì phải rõ ràng để chúng tôi còn tìm đầu ra cho chè, nhằm ổn định và nâng cao thu nhập đảm bảo cho đời sống. Đặc thù cây chè phải chăm bón nhiều, mà nay Tổng đội không thu mua, nhiều hộ không mặn mà chăm sóc dẫn tới sản phẩm chè không đạt, bán cho thương lái bị ép giá”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng xóm Phố Tây thông tin.

Không có chức năng sản xuất chè?

Trước những phản ánh của các gia đình đội viên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thế Lộc, Tổng đội trưởng, Tổng đội Thanh niên Xung phong kinh tế mới Tây Sơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lộc cho biết: "Khi thành lập Tổng đội Thanh niên Xung phong kinh tế mới Tây Sơn không có nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chè mà chỉ có chức năng thực hiện dự án. Chúng tôi đã trình lên các cấp, các sở ban ngành để điều chỉnh lại bộ máy từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được phê duyệt đề án. Tài sản không có thế chấp để vay vốn sản xuất kinh doanh chè. Từ đầu năm đến nay xí nghiệp vẫn đang còn nợ tiền chè của các đội viên".

Dân sinh - Nước mắt trên những đồi chè (Hình 3).

Hệ thống máy móc trong khu chế biến.

“Hiện nay, chúng tôi đang tạm dừng thu mua chè của các đội viên. Tổng đội đang xin chủ trương cho đơn vị nào đó đủ chức năng nhiệm vụ, đủ tài chính để phối hợp cùng các đội viên phát triển chè hoặc cổ phần hóa nhà máy chè. Riêng Tổng đội không có chức năng nhiệm vụ, không có người thu mua và sản xuất kinh doanh, cũng nhu không có vốn. Bản thân tôi nghĩ đến thời điểm này dự án đã hoàn thành thì nên bàn giao dự án về cho địa phương quản lý", ông Lộc nói.

Được biết, tổng diện tích chè của Tổng đội Thanh niên Xung phong kinh tế mới Tây Sơn là 174 ha chè công nghiệp. Sản lượng bình quân 10 tấn chè búp tươi/ha được trồng tại các thôn Phố Tây, xã Sơn Tây và thôn Thanh Dũng, xã Sơn Kim 2. Hiện nay, đang có 245 gia đình đội viên sản xuất chè. Từ đầu năm 2022 lại nay, Tổng đội Thanh niên Xung phong kinh tế mới Tây Sơn không thu mua chè cho đội viên nên đời sống bà con ngày một khó khăn, sản phẩm chè của đội viên bán ra thị trường bị ép giá.

Dân sinh - Nước mắt trên những đồi chè (Hình 4).

Nhà máy sản xuất, chế biến chè không còn hoạt động lâu nay.

Ông Cù Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết: “Để giải bài toán này hết sức khó khăn. Chính quyền cũng đã nhiều lần đề nghị Tổng đội sớm có phương án giúp đỡ các gia đình đội viên ổn định cuộc sống. Chè là cây chủ lực của địa phương, nhưng từ đầu năm 2018 đến nay Tổng đội thường xuyên nợ tiền của người dân. Tổng đội vận động dân trồng chè, giờ đến khi thu mua thì không giải quyết được cho dân. Theo tôi thì nên giải thể nhà máy hoặc chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp hay hợp tác xã để tự chủ về vốn và kinh tế”.

Hồ Thắng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.