Chia cắt màu da, Mỹ đang mất dần hy vọng?
Cái chết của George Floyd - người đàn ông da đen - 46 tuổi, bị cảnh sát đè cổ đến tắc thở ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ. Một lần nữa, vết thương âm ỉ trong hàng thế kỷ xung quanh vấn nạn phân biệt chủng tộc lại trở thành đề tài gây tranh cãi.
Cái chết đau đớn và vô lý của Floyd như giọt nước tràn ly đối với người dân Mỹ vốn đang kiệt quệ vì dịch hay hệ lụy gây phát sinh các vấn đề xã hội như bất công, nghèo đói, thất nghiệp. Phong trào “Black Lives Matter" – “Người da đen đáng được sống” với mục đích chống lại sự bất bình đẳng và hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi đang khuấy đảo đường phố, thu hút hàng vạn người ủng hộ trên toàn cầu.
Trong khi nhiều cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa, một số nơi đã trở thành phong trào bạo lực, các cuộc đụng độ với cảnh sát khiến nhiều người bị thương, các tòa nhà bị đốt cháy, trong khi nhiều cửa hàng xảy ra tình trạng cướp bóc. Khung cảnh nổi loạn và hoang tàn khiến nhiều người phải thốt lên rằng: Nước Mỹ hiện tại đã “mất đi hy vọng”.
Cuộc đấu tranh của người Mỹ gốc Phi
Mặc dù chế độ nô lệ ở Mỹ đã bị bãi bỏ từ năm 1865 sau Tu chính án 13 nhưng ánh mắt kỳ thị của người da trắng chưa bao giờ chấm dứt kể từ thời điểm đó. Kể từ sau cuộc Nội chiến Mỹ, từ những năm 1870, người Mỹ gốc Phi đã nhiều lần đứng lên phản đối những bất công áp đặt vào mình. Tuy nhiên, nó chỉ có thể trở thành phong trào rộng khắp sau cái chết của Eugene Williams, một thiếu niên da đen 17 tuổi, bị ném đá đến chết vào năm 1919 chỉ vì bơi vào khu vực dành riêng cho người da trắng. Cảnh sát đã làm ngơ trước vụ việc đau đớn này, khiến sự giận dữ tăng cao. Những người da đen ở Chicago đã xuống đường tuần hành phản đối. Đã có hơn 500 người bị thương và 38 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình năm đó.
Trong “mùa hè rực lửa” năm 1967, sự phẫn nộ ở các thành phố trên khắp nước Mỹ cũng đã lên đến đỉnh điểm. Đạo luật Dân quyền lịch sử ký vào năm 1964 đã kết thúc sự phân biệt đối xử trên khắp nước Mỹ, nhưng cộng đồng người da màu cho rằng nó vẫn không mang lại sự bình đẳng. Người biểu tình đã xuống đường ở hơn 150 thành phố, dẫn đến các cuộc đụng độ dữ dội giữa người da đen và lực lượng cảnh sát da trắng. Đó được coi là những ngày tháng hỗn loạn nhất của nước Mỹ.
Các cuộc biểu tình của Phong trào Dân quyền thập niên 1960 được thúc đẩy không chỉ bởi sự tàn bạo của cảnh sát, mà còn bởi xã hội Mỹ cố tình không cho người Mỹ gốc Phi có những quyền công dân đầy đủ. Ngay cả khi người Mỹ gốc Phi có thể tích lũy vốn, luật pháp cũng ngăn cản họ mua tài sản. Theo quy định ngầm, một gia đình người da đen không thể tích lũy của cải bằng với tỉ lệ của các gia đình da trắng.
Người Mỹ gốc Phi cũng phải sống trong các khu phố nghèo khó, với điều kiện vệ sinh tồi tệ, không có không gian xanh, cửa hàng tạp hóa giá cao và trường học cơ sở vật chất tồi tàn. Trong khi đó, dù là lực lượng lao động nòng cốt trong nước, giúp tạo ra một nền kinh tế bùng nổ cho những ông chủ người Mỹ da trắng, nhưng người Mỹ gốc Phi lại chỉ được trả mức lương thấp và bị bóc lột hoàn toàn.
