Những đợt mưa lớn trong đêm 18 rạng sáng 19/10 đã khiến mực nước trên các sông dâng cao, khắp nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ngập chìm trong nước, người dân trắng đêm chạy lũ.
"Đó là một đêm kinh hoàng đối với người dân chúng tôi. Ngoài trời nước mưa không ngớt, bên trong lũ đã dâng sát mái nhà, nếu không có lực lượng chức năng đến ứng cứu kịp thời, không biêt chúng tôi sẽ như thế nào", một người dân trú thị trấn Kiến Giang chia sẻ.
3h sáng 19/10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phát đi thông báo khẩn cấp lũ trên các sông ở Quảng Bình. Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc trung tâm cho biết, mực nước trên sông ở khu vực này lên nhanh trong đêm. Lúc 1h, lũ trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, đạt 4,79m, trên báo động 3 là 2,09m.
So với đỉnh lũ năm 1979, lũ trên sông Kiến Giang đã vượt mức lịch sử gần 1m. Chuyên gia cảnh báo trong 6 giờ tới, lũ trên sông này có thể đạt đỉnh mới là 5,2m, sau đó xuống dần.
Tính đến chiều 18/10, rạng sáng 19/10, mưa lũ đã làm ngập khoảng 71.155 nhà dân; nhiều khu dân cư bị cô lập bởi nước lũ dâng cao. Nhiều tuyến đường giao thông đường bộ huyết mạch bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng.
Tại huyện Lệ Thủy, mực nước lũ dâng cao hơn trận lũ lịch sử năm 1979 là 59cm, đã làm ngập lụt khoảng 30.000 nhà dân. Nước lũ dâng cao làm ngập lụt hơn 13.067 ngôi nhà ở huyện Quảng Ninh; khoảng 22.032 ngôi nhà ở thị xã Ba Đồn; huyện Bố Trạch có 9.872 nhà bị ngập; huyện Minh Hóa 1080 ngôi nhà; 3.482 nhà ở huyện Tuyên Hóa bị ngập; tại TP.Đồng Hới, có 1239 ngôi nhà bị ngập.
Thống kê bước đầu, hiện, số thôn, bản bị chia cắt, cô lập gồm: Huyện Quảng Ninh có 57 thôn/11 xã, bản; huyện Tuyên Hóa có 23 thôn, bản/10 xã; huyện Bố Trạch có 24 thôn, bản. Trong các thôn, bản bị chia cắt, cô lập, có 49 bản/9 xã vùng biên giới.
Trước tình hình mưa to và nước lũ dâng cao, các địa phương trong tỉnh bước đầu đã di dời khoảng 500 hộ dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Ông Lê Quang Hiệu, trú xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết: “Đây là trận mưa lụt lịch sử, hơn 20 năm rồi mới có lại. Lũ đợt này rất lớn, thiệt hại rất nhiều”.
Tại huyện Lệ Thủy, đã có thiệt hại về người. Theo đó, trưa 18/10, hai anh em Hoàng Văn Qu. (SN 2010) và Hoàng Văn Q. (SN 2014), trú tại thôn 3 Thanh Tân, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy) được gia đình đưa lên thuyền đi tránh lũ. Trên đường đi không may thuyền bị lật khiến hai anh em tử vong.
Đêm qua, nhiều người dân các vùng xung yếu đã phải gọi điện, nhắn tin cầu cứu qua mạng xã hội. Lực lượng tại chỗ ở các địa phương phải dùng thuyền nhỏ tìm kiếm cứu nạn, sơ tán người dân ra khỏi các ngôi nhà ngập sâu.
5h30 phút sáng nay, 19/10, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã có mặt tại huyện Quảng Ninh và Bố Trạch để chỉ đạo công tác cứu hộ.
Tỉnh đã huy động các lực lượng biên phòng, quân sự, công an cùng các phương tiện để khẩn trương cứu hộ người dân bị mắc kẹt trong mưa lũ từ đêm 18, rạng sáng 19/10.
Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, yêu cầu các lực lượng đẩy nhanh tiến độ cứu hộ, huy động tối đa lực lượng và phương tiện, tranh thủ thời gian để cứu người dân sớm nhất có thể, trước khi mưa lũ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Đồng thời, yêu cầu các lực lượng tham gia cứu hộ trợ giúp cho người dân phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.