Năm 2023, UBND Tp.Hà Tĩnh mạnh dạn đưa giống hươu sao “đặc sản” của miền núi Hương Sơn xuống phố để nuôi, nhân giống.
Có mặt tại xã Thạch Bình, Tp.Hà Tĩnh – nơi đang có 7 hộ gia đình thả nuôi 41 con hươu theo mô hình liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm nhung với Công ty SXTM Dịch vụ An Phong (Công ty An Phong). Đây là mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đầu tiên mà Tp.Hà Tĩnh xây dựng chuỗi sản xuất, bao tiêu, chế biến sâu sản phẩm từ hươu sao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven đô.
Một lãnh đạo Tp.Hà Tĩnh chia sẻ, sở dĩ TP mạnh dạn đưa hươu sao từ miền núi về đồng bằng là bởi, trải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá khí hậu và thổ nhưỡng, đặc biệt, đặc thù nhân dân vùng ven TP như xã Thạch Bình, Đồng Môn, Thạch Hạ… lâu nay vẫn đang chăn nuôi bò, lợn, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống trong khu dân cư. Bên cạnh đó, quỹ đất trồng cỏ tại các khu vực này cũng khá nhiều nên thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi hươu.
Sau quá trình triển khai mô hình nuôi huơu, hiện, các hộ nuôi tại xã Thạch Bình đã cho thu hoạch nhung, cho giá trị cao về sản phẩm nguyên nhung và nhung chế biến. Theo lộ trình, bắt đầu từ 2024, Tp.Hà Tĩnh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô liên kết với các hộ dân tại các xã, phường như Thạch Bình, Thạch Trung, Đồng Môn, Đại Nài… nhằm từng bước tạo ra chuỗi chăn nuôi hươu quy mô lớn.
Bà Lê Thị Huệ (trú thôn Tây Bắc, xã Thạch Bình) cho biết, trước đây, gia đình ông nuôi 4 con bò và 5 con lợn, thường xuyên bị dịch bệnh, giá bán bấp bênh nên hiệu quả kinh tế thu về mỗi năm chỉ đạt khoảng 15 triệu đồng. Đáng nói, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc nên thường bị hàng xóm phàn nàn gây mất đoàn kết.
Năm 2023, thông qua chính sách hỗ trợ của thành phố, gia đình ông Thành cải tạo chuồng trại, thả nuôi 4 con hươu đực, 1 con hươu cái do Công ty An Phong cung cấp. Sau một thời gian chăm sóc, đến nay gia đình đã khai thác được 3 cặp nhung với tổng trọng lượng gần 2kg. Một cặp gia đình để sử dụng, bán 2 cặp thu về trên 13 triệu đồng.
“Toàn bộ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, khai thác nhung hươu chúng tôi được cán bộ của Công ty An Phong hướng dẫn rất tỉ mỉ. Bây giờ so sánh với nuôi bò, nuôi lợn thì nuôi hươu vừa ít dịch bệnh, không hôi thối mà còn góp được một khoản tiền kha khá”, bà Huệ phấn khởi chia sẻ.
Cách nhà bà Huệ không xa, con hươu cái của gia đình ông Trần Hữu Bình, thôn Bình Yên vừa hạ sinh một hươu con khỏe mạnh, dự kiến khoảng 6 tháng nữa nếu bán giống ông Bình sẽ có trong tay hơn 10 triệu đồng.
Theo ông Bình, gia đình ông là 1 trong 7 hộ dân nằm trong diện được chính quyền địa phương hỗ trợ chuyển đổi từ nuôi bò, lợn sang chăn nuôi hươu. Từ trước đến nay, ông luôn nghĩ, hươu chỉ nuôi được ở miền núi, tuy nhiên sau khi được hỗ trợ 50% giá giống thả nuôi 5 con hươu, nhận thấy hiệu quả vượt xa kỳ vọng, ông mua thêm 5 con hươu của Công ty An Phong để nhân rộng quy mô.
“Nhà tôi quỹ đất làm chuồng trại rộng nên hươu có sân chơi để phát triển. Hơn nữa nguồn thức ăn như ngô, cỏ cũng dồi dào nên việc chuyển đổi sang nuôi hươu sao là một hướng đi rất đúng đắn”, ông Bình nói.
Ông Hồ Phúc Đồng, Giám đốc Công ty An Phong cho biết, để nhân rộng được dự án, trong tương lai, Công ty An Phong đang phối hợp Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi thành phố sử dụng đệm lót sinh học, dùng men vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi, tạo vòng tuần hoàn an toàn trong quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, chất lượng sản phẩm và bảo vệ sức khỏe.