Quân đội Nga có rất nhiều chiến thắng vẻ vang, nhưng cũng giống như mọi quốc gia khác, họ cũng từng một số lần thất bại.
1. Mông Cổ xâm lược (1237-1240)
Đầu thế kỷ 13, chứng kiến một nước Nga chia rẽ và không có khả năng chống lại được sự xâm lược từ bên ngoài, quân đội Mông Cổ đã tiến hành một cuộc tấn công tàn khốc.
Như dự đoán ban đầu, Nga đã nhanh chóng thất bại trước kẻ thù bên ngoài. Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, các lãnh thổ Nga phải chịu sự phụ thuộc về chính trị và kinh tế đối với Đế quốc Mông Cổ, đồng thời phải mất hàng chục năm để khôi phục nền kinh tế và văn hóa bị hủy hoại. Thất bại nghiêm trọng này đã khiến Nga tụt hậu xa so với các nước châu Âu.
Cuộc xâm lược đã viết lại hoàn toàn bản đồ chính trị của nhà nước Nga.
2. Chiến tranh Livonia (1558-1583)
Vua Ivan IV của Nga, hay còn gọi là “Ivan khủng khiếp”, đã bắt đầu một cuộc chiến chống lại Liên minh Livonia để chiếm các cảng chính và xây dựng chỗ đứng cho Đại công quốc Moscow trên bờ biển Baltic.
Cuộc chiến mệt mỏi tiếp diễn trong hơn 20 năm và kết thúc bằng một thất bại lớn của nhà nước Nga. Nền kinh tế của đất nước bị hủy hoại và các vùng lãnh thổ phía tây bắc cũng mất theo.
Tất cả các vùng đất ban đầu được lấy từ Livonia cũng không còn. Tệ hơn nữa, Nga đã mất các lãnh thổ ở Phần Lan và hầu hết các tài sản ven biển ở Vịnh Phần Lan. Chỉ có một mảnh đất nhỏ trên cửa sông Neva vẫn thuộc quyền sở hữu của Nga, nhưng nó không thể giúp người Nga ra biển lớn.
Giờ đây, thay vì đối thủ chỉ là Liên minh Livonia yếu đuối, Nga đã có thêm những kẻ thù mới và hùng mạnh ở biên giới phía Tây: Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva và Vương quốc Thụy Điển.
3. Chiến tranh Nga-Ottoman (1710-1713)
Năm 1710, Ottoman tuyên chiến với Nga, với đỉnh điểm là Chiến dịch sông Pruth của Sa hoàng. Tuy nhiên, vào năm 1711, quân đội Nga gồm 38.000 người do Peter Đại đế lãnh đạo đã bị bao vây bởi 190.000 quân Ottoman và Crimea ở Bessarabia.
Để thoát khỏi tình huống cận kề cái chết, Peter Đại đế buộc phải chấp nhận những điều khoản bất lợi trước Quốc vương Ahmed III, được quy định bởi Hiệp ước Pruth hai năm sau đó.
Nga đã nhượng vùng Azov cho Đế quốc Ottoman, phá hủy tất cả các pháo đài trên bờ biển Azov, và do đó mất quyền tiến vào Biển Đen. Tuy nhiên, hậu quả tồi tệ hơn là sự đổ vỡ của hải quân Nga. Hàng trăm tàu lớn nhỏ bị phá hủy. Nga đã buộc phải bắt đầu từ con số không.
4. Chiến tranh Crimea (1853-1856)
Về cơ bản, Chiến tranh Crimea cũng tương tự như Chiến tranh Livonia: Nga đã thắng thế trong cuộc chiến với một kẻ thù yếu, nhưng lại thất bại cay đắng khi rơi vào cuộc xung đột với một liên minh các cường quốc.
Theo Hiệp ước Paris (1856), Nga không mất nhiều lãnh thổ, nhưng mất quyền có hạm đội trên Biển Đen. Ngoài ra, Nga cũng mất ảnh hưởng ở Moldavia, Wallachia và Serbia. Nhìn chung, cuộc chiến làm suy yếu nghiêm trọng vị thế quốc tế của Nga.
Hệ thống tài chính cũng phải chịu đựng nhiều tổn thương nhất. Với các khoản nợ chiến tranh khổng lồ, đồng rúp của Nga mất giá mạnh.
5. Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918)
Thế chiến I được coi là một thảm họa lớn đối với Đế quốc Nga.
Mặc dù Nga đã thoát khỏi cuộc chiến với Hiệp ước Brest-Litovsk vào ngày 3/3/1918, cuộc nội chiến đã khiến đất nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn thậm chí còn hơn cả trong chiến tranh.
Cuối cùng, Nga đã mất khoảng 842.000 km2 (chiếm 15,4% tổng diện tích trước chiến tranh), nơi sinh sống của 31,5 triệu người (23,3% dân số trước chiến tranh của Đế quốc).
Sự sụp đổ của Đế chế Nga dẫn đến sự xuất hiện của các quốc gia mới. Nền độc lập của Ba Lan đã được khôi phục và lần đầu tiên Latvia, Estonia, Litva và Phần Lan trở thành quốc gia mới. Ngoài ra, Romania đã nhân cơ hội sáp nhập Bessarabia.