Làm giàu bằng cách chăn nuôi cá
Với mô hình nuôi thủy sản xen ghép tôm thẻ, tôm sú, cua, cá dìa, cá đối và kinh doanh vật tư nuôi thủy sản, anh Trương Ngọc Nhật ở tỉnh Thừa Thiên-Huế có doanh thu ấn tượng 23 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, anh vinh dự là một trong 63 nông dân trên cả nước được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".
Nông dân Trương Ngọc Nhật nổi tiếng ở địa phương không chỉ vì làm kinh tế giỏi mà còn bởi anh có tấm lòng nhân ái, luôn đi đầu trong việc hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn vươn lên.
Nhờ chịu khó làm ăn và không ngần ngại xuống tiền đầu tư, anh Nhật hiện sở hữu đến 30 hồ nuôi thủy sản theo hình thức nuôi xen ghép các loại như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá dìa, cá đối, cua biển cho hiệu quả kinh tế cao.
Tiết lộ về quá trình khởi nghiệp nuôi trang trại cá, anh Nhật cho hay, sau khi xuất ngũ, anh Nhật lập gia đình với hai bàn tay trắng. 0,3ha ao hồ nuôi trồng thủy sản thường xuyên xảy ra dịch bệnh, cuộc sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn.
Thuở ban đầu khởi nghiệp không được khả quan, bế tắc trong phát triển kinh tế nên có thời điểm anh lặn lội vào vùng đất Tây Nguyên làm rẫy. Nhưng rồi khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương đã thôi thúc anh trở về khởi nghiệp bằng chính nghề nuôi trồng thủy sản mà anh đã từng thất bại.
"Ở xã Phú Gia lúc bấy giờ, tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản rất lớn, nhưng để thành công phải có hướng đi mới để vừa đạt năng suất cao vừa không bị dịch bệnh.
Muốn vậy phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng một cách bài bản, chặt chẽ. Xác định như vậy nên tôi tập trung học hỏi các kiến thức khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản từ các mô hình thực tế cũng như qua các tài liệu, sách vở để xây dựng mô hình nuôi hiệu quả", anh Nhật chia sẻ với báo Dân Việt.
Mỗi năm, anh Trương Ngọc Nhật thu hoạch 10 tấn tôm chân trắng, 5 tấn tôm sú, 54 tấn cá dìa, 30 tấn cá đối, chưa kể lượng lớn cua biển nuôi theo hình thức xen ghép. Ở địa phương, nhiều người ví anh Nhật "nuôi lung tung" mà thu tiền tỷ.
Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm thực tế, anh Nhật còn "gặp thời" khi được các cấp Hội Nông dân và cơ quan khuyến nông hỗ trợ phát triển mô hình nuôi thủy sản xen ghép.
Mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá được anh chú trọng từ khâu xử lý môi trường, chọn con giống, thức ăn, cho đến hệ thống chứa nước cấp dự trữ nên cho năng suất cao và không xảy ra dịch bệnh.
Từ thành công với mô hình ban đầu, anh Nhật tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô diện tích hồ nuôi xen ghép. Anh hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để ứng dụng công nghệ tiên tiến vào phát triển nuôi xen ghép.
Với suy nghĩ muốn phát triển bền vững phải không ngừng học hỏi, nên năm nào anh cũng tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức ở trong và ngoài nước.
Mở rộng diện tích hồ nuôi qua từng năm, đến nay, anh Nhật đã sở hữu 35 hồ nuôi thủy sản xen ghép, bình quân mỗi hồ nuôi rộng từ 3.000 đến 5.000m2.
Nhiều năm vất vả với nghề, anh Nhật sở hữu 30 hồ nuôi, số hồ nuôi còn lại nằm ở ngoài xã. Hằng năm, anh thả nuôi khoảng 100 triệu con tôm chân trắng, 10 vạn con tôm sú, 10 vạn con cua, 120 vạn con cá dìa, 10 vạn con cá đối.
"Với quy mô diện tích lớn nên hiện mỗi năm tôi thu hoạch 10 tấn tôm chân trắng, 5 tấn tôm sú, 54 tấn cá dìa, 30 tấn cá đối, chưa kể lượng lớn cua. Doanh thu đạt được từ mô hình nuôi xen ghép là 11 tỷ đồng, lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm", anh Nhật chia sẻ khi dẫn PV tham quan các hồ nuôi trải dài hút tầm mắt của gia đình anh nằm bên phá Tam Giang.
Thành công của mô hình nuôi thủy sản xen ghép của anh Nhật đã mở ra hướng đi mới hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở xã Phú Gia cũng như huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Trước việc mô hình nuôi xen ghép ngày càng lan tỏa, nhu cầu vật tư phục vụ nuôi xen ghép ngày càng lớn, anh Nhật đứng ra mở đại lý cung ứng vật tư, con giống thủy sản cho người dân.
Hiện mỗi năm đại lý cung ứng vật tư, con giống thủy sản của anh Nhật có doanh thu 12 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đạt lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng. Như vậy, tổng doanh thu của gia đình anh hiện mỗi năm đạt 23 tỷ đồng, tổng lợi nhuận mỗi năm đạt 2,35 tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Nhật còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, mô hình kinh tế của anh còn tạo việc làm thời vụ cho 40 lao động.
Nhờ những thành tích có được, anh được Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khen thưởng danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2016 – 2019", UBND huyện Phú Vang khen thưởng danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2022", cùng nhiều giấy khen của Hội Nông dân huyện và UBND xã.
Đặc biệt, năm 2024, anh là một trong 63 nông dân trên cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".
Hướng đi bền vững cho nghề nuôi trồng thủy sản
Thời gian qua có không ít nông dân thành công nhờ chăn nuôi cá. Tương tự anh Nhật, anh Đỗ Văn Được ở Quảng Ngãi có lợi nhuận tiền tỷ.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá mú, ông Đỗ Văn Được đang sở hữu 40 lồng nuôi cá mú tại vùng cửa biển Sa Huỳnh, trong đó số nuôi cá bột (cá giống con) là 15 lồng, nuôi thương phẩm là 25 lồng. Bình quân mỗi lồng nuôi khoảng 500-600 con cá.
Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi cá với báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Được cho biết, ông từng là người thu mua và cung cấp tôm hùm nhí cho người dân ở tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Sau một thời gian nuôi, ông nhận thấy đầu ra của tôm hùm nhí không ổn định, nếu thị trường giảm sức mua, người nuôi sẽ phải bán đổ bán tháo. Ông Được muốn tìm một hướng đi bền vững cho nghề nuôi trồng thủy sản tại vùng cửa biển Sa Huỳnh.
Ông Đỗ Văn Được là 1 trong 6 nông dân tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi nhận bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, giai đoạn 2017-2022.
Trúc Chi (t/h)