Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao
Tận dụng lợi thế có diện tích đồng ruộng rộng lớn, hệ thống kênh mương, ao hồ đa dạng, nhiều năm nay, không ít hộ dân trên địa bàn xã Buôn Triết (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) phát triển nghề nuôi vịt với quy mô lớn. Từ đó, không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn giúp nhiều hộ dân cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Là một trong những hộ chăn nuôi vịt quy mô lớn, anh Nguyễn Văn Tải (SN 1981, trú tại buôn Tung 2, xã Buôn Triết) đã biến những cánh đồng lúa sau khi thu hoạch của gia đình thành nơi chăn thả cho đàn vịt gần 2.000 con.
Anh Tải chia sẻ với Người Đưa Tin: "Trước đây, gia đình tôi chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa trên diện tích 4ha. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, tôi quyết định tận dụng diện tích đất lúa sau thu hoạch để chăn nuôi vịt, nhằm tạo công ăn việc làm những lúc nông nhàn và tăng thu nhập cho gia đình".
Gia đình anh Tải mua vịt đẻ từ các trại với giá 90.000-110.000 đồng/con để chăn nuôi lấy trứng. Sau mỗi vụ lúa Đông Xuân (khoảng tháng 4), anh thả vịt ra đồng để kiếm thức ăn tự nhiên. Anh cũng thỏa thuận mua đất từ các chủ ruộng xung quanh sau thu hoạch lúa với giá 1 triệu đồng/ha để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vịt, giúp chúng phát triển khỏe mạnh và chất lượng hơn.
Với việc chăn nuôi vịt thả đồng, gia đình anh Tải không chỉ tiết kiệm được chi phí thức ăn mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh lý giải: "Nếu nuôi nhốt, tôi phải tốn khoảng 3 tạ cám mỗi ngày, tức hơn 2,9 triệu đồng. Nhưng khi chăn thả ngoài ruộng, chi phí cám giảm được một nửa".
Vào mùa khô, đàn vịt của gia đình anh Tải được nuôi nhốt trong chuồng trại. Mỗi ngày, anh thu hoạch khoảng 1.460 quả trứng. Với giá bán trứng hiện nay là 2.400 đồng/quả, giúp gia đình anh mang về doanh thu hơn 3,5 triệu đồng/ngày.
Sau một năm nuôi lấy trứng, gia đình anh sẽ bán đàn vịt cho thương lái để chế biến thịt. Theo anh Tải, loại vịt này do thường xuyên vận động nên thịt săn chắc và thơm ngon hơn so với vịt nuôi bằng cám tổng hợp, giúp anh bán được với giá từ 40.000-60.000 đồng mỗi con.
Tổng doanh thu từ đàn vịt của gia đình anh lên đến gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Sau khi trừ chi phí, anh Tải thu về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng từ việc nuôi vịt.
Cách nhà anh Tải không xa, trang trại nuôi vịt của gia đình anh Nguyễn Duy Hà (trú tại buôn Tung 2) nuôi đến 5.000 con.
Sau khi thu hoạch 7ha lúa vụ Đông Xuân, gia đình anh Hà tận dụng nguồn lúa rụng dưới ruộng để thả đàn vịt ra đồng trong khoảng thời gian từ 2-5 tháng mỗi năm (tùy vào nước lên xuống). Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và phòng dịch bệnh tốt nên mỗi ngày, gia đình anh thu khoảng 3.800 quả trứng vịt.
Theo anh Hà, nuôi vịt chạy đồng, ngoài việc giảm chi phí chăn nuôi thì trứng có lòng đỏ đậm và béo bùi hơn trứng vịt nuôi nhốt, cho ăn cám. Đồng thời, đàn vịt chạy đồng cũng giúp diệt bớt ốc bươu vàng phá hại mùa màng, vừa giúp bổ sung chất hữu cơ cho đồng ruộng và tiêu diệt các loại côn trùng trên đồng ruộng sau vụ mùa.
Với việc đầu tư chuồng trại bài bản, mỗi năm anh Hà đạt doanh thu khoảng 3 tỷ đồng từ đàn vịt. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư và chăm sóc, gia đình anh mang về lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng mỗi năm. Với nguồn thu nhập ổn định này, cuộc sống của gia đình ngày càng được cải thiện.
Nhiều hộ dân vươn lên làm giàu
Bên cạnh những thuận lợi, việc chăn nuôi vịt cũng đặt ra không ít thách thức.
Anh Tải cho biết: "Nuôi vịt không khó nhưng dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tả. Vì vậy, tôi luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và tiêm vắc-xin định kỳ 3-6 tháng/lần. Chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng để tăng cường sức đề kháng và giảm rủi ro cho đàn vịt".
Còn theo anh Nguyễn Duy Hà, thời gian qua thị trường tiêu thụ trứng vịt đang gặp nhiều khó khăn do giá cả bấp bênh.
"Những ngày thường, giá trứng vịt thường dao động từ 2.400-2.800 đồng/quả. Tuy nhiên, khoảng một tháng trước Tết Nguyên đán, giá lại hạ xuống, có lúc chỉ còn 1.900 đồng/quả", anh Hà cho biết.
Để giảm thiểu những rủi ro trong chăn nuôi, hầu hết các trang trại chăn nuôi vịt tại Buôn Triết đã thiết lập liên kết với các đại lý, doanh nghiệp. Quá trình liên kết, các trang trại không chỉ được cung cấp thức ăn với giá gốc, mà còn được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là bao tiêu đầu ra. Từ đó, giúp nông dân chăn nuôi vịt giảm bớt áp lực tài chính.
Theo ghi nhận, nhiều trang trại tại xã Buôn Triết đã xây dựng hệ thống chứa nước thải và phân vịt để phục vụ cho sản xuất lúa và cà phê. Đây không chỉ là một cách để giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn là một biện pháp thông minh để tận dụng tài nguyên sẵn có.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết, cho biết xã có hơn 2.200ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 2.100ha là đất lúa.
Từ nhiều năm nay, người dân đã phát triển chăn nuôi vịt, kết hợp chăn nuôi trang trại và chăn thả trên đất lúa sau thu hoạch. Hiện xã có hơn 30 hộ nuôi vịt, tổng đàn gần 10.000 con, trong đó 4 trang trại lớn nuôi từ 3.000-4.000 con.
Năm 2024, xã Buôn Triết cung cấp khoảng 60.000 trứng vịt cho thị trường. Trong thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng sản phẩm trứng vịt trên địa bàn thành sản phẩm OCOP để từng bước đưa thương hiệu trứng vịt của xã Buôn Triết vươn xa hơn trên thị trường.
Khánh Ngọc