Nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ - chìa khóa ứng phó tình hình bất định

ctv ban 2

ctv ban 2

Thứ 3, 19/10/2021 16:07

Theo JICA, việc phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết để đáp ứng những nhu cầu mới trong thế giới đầy biến động.

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả doanh nhân và doanh nghiệp đều bị buộc phải đối mặt với những thách thức và đưa ra những quyết định nhanh chóng để điều chỉnh và tồn tại trong thời điểm có nhiều biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity) như hiện nay.

Đối với người dân, trong hoàn cảnh khó khăn và nhiều thách thức như vậy, chúng ta có thể dễ dàng hình dung thế hệ trẻ đang cảm thấy bất lực và lo lắng như thế nào.

Nhiều người thấy mình đã mất đi thời gian và cơ hội để khám phá khả năng của bản thân và không thể tận hưởng cuộc sống trong thời kỳ giãn cách xã hội. Trên thực tế, nhiều lao động trẻ đã bị mất việc làm và rơi vào tình trạng khốn khó do nền kinh tế bị đình trệ.

Theo quan sát, những người có kỹ năng yếu kém và các doanh nghiệp ít đổi mới, thiếu linh hoạt thường sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Vì vậy, các trường dạy nghề và trường đại học cần trở thành môi trường để tạo cơ hội cho thế hệ trẻ trang bị cho mình tinh thần và kỹ năng kinh doanh cần thiết.

Đối thoại - Nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ - chìa khóa ứng phó tình hình bất định

Phát triển nguồn nhân lực đang đóng vai trò quan trọng để đáp ứng những nhu cầu mới trong xã hội.

Đối với doanh nghiệp, xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngày càng tăng do thực trạng xung đột thương mại trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, việc hạn chế hoạt động xã hội để ứng phó với đại dịch Covid-19 đã cho thấy những bất cập còn tồn tại trong chuỗi cung ứng. Các yếu tố để giữ chân doanh nghiệp và thu hút đầu tư đang ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng đối với Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực đang đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết để đáp ứng những nhu cầu mới, duy trì sự mạnh mẽ và kiên cường trong thế giới đầy biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ.

Đến nay, JICA đã tiến hành nhiều hình thức đào tạo và số lượng học viên người Việt tham dự các khóa đào tạo của JICA cũng lên tới 26.959 người vào năm 2020. Với quan điểm trên, JICA sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực phát triển nguồn nhân lực Việt Nam ở cả cấp tổ chức, cấp cá nhân và cấp chính quyền.

Thúc đẩy các chương trình dạy nghề

Dự án vay vốn có tên “Tăng cường Giáo dục Nghề nghiệp” do JICA phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) để nâng cấp 13 cơ sở dạy nghề (CSDN) mục tiêu.

Thông qua việc nâng cấp trang thiết bị chế tạo máy, điện và điện tử theo tiêu chuẩn và trình độ của Trường Cao đẳng Bách khoa Nhật Bản, để có thể cung cấp cho ngành công nghiệp Việt Nam nguồn lao động có tay nghề cao.

Mặc dù Dự án vẫn đang trong quá trình hình thành, ngay khi khoản vay này bắt đầu được sử dụng, JICA cũng dự kiến tiếp tục triển khai dự án hợp tác kỹ thuật mới với Bộ LĐTB&XH,  nhằm tăng cường năng lực cho các CSDN này để phát triển chương trình giảng dạy tương đương trình độ của Trường Cao đẳng Bách khoa Nhật Bản về chế tạo máy, điện và điện tử.

Cùng với đó, cải thiện kỹ năng và nâng cao năng lực của giảng viên để hướng tới đào tạo thực hành chất lượng cao. JICA kỳ vọng sự hỗ trợ này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của các CSDN và của học viên về công nghệ và kiến thức mới nhất.

Tăng cường giáo dục và đào tạo cho các lãnh đạo doanh nghiệp và thế hệ trẻ

JICA từ lâu đã hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các giai đoạn phát triển công nghiệp kể từ những năm 2000 thông qua nhiều dự án hợp tác kỹ thuật khác nhau.

Đầu tiên, phải kể đến “Dự án Phát triển nguồn nhân lực kinh doanh tại Trung tâm Hợp tác Nguồn Nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (Trung tâm VJCC)”. Dự án này cung cấp các khóa học quản lý kinh doanh theo phong cách Nhật Bản như “Keieijuku” và các khóa học kinh doanh dành cho lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Tâm VJCC ở Hà Nội và Tp.HCM (https://vjcc.org.vn)

Khóa học Keieijuku đã giới thiệu về các nguyên lý và phương pháp quản lý kinh doanh theo phong cách Nhật Bản, luôn đề cao việc coi nhân viên là tài sản, đặt khách hàng làm trọng tâm và chú trọng đến chất lượng sản phẩm & dịch vụ, xây dựng văn hóa kinh doanh dựa trên niềm tin xã hội.

Đối thoại - Nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ - chìa khóa ứng phó tình hình bất định (Hình 2).

Giáo dục khai phóng và phát triển bền vững là nguyên lý nền tảng giúp đào tạo nguồn nhân lực với tầm nhìn toàn cầu.

Mục tiêu tổng thể của khóa học là giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn và triển vọng rõ ràng hơn. Khoảng 700 học viên đến từ các doanh nghiệp Việt Nam từng tham gia Khóa học Keieijuku đã thành lập câu lạc bộ cựu học viên, phát triển thành mạng lưới kinh doanh mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Nhiều học viên đã thiết lập quan hệ hợp tác với Nhật Bản và các doanh nghiệp nước ngoài khác.

Bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao/đào tạo cấp quản lý, Trung Tâm VJCC còn khai giảng chương trình cấp bằng cử nhân “Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản (JIB)”.

Các cử nhân JIB đầu tiên đã tốt nghiệp trong tháng 9 vừa qua và chương trình này dự kiến sẽ tiếp tục tạo ra một nguồn nhân lực lớn đảm nhận những vị trí quản lý trong tương lai tại cả các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Trường Đại học Việt Nhật (VJU) - thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, được thành lập năm 2014, là biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản, đảm nhiệm sứ mệnh “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới trở thành nhà lãnh đạo, nhà quản lý và chuyên gia tại Việt Nam, Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á và thế giới”.

Trường Đại học Việt Nhật xem giáo dục khai phóng và phát triển bền vững là nguyên lý nền tảng giúp đào tạo nguồn nhân lực với tầm nhìn toàn cầu và mang lại giá trị mới cho thế giới.

JICA đã hợp tác với Việt Nam ngay từ trước khi Đại học Việt Nhật được thành lập. Dự án JICA hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị đại học tại Trường đại học Việt Nhật” đang góp phần củng cố nền tảng giáo dục, nghiên cứu và quản trị chất lượng cao cho Trường ĐH Việt Nhật.

Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng vì đại dịch Covid-19, thế hệ trẻ - những người cởi mở, biết cách ứng dụng công nghệ, tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới và dễ dàng thích ứng với lối sống mới, sẽ có thể đưa Việt Nam vươn ra thế giới.

Đối thoại - Nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ - chìa khóa ứng phó tình hình bất định (Hình 3).

Theo JICA, người Việt trẻ nếu biết cách ứng dụng công nghệ, tiếp thu kiến thức, lối sống mới sẽ có thể đưa Việt Nam vươn ra thế giới.

Với tầm nhìn này, JICA đã tiến hành “Khảo sát thu thập dữ liệu về Cơ sở hỗ trợ kỹ thuật cho đầu tư gây tác động và phát triển hệ sinh thái” tại Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia nhằm xác định tình hình hệ sinh thái toàn cầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Start-up).

Trong cuộc khảo sát này, JICA đã và đang thực hiện các dự án thí điểm hỗ trợ sản phẩm/thị trường phù hợp của hai Start-up Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ y tế tại nhà và nuôi trồng thủy sản. Kết quả của dự án thử nghiệm này rất đáng khích lệ, vì vậy JICA sẽ tiếp tục khám phá cách hỗ trợ các ngành mới nổi một cách hiệu quả nhất.

Ngoài ra, JICA sẽ bắt đầu khảo sát nâng cao năng lực thương mại điện tử cho các chủ doanh nghiệp nữ tại Việt Nam nhằm hỗ trợ phân khúc doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ Covid-19. Hiện cả nước có 200.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ. Điều này cho thấy phụ nữ đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 56% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải dừng hoạt động do giãn cách xã hội và 15,7% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có doanh thu quý giảm hơn 75% so với năm trước, trong khi tỉ lệ này ở các doanh nghiệp do nam giới làm chủ chỉ có 7,7%.

Việc phát triển các công cụ trực tuyến để duy trì hoạt động kinh doanh là rất cần thiết nhưng các chủ doanh nghiệp nữ lại thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm điều đó. Vì vậy, JICA sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để trang bị cho khoảng 600 phụ nữ kiến thức và kỹ năng cần thiết về thương mại điện tử, và một phần trong số này sẽ được hỗ trợ phát triển các công cụ tiếp thị trực tuyến.

Tài liệu đào tạo trực tuyến sẽ được soạn thảo và diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp thời 4.0” sẽ được tổ chức. Khi hợp tác kết thúc, những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị cho hợp tác trong tương lai sẽ được tổng hợp lại.

Cập nhật kiến thức cho các nhà hoạch định chính sách trẻ

JICA cũng đã có những nỗ lực lâu dài và bền bỉ để xây dựng môi trường phát triển thuận lợi cho khu vực tư nhân tại Việt Nam, bằng cách trang bị kiến ​​thức và thông tin cập nhật cho các nhà hoạch định chính sách trẻ Việt Nam thông qua Dự án Học bổng Phát triển Nguồn nhân lực (JDS).

Kể từ năm 2001, JDS đã cấp học bổng toàn phần cho hơn 700 cán bộ trẻ Việt Nam - thế hệ tương lai ​​sẽ tham gia xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội của đất nước - để tham gia đào tạo sau đại học tại Nhật Bản.

Đặc biệt, từ năm 2022, Dự án JDS sẽ bắt đầu một chương trình mới, tập trung nhiều hơn vào việc tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp.

JICA tin tưởng rằng đây là thời điểm để Việt Nam và Nhật Bản tăng cường mối quan hệ hợp tác và cùng nhau tìm ra giải pháp tốt hơn để ứng phó với đại dịch, nhằm nuôi dưỡng thế hệ trẻ vì tương lai tốt đẹp hơn. JICA sẽ cố gắng hết sức để bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức và bản lĩnh doanh nhân cho thế hệ trẻ Việt Nam - thế hệ sẽ dẫn dắt quốc gia trong một thế giới còn đầy biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ.

Ishiguro Yohei

Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)

 

Tại Việt Nam, Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018: “Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình”.

Vì vậy, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết triệt để vấn đề, các Bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc quy định này của Luật và công khai nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để ngành Giáo dục có cơ sở điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân lực; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học về hoạt động tuyển sinh theo thẩm quyền.

 
 
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.