Ra khơi không hẹn ngày về
Trở lại làng chài Tam Hải sau hơn 22 năm kể từ lúc 17 thuyền viên gặp nạn, mất tích trong cơn bão lịch sử năm 1991, nỗi đau của hàng chục góa phụ vẫn in hằn trên đôi mắt. Ai cũng rưng rưng khi nhắc đến quá khứ đau buồn mà họ không mong sẽ xảy ra với gia đình mình. Cả xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) gần như được phủ kín dưới tán rừng dừa xanh ngắt. Đi đến bất kỳ nơi nào ở xã đảo này, chúng tôi cũng thấy dừa, dừa hiện diện ở khắp nơi, là một phần không thể thiếu của xã đảo. Người dân xã đảo thường nói vui một cách đầy văn vẻ: "Khi tôi sinh ra đã thấy dừa trước ngõ...".
Hẳn thế, hàng trăm năm qua, người dân xã Tam Hải vẫn sống dưới những tán dừa ấy và cho đến tận bây giờ họ vẫn gần như lưu giữ được nguyên vẹn trong lòng mình bản sắc văn hoá đời sống của người dân xứ Quảng, của người dân làng chài xứ biển như bao vùng quê khác. Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, họ vẫn bám biển mưu sinh, dù cho hiểm nguy luôn rình rập quanh họ. Họ bảo, bám biển không chỉ để mưu sinh thoát nghèo, mà còn là bảo vệ Tổ quốc, lãnh thổ.
Xã đảo Tam Hải có trên 2.000 hộ dân, trên 90% trong số đó sống chủ yếu bằng nghề biển. Những chuyến ra khơi mang theo bao hoài bão và khát vọng thoát nghèo, những người vợ, người con ngày lại ngày, ngóng ra biển khơi, chờ chồng, chờ cha đi về an toàn trong tiếng cười vui. "Nhưng hi vọng đó không đủ lớn để che đậy hoàn toàn những lo lắng của những người phụ nữ nơi xã đảo này, bởi họ ý thức được rằng: Lấy chồng nghề biển "hồn treo cột buồm". Nhưng vì tình yêu, lòng chung thủy nên họ chấp nhận nhau, chấp nhận số phận", chị Nguyễn Thị Lan (ngụ thôn 3) tâm sự.
Chị Mai Thị Dung vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh, ngày mà biển đã cướp đi người con trai Võ Văn Hạnh của chị: "Đó là một ngày tháng 4/1991, khi người con trai ra khơi câu mực cùng 17 người khác trên con thuyền không số, mới đi được vài ngày thì nghe tin bão, ai cũng lo sợ bởi những người thân của họ vẫn đang ngoài khơi. Và khi cơn bão tan, tôi và 17 hộ gia đình khác phải đau đớn chấp nhận rằng, những người thân đã nằm lại ngoài khơi vĩnh viễn. Ba tháng kể từ lúc con tàu bị bão nhấn chìm, không một ai trở về, không ai nói với ai. Nhưng ai cũng hiểu họ đã mất người thân mãi mãi, 17 bàn thờ lặng lẽ được dựng lên, và một lần nữa, người dân quê tôi vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó họ sẽ trở về".
Nỗi đau mất con chưa nguôi, thì 15 năm sau đó chị Dung phải đón nhận hung tin rằng người chồng gặp nạn trên chuyến tàu "định mệnh" QNA 1431. Đau đớn tột cùng khi những người thân lần lượt ra đi mà không tìm thấy xác, nhưng chị phải chấp nhận. Bởi thế, về xã đảo này, ai cũng bảo phụ nữ trên đảo có nghị lực thép, họ mạnh mẽ đối diện với bất cứ sự thật đau lòng nào. Từ đó đến nay cũng là khoảng thời gian mà người phụ nữ này phải vò võ, phải sống trong cảnh tiếc thương. Ngày ngày chị vẫn ngóng ra biển, đôi mắt thất thần như điên dại, như mong muốn biển khơi sẽ trả lại chồng con cho chị nhưng vô vọng. Chị Dung bảo: "Tôi đã không còn nước mắt để khóc nữa, tôi sẽ sống thế để chung thủy với chồng".
Đến nhà chị Trần Thị Liên (ngụ thôn 7), trên bàn thờ vẫn còn mấy nén nhang cháy dở, chị cho biết vì thương chồng, nên dù chồng đã mất lâu rồi nhưng ngày nào chị cũng thắp hương tưởng nhớ. Chồng chị, anh Phạm Hội đi câu mực vào năm 2004, rồi bị sóng cuốn trôi mất tích, đến nay vẫn chưa tìm được xác, chị bùi ngùi: "9 năm khóc thương chồng, chưa một ngày nào hết hi vọng anh ấy sẽ trở về. Vợ chồng tôi bao năm nghèo khổ, thấy người ta đi câu mực trúng lớn, tôi bằng lòng cho chồng đi theo may ra đổi đời. Ai ngờ, anh Hội đi luôn. Biết như vậy tôi không để anh ấy đi đâu, thà chấp nhận cuộc sống nghèo khổ nhưng sớm hôm có nhau, con cái cũng không phải mồ côi cha".
