Nước Mỹ từ Đông sang Tây: Lịch lãm Washington DC

Nước Mỹ từ Đông sang Tây: Lịch lãm Washington DC

Thứ 5, 27/12/2012 23:52

Từ Philadelphia, xe chúng tôi chạy qua một khu phố người Việt sinh sống, các biển hiệu viết bằng cả hai thứ tiếng Anh và Việt, có cả một ngôi chùa Việt nam và một khu kinh doanh có thiết kế mặt tiền mô phỏng chợ Bến Thành.

Sau bữa trưa với cơm Việt nam có canh chua và cá kho tộ, xe chúng tôi thẳng tiến về Washington DC.

Khác với vẻ tấp nập, nhộn nhịp và có cả xô bồ của thành phố New York - nơi ngay cạnh phố Wall của các tỷ phú và triệu phú, những người bán hàng rong cũng vẫn có thể tìm thấy chỗ đứng bán những món đồ với giá vài đô la, Washington DC mang dáng vẻ nghiêm túc của những viên công chức cần mẫn.

Nếu đi trên những đường phố New York mà vài con phố cũng kha khá bẩn, bạn cảm thấy nước Mỹ là xứ sở của những người nhập cư mà có lẽ nếu chăm chỉ thì bất cứ ai đến đó cũng có thể tìm thấy việc làm và chỗ đứng, nơi trang phục kín đáo của Ấn độ, Hồi giáo đồng hành với váy ngắn, quần cộc, áo hở vai có dây và không dây, thì Washington DC sạch sẽ và lịch lãm hơn nhiều với những cư dân trang phục sơ mi trắng cùng comple công chức. Trên đường phố ít gặp người châu Á hơn ở New York và Philadelphia. Nhiều tòa nhà ở Washington mang dáng dấp kiến trúc châu Âu, đường bệ uy nghiêm cùng những họa tiết hoa văn trang trọng.

Xã hội - Nước Mỹ từ Đông sang Tây: Lịch lãm Washington DC

Capitol Hill - Washington DC

Washington có nhiều cây xanh và không quá đông đúc ồn ào. Nhà trắng và điện Capitol là những địa điểm nên tham quan đầu tiên khi đến thủ đô Washington của Hoa kỳ. Đó là nơi tập trung quyền lực cao nhất của đất nước này và nó có ảnh hưởng rất lớn đến toàn thế giới, tuy vậy vẫn mở cổng để du khách tham quan và chụp ảnh. Các nhân viên ở đó tỏ ra khá thân thiện, tuy nhiên khi nhờ họ bấm giúp vài kiểu ảnh thì họ mỉm cười lịch thiệp trả lời là đang làm nhiệm vụ nên không được phép giúp du khách chụp ảnh.

Phía trước tòa nhà lưỡng viện là bãi cỏ rộng rợp mát bóng cây, phía gần đường có những chiếc ghế dài để khách ngồi nghỉ chân. Khuôn viên phía bên kia đường cũng trồng nhiều cây cao tỏa bóng mát và những luống hoa cỏ, vài người đi dạo, vài người dắt cả chó cùng đi dạo, không gian yên bình và tĩnh lặng.

Mặc dù đã xem trên phim ảnh, nhưng khi xe tham quan chạy qua Lầu năm góc vẫn có cảm giác là lạ. Tọa lạc trên một khu đất rộng, Lầu năm góc được xây dựng không cao, thậm chí còn có cảm giác là thấp lè tè trên diện tích mặt bằng quá rộng. Các cửa sổ hướng ra năm phía cũng có vẻ hơi hẹp ngược lại với những bãi đỗ xe ô tô rộng thênh quanh đó.

Xe đưa chúng tôi tiếp tục tham quan Đài tưởng niệm các binh sỹ tham gia chiến tranh Việt nam. Bức tường đá đen hình chữ V xây chìm dần vào lòng đất gây cảm giác lành lạnh. Những người lính đã từng tham chiến ở Việt nam mấy chục năm trước nay còn sống hẳn cũng đã nhiều tuổi. Những người lính có tên trên bức tường đá đen này thuộc về 99% dân số nước Mỹ, chắc chắn họ không thuộc về thiểu số 1% quyền lực giàu có đang thâu tóm tài sản của nước Mỹ và của toàn thế giới. Nếu được trở lại với cuộc sống, ắt hẳn nhiều người trong số họ cũng sẽ tham gia vào các cuộc biểu tình đấu tranh để đòi lại sự công bằng cho 99%.

Xã hội - Nước Mỹ từ Đông sang Tây: Lịch lãm Washington DC (Hình 2).

Tượng binh sĩ Mỹ tại khu tưởng niệm chiến tranh Việt nam

Là lạ và lành lạnh là cảm giác chợt đến khi đi qua Lầu năm góc và đứng trước bức tường đá đen của Đài tưởng niệm này, nhưng thật khó gọi tên về cảm giác vụt đến khi đứng trước nhóm tượng binh sỹ Mỹ trong khu vực đài tưởng niệm. Bất chợt tôi muốn có một chiếc mũ rơm trong bức ảnh chụp đứng cạnh nhóm tượng đó.

Kỳ sau: Hollywood và những ngôi sao trên hè phố

Theo Anna Nguyễn/ICTPress


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.