Trước tình trạng bức xúc, hoang mang của người dân, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường có cuộc trao đổi nhanh với PV.
Thưa ông, vừa qua, khi nước sạch có dấu hiệu bị ô nhiễm do váng dầu, người dân hoang mang và lo lắng, nhưng công ty cổ phần đầu tư Nước sạch sông Đà không đưa ra khuyến cáo cho khách hàng. Ông có đánh giá như thế nào về trách nhiệm của phía công ty này?
Trước hết, công ty cổ phần đầu tư Nước sạch sông Đà phải tìm ra thủ phạm đã đổ trộm dầu thải.
Cần xem xét điểm đổ trộm dầu thải có thuộc phạm vi bảo vệ của nhà máy nước không? Nếu thuộc phạm vi vùng bảo vệ nhà máy nước thì chắc chắn có trách nhiệm của đơn vị này. Còn nếu không thì phải xem xét lại trách nhiệm hệ thống an ninh môi trường của khu vực, trách nhiệm của cảnh sát môi trường.
Thêm nữa, phía nhà máy nước đã thiếu nhạy bén khi báo cho chính quyền địa phương nhưng không có ngay biện pháp để ngừng việc lấy nước từ thời điểm diễn ra sự cố, dùng nước dự trữ để xử lý, cung cấp cho người dân. Nhà máy nước phải có trách nhiệm thông báo cho người dân nhưng lại không thông báo.
Vậy, thưa ông, việc công ty cổ phần đầu tư Nước sạch sông Đà xử lý ô nhiễm váng dầu bằng cách tăng hàm lượng clo khử trùng lên có phải một lựa chọn tốt nhất để xử lý không?
Theo tôi được biết, clo là chất diệt trùng. Thông thường, theo quy định, lượng clo dư (0,3 microgram/l) để trong quá trình vận chuyển sau sản xuất, nước sẽ tiếp tục được khử trùng.
Trong vụ việc này, nhà máy nước tức thời tăng hàm lượng của clo lên, có thể hạn chế được một phần ô nhiễm do váng dầu, nhưng đi kèm với lợi là hại. Khi tăng hàm lượng clo sẽ xảy ra phản ứng giữa clo và dầu, không những oxi hoá dầu mà còn tạo ra các chất độc - chất hữu cơ chứa clo, gây nhiễm độc cho nước.
Xin ông cho biết một số giải pháp để kịp thời “cứu tế” nước sạch cho người dân Thủ đô trong thời điểm hiện tại?
Tôi cho rằng, để xảy ra sự cố là một điều đáng tiếc. Nhưng nhà máy nước cần phải nhạy bén hơn trong việc xử lý sự cố, có thêm những giải pháp, chẳng hạn như công bố rộng rãi để người dân chủ động phòng tránh những vấn đề gây hại cho sức khỏe.
Đối với một số gia đình có máy lọc nước cục bộ, nếu thực hiện đúng quy trình về nguyên tắc hấp phụ, sử dụng các cột lọc hấp phụ cục bộ có thể giải quyết được vấn đề. Nếu không có máy lọc, người dân cần lựa chọn mua bình nước tinh khiết sử dụng.
Một mặt khác, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã đặt các trạm quan trắc tự động. Chúng ta cũng nên tính đến việc đặt trạm quan trắc chất lượng nước trước khi lấy nước vào xử lý.
Thêm một giải pháp nữa, tôi nghĩ đến ozon. Từ năm 1983-1984, khi tôi sang Pháp, họ đã sử dụng tác nhân ozon để khử trùng nước trong nhà máy. Ozon là chất oxi hoá mạnh, diệt trùng tốt mà an toàn cho người dân khi sử dụng dù có quá liều lượng. Vì vậy, tôi cho rằng, các nhà máy nước hiện tại của Việt Nam, ngoài sử dụng clo để diệt trùng thì nên hướng đến sử dụng các trạm ozon để khử trùng nước trước khi cung cấp cho dân.
Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội, trước mắt, công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà chưa thể súc xả, thau được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp. Do vậy, thành phố khuyến cáo người dân sử dụng nước thuộc vùng do công ty cổ phần Viwaco, công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, “chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống. Việc nấu ăn, uống tạm thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp”.
Để cung cấp kịp thời nước sạch cho người dân bị ảnh hưởng, Hà Nội bố trí các xe téc của công ty nước sạch thành phố túc trực để sẵn sàng chở nước đến cung cấp cho người dân theo nhu cầu. “Khi cần đề nghị nhân dân trong vùng ảnh hưởng điện đến số 0903.461.980 để được cung cấp”, Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội cho biết.