Những đứa con của chị giờ đã lớn khôn, nhưng nhìn vào mắt họ thấy ai cũng buồn, nỗi buồn sống nơi xã đảo cô đơn hay buồn vì sự mất mát luôn thường trực? Chẳng ai lý giải được. Ở làng chài này, từ thôn 1 đến thôn 7, nơi nào cũng có vài người đàn ông chết biển không tìm được xác, và những người phụ nữ vẫn mỏi mòn chờ đợi trong tuyệt vọng".
Chung thủy thờ chồng
Dường như nỗi đau mất chồng không thể nguôi trong tâm trí những người phụ nữ tại làng chài Tam Hải, ngày ngày họ vẫn ngóng trông người thân trở về. Hàng trăm phụ nữ trong làng chịu cảnh lẻ bóng, cứ ở vậy nuôi con. Con số ấy đang ngày càng tăng thêm như một quy luật nghiệt ngã của thiên nhiên, bởi người dân trong làng vẫn bám lấy biển khơi như một nghề chính yếu. Khi hỏi những người phụ nữ góa chồng trong làng, ai cũng than khổ, không khổ sao được khi người chồng mất đi, để lại một khoản nợ không nhỏ và họ phải nai lưng ra làm để trả nợ, cũng là cách để cho người chồng được thoải mái nơi suối vàng.
Chị Phạm Thị Sen (ngụ thôn 3, xã Tam Hải) rưng rưng: "Hầu hết những người có chồng gặp nạn trên biển đều ở vậy thờ chồng, không ai muốn tái giá, cuộc sống nghèo khổ nhưng an phận". Chồng chị Sen mất cách đây 12 năm, để lại cho chị 3 đứa con nhỏ, chị thường xuyên đau ốm. Hằng ngày chị phải làm thuê kiếm tiền mua thêm muối mắm và trang trải cuộc sống. Hoàn cảnh của chị Thương (ngụ thôn 3) cũng thật oái ăm, chồng chị cũng bị sóng biển cuốn trôi cách đây 11 năm. Hàng ngày, chị đạp xe dạo khắp nơi mua đồ phế thải, kiếm lời nuôi con. Mỗi gia đình một số phận, những người phụ nữ vẫn cố gắng mưu sinh bằng đủ thứ nghề để tồn tại. Họ không sợ khổ, chỉ sợ thêm những mất mát nữa xảy ra trong cuộc đời họ thêm những lần nữa.
Họ làm việc để thắp lên giấc mơ học tập cho con, mong thế hệ chúng không còn phải lấy nghề biển làm nghề mưu sinh như thế hệ của cha ông chúng. Hầu hết những người phụ nữ có chồng chết biển đều phải gánh một khoảng nợ rất lớn từ tiền vay đóng tàu. Đến nay, tàu không còn, chồng cũng vĩnh viễn ra đi. Những người đàn bà ấy, vẫn ở vậy nuôi con đến tận bây giờ. Họ chấp nhận những mất mát, nhưng niềm hi vọng không bao giờ tắt. Phụ nữ làng chài Tam Hải không may mất chồng chỉ muốn chung thủy thờ chồng, bởi trong trái tim họ vẫn còn yêu chồng. Và điều đặc biệt, họ vẫn hi vọng một ngày không xa gia đình họ được đoàn tụ, dù điều đó có thể không bao giờ đến.
Hơn nữa, ai cũng rất sợ khi phải gặp thêm một người chồng nghề biển, nếu gặp chuyện không may, họ lại phải hứng chịu nỗi đau thêm một lần nữa, họ sẽ không vượt qua nổi. Tiếng sóng biển vẫn rì rầm xô nhau vào chân đảo, tiếng sóng như ai oán, khóc thương những người đàn ông xấu số mang hi vọng của những người trên đảo ra đi nhưng mãi không về. Sóng vẫn vỗ vào bờ, và nước mắt làng chài Tam Hải vẫn không ngừng rơi.
Vẫn không nguôi niềm hi vọng Theo vị cán bộ phụ trách văn hóa xã Tam Hải, xã cũng hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho những gia đình gặp chuyện không may, từng bước cải thiện cuộc sống. Hầu hết những trường hợp chết biển đều không tìm được xác, những người đàn ông vắn số ấy mãi mãi nằm lại ngoài biển khơi trong sự tiếc thương vô ngần của người thân. Những chiếc bình hương lần lượt được đặt lên bàn thờ, những người còn sống vẫn hi vọng và chờ đợi, chờ đợi... đến mỏi mòn. |
Công Thư