Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc vì đề xuất cấm sử dụng súng

Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc vì đề xuất cấm sử dụng súng

Thứ 4, 02/01/2013 10:28

Làn sóng phản đối việc sử dụng súng cá nhân ở Mỹ đang diễn ra gay gắt. Tuy nhiên, với 4 triệu thành viên của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) thì sự phản đối này vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại.

Giới truyền thông lên tiếng

Vừa qua, hàng chục ngàn người là thành viên của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu trục xuất Piers Morgan, người dẫn chương trình nổi tiếng của CNN ra khỏi nước Mỹ vì quan điểm của ông này về vấn đề siết chặt kiểm soát vũ khí. Theo đó, Morgan đã tổ chức một cuộc phỏng vấn đặc biệt với Giám đốc điều hành Hiệp hội các chủ súng Hoa Kỳ Larry Pratt sau vụ thảm sát tại trường học Sandy Hook, Newtown (Connecticut) ngày 14/12.

Trong cuộc phỏng vấn này, người dẫn chương trình CNN đã thẳng thẳn bày tỏ quan điểm về vấn đề kiểm soát vũ khí và tỏ ra rất giận dữ khi Larry Pratt đề xuất "trang bị nhiều súng hơn" mới là giải pháp. Morgan còn gọi Pratt là "đồ ngu ngốc".

Hành động của Piers Morgan đã khiến các nhà hoạt động bảo vệ quyền tự do mang vũ khí rất tức giận và quyết định lên tiếng chống lại. Ngay sau khi chương trình của Morgan phát sóng, họ đã lập một thỉnh nguyện thư tố cáo ông này lợi dụng vai trò người dẫn chương trình truyền hình để mở đợt "tấn công thù địch vào bản hiến pháp của Hoa Kỳ", nhất là tu chính án thứ hai. Những người ký thỉnh nguyện thư yêu cầu chính phủ trục xuất Morgan ngay tức thì vì ông này đã tấn công vào quyền căn bản của công dân Mỹ. Thỉnh nguyện thư này đã có tới 31.000 chữ ký.

Tiêu điểm - Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc vì đề xuất cấm sử dụng súng

Trước tình hình đó, Piers Morgan vẫn kiên trì với quan điểm đã đưa ra. Ông viết trên trang Twitter với ý nhắc tới quyền tự do ngôn luận được hiến pháp Mỹ bảo vệ: "Nếu Chính phủ Mỹ trục xuất tôi vì tôi muốn các trường hợp chết chóc do súng đạn ít xảy ra hơn, thì liệu có quốc gia nào mời tôi không nhỉ? Chiến dịch của những người ủng hộ quyền sở hữu súng cáo buộc tôi tấn công các quyền theo tu chính án thứ hai, vậy quyền phát biểu ý kiến của tôi có được bảo vệ theo tu chính án thứ nhất?".

Đồng quan điểm với Piers Morgan, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch cũng đã lên tiếng ủng hộ việc kiểm soát súng ở Mỹ sau khi hai lính cứu hỏa ở Webster bị bắn chết chỉ sau vụ thảm sát ở trường Sandy Hook cách đây chưa đầy 10 ngày. "Khi nào thì các chính trị gia sẽ tìm được can đảm để cấm vũ khí tự động?" - ông viết trên Twitter. Murdoch cũng đề cập đến vụ thảm sát ở Port Arthur vào năm 1996, nơi mà 35 người đã thiệt mạng tại khu du lịch và kêu gọi Chính phủ Mỹ cần có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt.

Chính sách về cấm sử dụng súng có thành hiện thực?

Cho đến nay, các chính trị gia Mỹ cũng đã có những động thái để tăng cường kiểm soát súng cá nhân. Sau vụ thảm sát ở trường Sandy Hook, Tổng thống Obama đã quyết định bổ nhiệm Phó tổng thống Joe Biden là người đứng đầu một nhóm công tác quốc gia để giải quyết vấn đề này. Tổng thống cũng ủng hộ dự luật cấm sử dụng súng của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết ông Obama sẽ gặp bà Feinstein để bàn bạc về việc soạn thảo đạo luật thay thế cho lệnh cấm vũ khí đã hết hạn từ năm 2004. Thượng nghị sĩ Feinstein tuyên bố dự thảo của bà sẽ cấm ít nhất 100 loại vũ khí quân sự bán tự động và sẽ hạn chế vận chuyển, nhập khẩu và sở hữu những vũ khí đó. "Cần phải mạnh tay và cần phải dứt khoát", bà nói.

Tuy nhiên, trước quyết định ủng hộ dự luật cấm sử dụng súng của Tổng thống Barack Obama, Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), một trong những tổ chức vận động hành lang mạnh nhất nước Mỹ lại đưa ra một tuyên bố mang tính thách thức.

"Biện pháp duy nhất để chặn đứng một kẻ độc ác có vũ trang chính là một người tốt với khẩu súng trong tay. Có hàng chục, thậm chí là hàng trăm kẻ sát nhân ở ngoài kia đang sẵn sàng cho một cuộc tấn công khác vào những ngôi trường không được bảo vệ, và cách duy nhất để ngăn chặn những vụ xả súng khác là đưa vũ khí vào trường học", Phó Chủ tịch NRA Wayne LaPierre khẳng định sau khi vụ xả súng ở trường tiểu học Sandy Hook khiến 20 trẻ em và 7 người lớn thiệt mạng xảy ra một tuần.

Suốt 20 năm qua, NRA luôn là một đối thủ đáng gờm của những người ủng hộ việc cấm sử dụng súng. Bằng cách huy động lực lượng lên tới gần 4 triệu thành viên, cùng sự hỗ trợ của hàng loạt các cuộc vận động hành lang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở Quốc hội, tổ chức này đã thành công trong việc ngăn chặn các nỗ lực nhằm thắt chặt luật sở hữu vũ khí.

Khi sự phẫn nộ sau vụ thảm sát ở Newtown lắng xuống, lệnh phản đối của bà Feinstein có thể sẽ gặp khó khăn và còn phải chịu áp lực từ nhiều nhóm vận động hành lang về buôn bán vũ khí. Tuy nhiên, nhiều người hi vọng thảm kịch bộc phát như ở Newtown có thể khiến chính sách về cấm sử dụng súng trở thành hiện thực.

Gia Hân (Theo CNN, BBC)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.