Nuôi cá bè ở ống xả thải nhà máy giấy để cán bộ ăn: Cá chết thì sao?

Nuôi cá bè ở ống xả thải nhà máy giấy để cán bộ ăn: Cá chết thì sao?

Trịnh Thị Bảo Trang

Trịnh Thị Bảo Trang

Thứ 5, 06/04/2017 11:09

Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết đã giao ngành thủy sản tham mưu triển khai nuôi cá gần ống xả thải của nhà máy giấy để giám sát môi trường.

Nếu như ngày xưa, cụ Nguyễn Công Trứ có mong ước rằng “Kiếp sau xin chớ làm người” thì ngày nay, tôi lại nghĩ rằng kiếp sau làm gì cũng được chứ đừng làm con cá.

Suốt từ những tháng đầu năm 2016 đến nay, “cá” luôn là từ khóa được quan tâm và tìm kiếm khá nhiều. Nhưng cay đắng thay, đi liền với “cá” luôn là những từ, cụm từ khiến người ta phải đau lòng như “chết”, “chết trắng”, “chết hàng loạt”… vì những vấn đề môi trường và cụ thể hơn là vì nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt…

Cứ tưởng sang đến năm 2017, phận cá sẽ “sáng sủa” hơn. Nhưng có lẽ tôi đã nhầm. Cá – từ những nạn nhân đáng thương của môi trường nay bỗng trở thành một công cụ bất đắc dĩ để đo mức độ ô nhiễm của nguồn nước.

Xi nhan Trái Phải - Nuôi cá bè ở ống xả thải nhà máy giấy để cán bộ ăn: Cá chết thì sao?

 Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam thừa nhận gây ô nhiễm khi vận hành thử nghiệm. Ảnh: Dân trí. 

Câu chuyện tưởng đùa mà thật đó đã xảy ra ở tỉnh Hậu Giang khi Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam được xây dựng ở tỉnh này với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Trớ trêu thay, quy mô xây dựng, sản xuất lại không tỉ lệ thuận với mức độ hài lòng của người dân những vùng lân cận.

Ngay sau khi nhà máy vận hành thử nghiệm, tiếng ồn, bụi bặm, mùi hôi thối và nước thải khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc và lo lắng. Hình ảnh những người dân khi đi ngủ phải đeo khẩu trang cho đỡ bụi và hôi đã là minh chứng rõ nét cho sự ảnh hưởng tiêu cực của nhà máy đến đời sống của họ và môi trường xung quanh.

Để giải quyết những băn khoăn đó, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang nói rằng sẽ cho triển khai nuôi cá ngay gần ống xả thải của nhà máy giấy để cán bộ nhà máy có cá ăn. Đồng thời, ông cũng cho rằng việc nuôi cá này là cách giám sát nước thải của nhà máy hay nhất. Vì nếu nước ô nhiễm thì cá sẽ chết và ngược lại.

Việc lấy cá để giám sát môi trường của tỉnh Hậu Giang đã thể hiện được sự linh hoạt, nhạy bén của cán bộ các cấp nơi đây. Nhìn lại “thảm họa môi trường Formosa” hay vụ “cá chết hàng loạt tại Hồ Tây”, nếu như không có những chú cá phơi bụng trắng ởn trên mặt nước thì chúng ta đâu biết được nguồn nước đã bị ô nhiễm đến mức nào. Bởi những chỉ số đo lường, những con số trên giấy tờ có thể biết nói dối còn loài cá thì không.

Không những thế, việc “nuôi cá ở gần ống xả thải để cho các cán bộ nhà máy ăn” có thể là chiến lược “rung cây dọa khỉ” để những cán bộ tại nhà máy đó có trách nhiệm hơn với việc giám sát, xử lý nước thải của nhà máy. Nếu các cán bộ đó lơ là công việc, đồng nghĩa với việc họ đang chơi đùa, đang mạo hiểm với sức khỏe, thậm chí tính mạng của mình.

Và “chiến lược” này sẽ hoàn hảo hơn nếu như tỉnh cắt cử một người khách quan giám sát việc “ăn cá” của các cán bộ nhà máy. Bởi nuôi cá để ăn là một việc còn có ăn đúng con cá đã nuôi ở ống xả thải hay không lại là việc khác.

Tuy nhiên, dù “sáng kiến” đó có được khen ngợi thế nào thì trong suy nghĩ của những kẻ thích phản biện luôn hiện lên những câu hỏi trăn trở mà có lẽ chỉ thời gian mới có khả năng trả lời chính xác, khách quan và đầy đủ nhất.

Đó là: Nếu cá chết thì sao?

Bảo Trang

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.