Người lao động Pháp đã xuống đường trên khắp đất nước vào ngày 1/5, khi các cuộc tuần hành nhân Ngày Quốc tế Lao động hàng năm ở Pháp diễn ra đồng thời với sự tức giận âm ỉ về một cuộc đại tu hưu trí không được lòng dân mà Tổng thống Emmanuel Macron đã thông qua vào tháng trước.
Từ Le Havre ở phía Bắc đến Marseille ở phía Nam, hàng chục nghìn người đã xuống đường từ giữa buổi sáng ngày 1/5 và cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm vào buổi chiều với một cuộc tuần hành ở Thủ đô Paris, trong đó cảnh sát phải sử dụng đến hơi cay.
Bộ Nội vụ Pháp triển khai 12.000 cảnh sát trên khắp đất nước, bao gồm 5.000 cảnh sát ở Paris, vì các nhà chức trách dự kiến có tới 650.000 người tham gia 380 cuộc biểu tình trên khắp đất nước chỉ trong một ngày, theo nhật báo Pháp Le Figaro.
Ngày Quốc tế Lao động năm nay ở Pháp đánh dấu ngày tổng đình công và biểu tình thứ 13 chống lại cải cách hưu trí, diễn ra sau khi Hội đồng Hiến pháp Pháp thông qua kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 64. Kế hoạch của Tổng thống Macron đã được ban hành thành luật vào giữa tháng 4.
Bà Sophie Binet, lãnh đạo của công đoàn CGT cánh tả có đường lối cứng rắn, cho biết cải cách hưu trí đã khiến ông Macron bị cô lập.
“Nhà vua không thể cai trị mà không có sự ủng hộ của người dân”, bà Binet nói trước cuộc biểu tình ở Paris, đồng thời cho biết thêm nghiệp đoàn của bà vẫn chưa quyết định đàm phán với Chính phủ Pháp về các vấn đề khác liên quan đến công việc trong những tuần tới.
Ông Laurent Berger, lãnh đạo nghiệp đoàn CFDT lớn nhất nước Pháp, nói với các phóng viên trước khi cuộc tuần hành bắt đầu ở Paris rằng các cuộc biểu tình là một cách để tiếp tục cuộc chiến chống lại cuộc đại tu hưu trí và “một lần nữa nói không với việc nghỉ hưu ở tuổi 64”.
Sự thách thức của ông Berger phản ánh một sự thật rộng lớn hơn mà ông Macron phải đối mặt: Mặc dù nhà lãnh đạo Pháp có thể thúc đẩy cuộc đại tu hưu trí, nhưng cách cải cách này được thông qua mà không cần một cuộc bỏ phiếu đầy đủ tại Quốc hội –và các cuộc biểu tình dai dẳng – sẽ là một lời nhắc nhở rõ ràng về cơn giận dữ của quần chúng.
Dù có rất ít khả năng chính phủ sẽ rút lại cải cách, nhưng những người biểu tình cũng khó có thể từ bỏ duy trì một mức độ áp lực nào đó đối với Chính phủ Pháp.
Ông Antoine Bristielle, người đứng đầu bộ phận bỏ phiếu tại viện nghiên cứu Fondation Jean-Jaurès, cho biết: “Ông Macron đang cố gắng tiến về phía trước, nhưng mọi người đang dậm chân tại chỗ. Khoảng 60% dân Pháp nói rằng họ không muốn tiếp tục cải cách hưu trí”.
Ông Macron nói rằng cải cách này là cần thiết để giữ cho một trong những hệ thống hưu trí hào phóng nhất thế giới công nghiệp hóa không sụp đổ.
Các khoản thanh toán lương hưu ở Pháp như một phần thu nhập trước khi nghỉ hưu cao hơn nhiều so với ở những nơi khác, và một người Pháp thường dành thời gian nghỉ hưu lâu hơn so với người ở các quốc gia OECD khác.
Các nghiệp đoàn lập luận rằng tiền để tài trợ cho hệ thống hưu trí Pháp có thể được tìm thấy ở những nơi khác.
Ông Michel Maingy, một thợ rèn đã nghỉ hưu, cho biết ông cảm thấy cuộc chiến về lương hưu đã thất bại. Mặc dù vậy, vẫn có những cuộc chiến để giành chiến thắng trong các cuộc đàm phán về điều kiện làm việc, ông nói.
“Từng chút một, chúng ta sẽ trở lại đúng hướng. Chúng ta cần phải luôn ngẩng cao đầu”, ông cho biết trước cuộc biểu tình ở thành phố Nantes, miền Tây nước Pháp.
Minh Đức (Theo Reuters, NY Times, Euronews)