"Hiện nay chúng ta có 1 số loại vắc-xin đã cũ, là những vắc-xin tế bào, gây nhiều phản ứng hơn. Nhưng cũng cần phải nói, ngay cả khi có loại vắc-xin tuyệt vời rồi, là vắc-xin vô bào, vắc-xin rất mới, nhưng vẫn có khả năng gây ra phản ứng. Vì vậy đừng bao giờ hy vọng có một loại vắc-xin nào tuyệt đối hoàn toàn" - PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Sức khỏe cộng đồng cho biết.
Liên quan đến vụ việc 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B mới đây tại Đà Nẵng, cũng như công tác tiêm chủng mở rộng trong thời gian vừa qua, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Sức khỏe cộng đồng.
PV: Dư luận vô cùng lo lắng trước vụ việc 3 trẻ tại Quảng Trị tử vong chỉ sau 24 giờ tiêm vắc-xin viêm gan B. Từng có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tiêm chủng, ông có đánh giá gì về vụ việc này?
PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển: Trước hết, tôi muốn gửi lời chia buồn đến các gia đình có trẻ tử vong và lời chia buồn với người y tá đã tiêm cho 3 cháu. Bởi vì có lẽ nhiều người chưa hiểu tâm trạng và áp lực đang đè nặng lên người y tá này.
Về kết luận của Bộ Y tế, 3 trẻ này tử vong do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân, thì chúng ta cần phải tôn trọng kết luận này. Vì chúng ta là những người đang đứng ở đây, còn kết luận của Bộ Y tế là từ những cán bộ đã làm việc trực tiếp tại nơi đó.
3 trường hợp tử vong này, theo quan điểm của tôi là một chùm ca phản ứng, tức là xảy ra cùng một nơi, trong cùng một thời điểm, bởi cùng 1 loại vắc-xin và có số lượng nhiều trẻ.
Trước chùm ca phản ứng này, điều mà tôi thấy là kết luận của các cán bộ điều tra có thể loại trừ một số nguyên nhân, ví dụ như do cơ địa là khả năng không cao vì các cháu sinh ra đều khỏe mạnh. Có thể loại trừ được sự trùng hợp ngẫu nhiên đối với các bệnh bẩm sinh vì trường hợp này xảy ra với cả 3 cháu.
Như vậy, kết luận sốc phản vệ bằng những chứng cứ khoa học của những xét nghiệm kiểm chứng là rất rõ ràng. Còn cụ thể sốc do cái gì thì tôi cho rằng phải có thời gian theo dõi, cần có thời gian đánh giá.
|
Đừng bao giờ hy vọng có một loại vắc-xin nào tuyệt đối hoàn toàn |
PV: Bước đầu, một số chuyên gia y tế nghĩ đến giả thuyết có thể trong mũi thuốc tiêm cho 3 trẻ có chất lạ dẫn đến tình trạng trẻ bị sốc phản vệ với những triệu chứng rất giống nhau, như: tím tái, khó thở, lịm đi trong vòng 10 phút sau tiêm?
PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển: Tôi không muốn bình luận về điều này, khi nào có báo cáo chính thức được công bố từ phía Bộ Y tế thì tôi sẽ đề cập đến vấn đề này sau.
Nước ta nghèo nên phải chịu
PV: Trong vài năm trở lại đây, đã xảy ra rất nhiều vụ việc trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc-xin, từ vắc-xin Quinvaxem, BDG đến vắc-xin viêm gan B khiến 3 trẻ tử vong vừa qua. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển: Theo như báo cáo của thế giới, vắc-xin viêm gan B là loại vắc-xin an toàn. Cũng chính vì an toàn nên Việt Nam mới đề xuất việc tiêm ngay sau khi sinh.
Tuy nhiên, 3 trường hợp tử vong tại Quảng Trị chưa thể coi là bằng chứng để nói rằng vắc-xin an toàn hay không an toàn, lành tính hay không lành tính. Tôi cho rằng cần chờ đến khi có kết luận cuối cùng về nguyên nhân của sốc phản vệ. Vì sốc phản vệ có rất nhiều nguyên nhân, không chỉ có 1 nguyên nhân.
Hiện nay chúng ta có 1 số loại vắc-xin đã cũ, là những vắc-xin tế bào, gây nhiều phản ứng hơn. Nhưng cũng cần phải nói, ngay cả khi có loại vắc-xin tuyệt vời rồi, là vắc-xin vô bào, vắc-xin rất mới, nhưng vẫn có khả năng gây ra phản ứng. Vì vậy đừng bao giờ hy vọng có một loại vắc-xin nào tuyệt đối hoàn toàn. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để sự rủi ro là thấp nhất, có thể chấp nhận được.
Còn nói về vắc-xin Quinvaxem cần phải biết rằng, ngay cả bản thân nước sản xuất ra nó là Hàn Quốc, họ cũng không sử dụng loại vắc-xin này. Họ chỉ bán cho các nước khác, còn tại nước của họ, người dân sử dụng vắc-xin vô bào. Nước chúng ta nghèo nên chúng ta phải chịu, phải chấp nhận.
Tại sao khi xảy ra phản ứng sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem mà kết quả kiểm nghiệm vẫn an toàn? vắc-xin vẫn đủ tiêu chuẩn? Đó là vì áp dụng tiêu chuẩn của thế hệ cũ, đã từ lâu rồi, còn các tiêu chuẩn hiện nay thì khác.
PV: Theo như ông nói thì dường như chúng ta đã lường trước được việc sẽ xảy ra hậu quả xấu sau khi tiêm, nhưng tại sao vẫn liên tục để xảy ra vụ việc đau lòng này?
PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển: Như tôi đã nói, vắc-xin cũng như các thuốc dùng trong điều trị, đều có thể gây ra những phản ứng không mong muốn khi sử dụng, đấy là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên tỷ lệ phản ứng, đặc biệt là các trường hợp phản ứng nặng và tử vong sau khi tiêm vắc-xin trong thời gian qua đã gây nhiều bức xúc trong xã hội. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng đều chỉ ra rằng chưa có dấu hiệu liên quan tới chất lượng vắc-xin.
Tuy nhiên cần phải nhìn nhận thực tế rằng vắc-xin cũng đã gây ra nhiều trường hợp phản ứng nặng, sốc phản vệ được cứu sống nhờ can thiệp hiệu quả và kịp thời. Và đó là những tín hiệu để chúng ta cân nhắc thận trọng hơn về an toàn tiêm chủng.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo Đất Việt