Đổ xô nuôi chồn nhung đen
Thời gian vừa qua, nhiều người nông dân đổ xô đi tìm mua và nuôi một loại vật ngoại lai có tên là chồn nhung đen. Chỉ cần gõ cụm từ "chồn nhung đen" trên công cụ tìm kiểm của Google sẽ cho bạn 1.600.000 kết quả chỉ trong vòng 0,3 giây. Con số đó ít nhiều nói lên độ "hot" của loài vật này. Theo quảng cáo của nhiều người bán giống, đây là loại vật nuôi hứa hẹn giúp người nông dân có thể thoát nghèo, vì dễ nuôi, đầu tư thức ăn không tốn kém... Thậm chí, ở một số địa phương, việc nuôi chồn nhung đen còn được một số cá nhân bán giống theo mô hình đa cấp. Giá bán một cặp lúc cao điểm lên đến 4-5 triệu đồng…
Chúng tôi tìm đến một người chuyên bán chồn nhung đen giống ở xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội). Bước vào khu chăn nuôi chồn nhung đen của người chủ tên Thắng, nhìn khá đơn giản với những lồng sắt nhỏ. Loại động vật có hình dáng giống chuột đồng nhưng kích thước to hơn, lông đen tuyền và đôi mắt to, hiền lành; nói chung là trông rất đáng yêu, dễ mến hơn loài chuột. Những bó cỏ nhỏ là thực phẩm chính của loại vật nuôi này.
Theo lời giới thiệu của người bán, hiện tại anh là người duy nhất ở địa phương cung cấp giống chồn nhung đen. Giá chồn nhung đen giống mà anh bán đến tay người nuôi là 1,2 triệu đồng/cặp chuẩn bị sinh sản, 800.000 đồng/cặp chưa sinh sản. Anh Thắng cũng khẳng định, hiện tại anh chủ yếu bán giống, còn thịt thành phẩm chủ yếu cung cấp cho một vài nhà hàng quanh khu vực huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
Chồn nhung đen đang được nhiều nông dân tìm mua giống
Thời gian vừa qua, giá trị dinh dưỡng của thịt loài vật này được đồn thổi lên cao trào, khi cho rằng có chứa loại protein là chất kháng ung thư. Với ưu điểm dễ nuôi hơn cả nuôi lợn, nuôi gà, chồn nhung đen trở thành một hiện tượng khiến giới săn của lạ tò mò muốn biết.
PGS.TS Bùi Hữu Đoàn (Phó trưởng khoa Chăn nuôi, ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho biết: "Chồn nhung đen" là tên của một loài gặm nhấm do kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Hữu Lộc đặt cho một loài vật khi ông mang chúng từ nước ngoài về. Loài này có rất nhiều tên: Cavia porcellus; Cavy; Guine Pig; trong tiếng Trung gọi là hắc thốn, hắc đồn... Trong "Từ điển sinh học" tiếng Việt, loài này còn được gọi là "Cavy". Đây là loài gặm nhấm do con người lai tạo giữa các loài có trong tự nhiên ở Nam Mỹ như là Cavia aperea, C. fulgida, hoặc C. tschudii... chúng không phải động vật hoang dã. Có lẽ vì thế mà nó có nhiều tên và chưa có danh pháp khoa học thống nhất. Theo một số người thì con vật này có ngoại hình giống chuột Cuba…
Nguy cơ nạn "ốc bươu vàng" thứ hai?
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, thời gian vừa qua, chồn nhung đen phần lớn nhập về Việt Nam bằng đường tiểu ngạch từ Trung Quốc qua các tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, Lào Cai. Hầu hết chúng đều không được kiểm dịch, các cơ quan kiểm lâm địa phương cũng không quản lý các con vật này vì chúng không nằm trong nhóm động vật hoang dã quý hiếm hay trong danh sách đỏ. Khả năng sinh sản của chúng khá nhanh (như chuột) vì sau khi sinh, 5 phút là chúng có thể giao phối lại và thời gian mang thai, sinh sản ngắn (2 tháng), mỗi lần sinh từ 2- 3 con.
Trong quá trình vận chuyển những con trưởng thành vẫn có thể giao phối cận huyết với nhau vì chúng được nhốt trong các thùng nhựa (chồn con sinh ra sẽ có đốm bạc ở lông, chết sau khi sinh...). Đặc biệt, theo tìm hiểu của PV, hiện tại việc bán chồn thịt có giá 350.000 - 400.000 đồng/kg, chủ yếu là cung cấp cho các nhà hàng nhỏ lẻ, chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra thu mua bao tiêu sản phẩm thịt chồn nhung đen.
