Trong cái khó, ló cái khôn
Cũng như phần lớn nông dân vùng biên viễn huyện biên giới Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), ông Nguyễn Văn Chào, sinh năm 1974, (xã Thông Bình) khởi nghiệp với nghề nuôi bò thịt.
Tận dụng vùng đất hoang ven biên, ông khai thác cỏ làm thức ăn cho bò. Nhờ chăm chỉ, ông "ăn nên làm ra". Đến năm 2004, ông trở thành "ông chủ" khi sở hữu đàn bò lên đến gần 200 con. Thế rồi, ông như rơi vào bế tắc trước nguồn chất thải từ đàn bò.
"Lượng chất thải mỗi ngày rất lớn, kéo theo nạn ô nhiễm", ông Chào bồi hồi nhớ lại thời khắc đầy gian khó. Bởi ở vùng giáp biên như Thông Bình không dễ dàng để bán phân bò như nhiều nơi…
Trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, ông vớ được chiếc "phao". Trong lần trò chuyện với ông Hồ Văn Lý - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng, ông được gợi ý về việc dùng phân bò nuôi trùn quế lấy phân… Và cũng từ đây, ông bước lên thành chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đi đến thành công là cả chặng đường đầy gian nan, thách thức. Xuất thân từ nông dân, nên ông Chào gặp không ít khó khăn khi khởi nghiệp.
Theo báo Lao Động, cuối năm 2015, ông xây dựng 500 m2 chuồng trại chuyên dụng nuôi trùn quế (còn gọi là giun quế, giun đỏ).
Giai đoạn đầu, do chưa am hiểu về đặc tính sinh trưởng của trùn quế nên có những thời điểm trùn quế trong trại của ông Chào hao hụt từ 90 - 95%, vốn đầu tư lần lượt "đội nón" ra đi. Thất bại nhiều lần nhưng ông không bỏ cuộc, rút tỉa kinh nghiệm dần về cách thức nuôi trùn quế.
Khi nắm vững kỹ thuật nuôi trùn quế, ông mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại nuôi trùn quế. Từ chỗ chỉ nuôi một vài chuồng nhỏ lẻ, trang trại nuôi trùn quế của ông Chào được mở rộng đến trên 3,5ha.
Bên cạnh trang trại trùn quế của gia đình, ông còn liên kết với hơn 10 hộ dân và một số trang trại vệ tinh ở nhiều nơi để nhân rộng mô hình.
Với quy mô sản xuất hiện tại, trung bình mỗi tháng, ông Chào cung cấp cho thị trường khoảng 50 tấn phân trùn quế thành phẩm.
Làm giàu với sản phẩm phân hữu cơ từ trùn quế
Năm 2018, nhận thấy phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng, ông Chào mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Thành Chào (ấp Thị, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân bón hữu cơ từ trùn quế.
Từ đây, ông Chào có những nghiên cứu sâu hơn về việc phát triển các sản phẩm có liên quan đến con trùn quế phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Từ một, hai sản phẩm ra mắt thị trường giai đoạn đầu, hiện doanh nghiệp của ông có nhiều dòng sản phẩm mới được thủy phân từ trùn quế như: dịch trùn quế thủy phân sử dụng trên cây trồng, dịch trùn quế thủy phân dùng trong chăn nuôi thủy sản...
Đặc biệt, một trong những dòng sản phẩm mới được nhiều nông dân quan tâm và đánh giá cao trong thời gian gần đây là phân trùn quế dạng viên sử dụng chuyên cho cây lúa.
Theo báo Đồng Tháp, phân trùn quế viên là sản phẩm "đo ni đóng giày" dành riêng cho cây lúa mà ông Chào bỏ công nghiên cứu và thử nghiệm trong thời gian dài.
"Gắn bó với nghề nông mấy chục năm, tôi nhận thấy việc luân canh, tăng vụ liên tục trong thời gian dài là nguyên nhân khiến cho nguồn dinh dưỡng trong đất mỗi ngày cạn dần. Tôi nghĩ, nếu muốn sản xuất lúa bền vững, người nông dân có nguồn thu nhập cao hơn từ cây lúa thì nhất định phải hướng đến sản xuất theo hướng hữu cơ", ông Chào bộc bạch.
Sau thời gian mày mò, nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm phân trùn quế dạng viên, ông Chào bắt đầu khăn gói đi khắp những cánh đồng của các huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tháp Mười và một số địa bàn lân cận của tỉnh Long An để giới thiệu sản phẩm phân trùn quế.
Thời gian đầu, nhiều nông dân vẫn còn ngần ngại về tính hiệu quả của phân trùn quế. Tuy nhiên, sau khi được sự hướng dẫn chân tình, cộng với "chiến thuật" riêng của ông Chào, nhiều người bắt đầu tin tưởng và sử dụng.
Không chỉ lặn lội khắp cánh đồng để giới thiệu sản phẩm, ông Chào còn tặng sản phẩm cho những chủ ruộng có ý tưởng tiến bộ, dùng thử rồi lấy kết quả sau mùa vụ làm cơ sở thuyết phục ra diện rộng. Chiến thuật này nhanh chóng thu về hiệu quả cao.
Anh Nguyễn Tri Phương (Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng), chia sẻ: "Thoạt đầu tôi dùng thử vì thấy không tốn tiền, nhưng khi xài thấy cây lúa phát triển tốt, khỏe và ít sâu bệnh hơn so với trước đây, mà năng suất lúa vẫn cao nên quyết định áp dụng lên toàn bộ ruộng nhà".
Khi khẳng định được chỗ đứng cho sản phẩm, anh Chào không tiếp tục mở rộng vùng nuôi trùn quế mà chuyển hướng sang liên kết, bao tiêu sản phẩm với các hộ dân, để dành thời gian tập trung cho sản phẩm và thị trường.
Không chỉ dừng lại ở việc liên kết cung cấp các sản phẩm hữu cơ đầu vào, ông Chào còn "bắt tay" với một số doanh nghiệp chế biến gạo để thực hiện chuỗi sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ khép kín, giúp nông dân yên tâm gắn bó với mô hình.
Với sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng, mô hình nuôi trùn quế và sản xuất phân hữu cơ từ trùn quế đã giúp ông Chào phát triển kinh tế ổn định, doanh thu hằng năm khoảng 3 - 5 tỷ đồng.
Từ những kết quả nông dân Nguyễn Văn Chào đạt được có thể thấy rằng, việc phát triển mô hình nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tuần hoàn đang trở thành xu hướng mới, có thể giúp nông dân khai thác được tối đa những lợi ích mà chuỗi giá trị nông nghiệp mang lại, từ đó có thể làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.
Minh Hoa (t/h)