Tại buổi lễ, PGS.TS Nghiêm Ngọc Minh – đại diện ban Giám khảo thông tin: Cuộc thi với sự tham gia của 475 học sinh đến từ 34 đơn vị, bao gồm 249 dự án đăng ký ở 22 lĩnh vực. Điều này chứng minh cho sự lan toả rộng rãi của cuộc thi. Cuộc thi năm nay ở khu vực phía Bắc có 51 dự án ở lứa tuổi học sinh THCS với 100 em, và 198 dự án ở lứa tuổi THPT với sự tham gia của 375 em.
“Đối với lứa tuổi THCS, số lượng dự án cũng như số học sinh tham gia tăng so với năm trước. Các em lớp 8, 9 tuy còn nhỏ tuổi, nền tảng kiến thức được trang bị chưa bằng các anh chị cấp THPT nhưng đã sẵn sàng “so tài” bằng sự sáng tạo và năng lực của chính bản thân mình và nhiều em đã thành công”, ông Minh nói.
Chung cuộc, ban Tổ chức đã trao 124 giải, cụ thể, 13 giải Nhất, 26 giải Nhì, 38 giải Ba, 47 giải Tư. 13 giải Nhất đã được chọn đánh giá năng lực tiếng Anh để vào đội tuyển thi quốc tế.
Theo bảng thành tích, Hà Nội xếp vị trí đầu tiên khi giành 3 giải Nhất, 8 giải Nhì, 6 giải Ba, 8 giải Tư. Xếp sau là Nghệ An (9 giải); Hải Phòng (7 giải); đại học Khoa học Tự nhiên (7 giải); đại học Sư phạm (7 giải).
Ghi nhận nỗ lực trong công tác tổ chức, bộ GD&ĐT đã trao bằng khen cho 2 đơn vị là sở GD&ĐT Nghệ An và đại học Vinh. Bên cạnh đó, 105 lượt giải được nhận giải thưởng đặc biệt do các tổ chức, nhà trường, các đơn vị doanh nghiệp lựa chọn để trao giải. Nhiều học sinh nhận được học bổng và được tuyển thẳng vào các trường đại học.
Phát biểu tại lễ bế mạc, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng bộ GD&ĐT đã đánh giá cao những thành tích và nỗ lực của học sinh cũng như nhà trường trong việc đổi mới dạy và học, phát triển sáng tạo, đam mê khoa học. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã chính thức phát động cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2018-2019.
DANH SÁCH GIẢI NHẤT CUỘC THI KHOA HỌC KĨ THUẬT CẤP QUỐC GIA HỌC SINH TRUNG HỌC NĂM HỌC 2017 – 2018 KHU VỰC PHÍA BẮC
Lĩnh vực Phần mềm hệ thống:
1. Nghiên cứu kĩ thuật phát hiện mã độc dựa trên thuật toán sinh tên miền sử dụng phương pháp học máy; đơn vị: Trường THPT, đại học Khoa học tự nhiên
Lĩnh vực Robot và máy thông minh
1. Robot thí nghiệm hoá học; đơn vị: Trường THPT Hoa Lư A, sở GD&ĐT Ninh Bình.
2. Cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật sử dụng cảm biến EMG; đơn vị: Trường THPT Phù Cừ, sở GD&ĐT Hưng Yên.
Lĩnh vực Hoá sinh, Hoá học:
1. Nghiên cứu phát triển liệu pháp thực khuẩn thể nhằm thay thế kháng sinh trong điều trị vi khuẩn tụ cầu vàng; đơn vị: Trường THPT Trần Phú, sở GD&ĐT Hải Phòng.
2. Nghiên cứu, thiết kế cảm biến pH huỳnh quang dựa trên phức chất của Eu(III); đơn vị: Trường THPT, đại học Sư phạm Hà Nội.
Lĩnh vực Y sinh và khoa học sức khoẻ:
1. Nghiên cứu nồng độ các chất trung gian dẫn truyền thần kinh hệ Dopaminergic, Serotonergic trong nước tiểu và mối liên quan với biến đổi hành vi người nghiện game; đơn vị: Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, sở GD&ĐT Hà Nội.
2. Nghiên cứu khả năng bảo vệ gan và kháng thể ung thư của dịch chiết chùm ngây; Đơn vị: Trường THPT Chu Văn An, sở GD&ĐT Hà Nội.
Lĩnh vực Kĩ thuật môi trường:
1. Nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học bio-cleaner-na và thử nghiệm xử lý môi trường nhà vệ sinh trong trường học; đơn vị: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, sở GD&ĐT Nghệ An.
2. Nghiên cứu chế tạo vật liệu xử lý khí thải chống ô nhiễm môi trường; đơn vị: Trường THPT Nguyễn Tất Thành, đại học Sư phạm Hà Nội.
Lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi:
1. Học sinh Thủ đô với việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hoá khu Phố cổ; đơn vị: Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, sở GD&ĐT Hà Nội.
2. SAC – Người bạn đồng hành của trẻ tự kỷ; đơn vị: Trường THPT Trần Phú, sở GD&ĐT Hải Phòng.
Lĩnh vực Kĩ thuật cơ khí
1. Chế tạo xe lăn leo cầu thang điều khiển bằng cử chỉ của đầu, giọng nói và điện thoại thông minh; đơn vị: THPT Chuyên Bắc Ninh, sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh.
2. Hệ thống chưng cất nước mặn thành nước ngọt với kỹ thuật chân không bằng bơm thuỷ lực bởi năng lượng sóng biển; đơn vị: THPT Chuyên Phan Bội Châu, sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An.