Khác với sự hào hứng của nhiều người mới tìm hiểu về chồn nhung đen, những người từng nuôi loại vật nuôi này thời gian dài lại nghi ngờ về khả năng làm loại vật nuôi điển hình để thoát nghèo. Anh Lê Đức Chín (xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), người đã nuôi chồn nhung đen bắt đầu từ những năm 2008 cho biết: "Tôi đã từng nuôi và cung cấp giống vật nuôi này từ những ngày chúng mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Quả thực, lúc bắt đầu nuôi, tôi cũng rất kỳ vọng vào con vật này. Chúng rất dễ nuôi, thức ăn đơn giản, chuồng trại không phức tạp, chi phí nhân công không cao...".
Cũng theo anh Chín, trong quá trình nuôi, anh nhận thấy có khá nhiều điểm khác lạ. Giá con giống rất cao, tới 800.000 - 1.200.000 đồng/cặp, đầu ra chưa có ai bao tiêu, các trang rao vặt trên mạng và những người nuôi toàn bán giống, chứ không có ai đứng ra nhận thu gom và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Đặc biệt, vấn đề kiểm dịch chúng khi vào Việt Nam gần như là không có. Đầu ra cho sản phẩm rất mù mịt.
"Đặc biệt, nguy cơ về ảnh hưởng của chúng với môi trường xung quanh rất khó lường. Nếu chẳng may chúng lọt ra ngoài đồng thì khả năng phá hoại của chúng đến đâu? Chưa có một cơ quan nào đưa ra đánh giá. Tôi lo lắng khi nghĩ đến những nguy cơ "ốc bươu vàng", "hải ly" từng du nhập từ Trung Quốc về Việt Nam trước đây. Chính vì thế, tôi đã ngừng bán giống cho các hộ nông dân" - anh Chín nói.
PGS.TS Bùi Hữu Đoàn cho rằng, trước thực trạng hàng ngàn hộ nông dân đổ xô nuôi chồn nhung đen, cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị sở NN&PTNT các tỉnh, thành kiểm soát việc nuôi và phát tán chồn nhung đen. Theo đó, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng cục Chăn nuôi khẳng định, chồn nhung đen hiện nay chưa có tên trong danh sách các vật nuôi nông nghiệp, không rõ nguồn gốc và chưa có kết quả khảo nghiệm của các cơ quan chuyên môn báo cáo về bộ NN&PTNT, chưa có đánh giá mặt tích cực cũng như tác hại của con vật này (lây lan dịch bệnh, sự phá hoại mùa màng); ngoài ra cũng chưa có căn cứ kết luận về giá trị dinh dưỡng và chất lượng thịt của vật nuôi này.
PGS.TS Bùi Hữu Đoàn cho rằng: "Nếu nuôi làm cảnh, người ta phải chú ý một số tiêu chí quan trọng của vật nuôi như ngoại hình, màu lông đẹp và lạ mắt, trí thông minh, sự khôn khéo... Nếu nuôi để ăn thịt thì phải quan tâm khả năng tăng trọng lượng nhanh, dễ nuôi, tiêu tốn ít thức ăn, thịt ngon, bổ, dễ bán; sinh sản nhanh (để dễ tái tạo đàn). Cả ba khía cạnh trên, chồn nhung đen đều không có gì nổi trội. Bộ lông nhung đen và tính tình hiền lành, ăn cỏ là chủ yếu... không thể là một loại "thú cưng". Đặc biệt, chúng tăng chậm, nuôi 3-4 tháng mới được 0,6-0,8kg.
Trong quá trình làm thịt, tỷ lệ hao hụt rất lớn, phần thân thịt chỉ còn khoảng 50-55%. Chất lượng thịt không có gì đặc biệt, thậm chí có người đánh giá còn kém thịt gà, thịt thỏ. Khả năng sinh sản không cao, thua xa so với loài thỏ - một loài gặm nhấm tương tự. Một số hộ chăn nuôi còn cho rằng, loài này khó đẻ và đẻ kém. Rõ ràng, với thực tế đó thì người chăn nuôi không nên kỳ vọng quá lớn vào loài này".
Không nên mua bán con giống qua mô hình đa cấp Theo PGS.TS Bùi Hữu Đoàn (Phó trưởng khoa Chăn nuôi, ĐH Nông nghiệp Hà Nội), để đề phòng các rủi ro từ việc chăn nuôi chồn nhung đen, các cơ quan chức năng nên tuyên truyền cho người dân hiểu được mặt tiêu cực từ việc tự phát nuôi khi chưa có kết quả khảo nghiệm của cơ quan chuyên môn. Nếu người dân muốn nuôi thử loài vật này thì nên mua con giống ở những cơ sở có uy tín với giá phải chăng, tuyệt đối không tham gia vào việc mua bán thông qua các mô hình đa cấp để tránh rủi ro không đáng có. |
Hoàng Mai