Nước ngoài xếp hàng dài mua vũ khí Nga sau chiến dịch Syria

Nước ngoài xếp hàng dài mua vũ khí Nga sau chiến dịch Syria

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Thứ 4, 20/12/2017 19:00

Sau quá trình hoạt động ở Syria, nhiều khách hàng nước ngoài đã xếp hàng để đặt mua các thiết bị khí tài quân sự được sản xuất bởi Tập đoàn Đóng tàu USC của Nga, Giám đốc Aleksey Rakhmanov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài tiếng nói Echo of Moscow.

 

Quân sự - Nước ngoài xếp hàng dài mua vũ khí Nga sau chiến dịch Syria

Binh sĩ Nga tại Syria.

“Sau khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria, chúng tôi có một danh sách dài khách hàng chờ đợi. Qua quá trình chiến đấu trong thực tế, chúng tôi đã cho họ thấy tính hiệu quả của những loại vũ khí và các khách hàng tiềm năng đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn trong việc đặt hàng”, ông Rakhmanov nói.

Theo đó, sau khi khách hàng chứng kiến khả năng vận hành của những cỗ máy chiến đấu, tập đoàn này đã “tái khởi động đàm phán với hầu hết các đối tác trên một mức độ hoàn toàn mới”.

Ngoài những khách hàng truyền thống, tập đoàn này cũng đang nỗ lực thu hút những khách hàng tiềm năng mới, những người trước đây thường xem xét sản phẩm của Nga với thái độ hoài nghi.

Hiện công ty đang trong quá trình đàm phán các điều khoản trong hợp đồng mua bán nhiều loại vũ khí với các đối tượng khách hàng khác nhau.

Ông Rakhmanov từ chối đưa ra những con số cụ thể. “Chúng tôi luôn chỉ nhắc về một con số: Đó là giá trị những đơn hàng của USC trong 15 năm tới sẽ vượt qua 12 con số tính theo đơn vị rúp Nga (tức 1 nghìn tỷ rúp)”, ông nói.

Ngoài ra, dự kiến trong năm 2018, Moscow sẽ sản xuất hệ thống robot đầu tiên có khả năng tiến hành những nhiệm vụ khác nhau mà không cần sự điều khiển, hướng dẫn trực tiếp của con người. 

“Tôi nghĩ rằng những con tàu đầu tiên như thế sẽ xuất hiện trong vòng 5 năm tới”, ông Rakhmanov nói, lưu ý rằng loại tàu có khả năng như vậy đang được thử nghiệm trên thực tế.

Hồi tháng 8/2017, tại Diễn đàn Quân sự 2017, Thứ trưởng bộ Quốc phòng Nga Yury Borisov nói rằng trong chiến dịch quân sự tại Syria, quân đội Nga đã “thử nghiệm trong thực tế tất cả các mẫu (vũ khí) mới trong môi trường chiến đấu thực sự.

Quân sự - Nước ngoài xếp hàng dài mua vũ khí Nga sau chiến dịch Syria (Hình 2).

Thứ trưởng bộ Quốc phòng Nga Yury Borisov.

Theo ông Borisov, hơn 600 thiết bị khí tài đã được thử tại Syria để “theo dõi và xác nhận năng lực tác chiến của chúng. Những vũ khí thử nghiệm bao gồm bệ phóng tên lửa đa năng, các phương tiện bọc thép, khí tài chiến đấu hiện đại và các phương tiện chiến đấu trên không.

Thứ trưởng bộ Quốc phòng Nga thừa nhận sự hiện diện của quân đội Nga tại Syria không chỉ phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố và hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad mà còn là một cơ hội hiếm để họ thử vũ khí.

“Về căn bản, tất cả những vũ khí mới đều đã xuất hiện trong cuộc chiến ở Syria, giúp chúng tôi có cơ hội kiểm định năng lực hoạt động của chúng như thế nào. Chúng tôi cũng đã phải từ bỏ một vài loại vũ khí bởi chúng không đạt được những yêu cầu chúng tôi đặt ra khi hoạt động trong thực tiễn”, ông Borisov nhấn mạnh.

Hồi tháng 2/2017, các chuyên gia của viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm trong một báo cáo cho hay từ năm 2012-2016, lượng buôn bán vũ khí trên toàn thế giới đã đạt mức kỷ lục so với mỗi giai đoạn 5 năm của Chiến tranh Lạnh. Các giao dịch buôn bán vũ khí đã tăng 8,4% trong vòng 5 năm qua.

Cũng theo báo cáo trên, Nga đứng ở vị trí thứ hai trong số các nhà xuất khẩu vũ khí (23%). Giữ vị trí đầu bảng vẫn là Mỹ. Hai quốc gia này chiếm giữ hơn 50% hợp đồng mua bán vũ khí trên khắp thế giới.

Quân sự - Nước ngoài xếp hàng dài mua vũ khí Nga sau chiến dịch Syria (Hình 3).

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria từ tháng 9/2015. Từ đó tới nay, Moscow đã đưa nhiều loại vũ khí mới tới chiến trường này. Mới đây nhất, Nga vừa đưa súng điện từ mang tên Stupor tới Syria. Đây là dòng vũ khí dự định sẽ được trang bị cho các đơn vị đặc nhiệm của Nga, những người đang chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

Súng Stupor hiện đã được trao đến tay đặc nhiệm Syria, những binh sĩ đang tích cực chiến đấu ở tiền tuyến. Loại súng này được thiết kế để “diệt gọn” những máy bay không người lái nhỏ (UAV) của các nhóm phiến quân, thường được gọi là “sát thủ drone”.

Ngoài ra, những thế hệ tiêm kích chiến đấu mới như Su-30SM và Su-35S hay tên lửa điều hướng X-101 và tên lửa Kalibr cũng tích cực được sử dụng để tiêu diệt các kẻ thù ở tầm xa trên chiến trường Syria.

Nhìn chung, chiến trường Syria không chỉ giúp Moscow có cơ hội thể hiện sức mạnh quân sự cũng như vị thế của họ trên bàn cờ Trung Đông mà nó còn mang lại cho Kremlin những hợp đồng vũ khí lớn sau khi họ phô diễn những đặc tính tối ưu của vũ khí Nga được triển khai tại quốc gia này. 

Xem thêm: Cánh tay phủ quyết đơn độc của bà Nikki Haley tại Liên Hợp Quốc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.