Về sau này, sự xuất hiện của Martin Luther King đã đưa phong trào đấu tranh của người Mỹ gốc Phi thành công vang dội với cuộc tuần hành của hơn 250 ngàn người thuộc các sắc tộc khác nhau tham dự. Trong cuộc tụ tập lớn nhất trong suốt lịch sử của thành phố Washington, D.C, King đã đi vào lịch sử với bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” (I Have a Dream), kêu gọi quyền bình đẳng cho người da đen thông qua các phương pháp bất bạo động.
Ảnh hưởng của sự phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Phi trong quá khứ vẫn còn tạo ra những hệ lụy cho đến ngày nay. Giữa thế kỷ 21, người Mỹ gốc Phi vẫn luôn trở thành đối tượng bị kỳ thị của một bộ phận cảnh sát. Các gia đình và cá nhân người da đen thường chỉ được hưởng những đãi ngộ xã hội ở mức thấp, thấp hơn nhiều so với người da trắng hoặc người Mỹ gốc Á. Điều này xảy ra cả với những người Mỹ gốc Phi có trình độ học vấn cao.
Tranh cãi
Thắng lợi của phong trào Dân quyền những năm 1960 và việc Barack Obama trở thành Tổng thống da màu đầu tiên, được coi là những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi.
Nhưng, bất chấp những nỗ lực, xung đột giữa người da trắng và người da màu vẫn diễn ra và trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông. Phân biệt chủng tộc ở Mỹ vẫn còn tồn tại và vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi.
Các nhà xã hội học tin rằng đa số người Mỹ ngày nay có thái độ bình đẳng và không còn chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cực đoan như trong quá khứ. Các trường hợp kỳ thị chủng tộc ngày nay là khá hiếm và đôi khi bị truyền thông thổi phồng lên quá mức. Thậm chí, nhiều vụ việc phân biệt chủng tộc ở Mỹ được báo chí đăng tin về sau được xác minh chỉ là giả mạo, cố tình kích động mâu thuẫn cố hữu trong lòng nước Mỹ.
Ngoài ra, nói đi cũng phải nói lại. Lý do người Mỹ gốc Phi dễ rơi vào các tình huống xung đột với cảnh sát là bởi họ là nhóm chủng tộc có tỉ lệ phạm tội cao nhất tại Mỹ hiện nay. Một thống kê vào năm 2015 cho thấy, phần lớn thủ phạm trong các vụ giết người tại Mỹ là người Mỹ gốc Phi.
Mặc dù chỉ chiếm 14% dân số Mỹ thế nhưng người Mỹ gốc Phi là thủ phạm trong 52,5% số vụ giết người tại Mỹ trong giai đoạn từ 1990 đến năm 2008. Theo thống kê của FBI, người Mỹ gốc Phi đã gây ra 52% số vụ giết người và 54% số vụ cướp tại Mỹ trong năm 2016.
Nhưng, dù các con số trên có thể hiện như thế nào, người Mỹ gốc Phi vẫn xứng đáng nhận được sự tôn trọng nhiều hơn vì những đau khổ mà họ phải gánh chịu trong quá khứ. Trường hợp George Floyd, đây là một câu chuyện đáng buồn, là điều không ai mong muốn giữa một nước Mỹ vẫn được tôn vinh là miền đất của tự do, bình đẳng.
Mỹ vẫn còn đó những người kỳ thị sắc tộc, nhưng cũng không ít những người da trắng đang đấu tranh cho quyền lợi của những người không cùng màu da. Không chỉ người Mỹ, thế giới cũng mong những cái chết như George Floyd không bao giờ lặp lại.