Thu nhập "khủng" từ cá lóc
Ông Trần Kim Phi, SN 1976, ở thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, sinh ra và lớn lên trên vùng biển bãi ngang vốn nghèo khó quanh năm. Để mưu sinh, ông lặn lội vào miền Nam tìm việc.
Ông đi nhiều tỉnh thành ở miền Nam và nhận thấy mô hình nuôi cá lóc trên cát rất hiệu quả, cho thu nhập cao. Mỗi lần được tiếp cận với các hồ nuôi cá, ông liền nghĩ đến những triền cát ven biển ở quê nhà rất phù hợp với loại hình nuôi trồng này. Vì vậy, ông đã học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng ngay trên chính quê hương.
Những năm 2000, trở về với số vốn ít ỏi, ông Phi vay mượn thêm từ ngân hàng và người thân, tiến hành nuôi thử nghiệm lứa cá lóc đầu tiên trên đất cát. Ông Phi nhớ lại: “Vụ đầu tiên, tôi thả 3 ao với diện tích mỗi ao khoảng 80m2. Tận dụng nguồn cá nhỏ đi biển để làm thức ăn cho cá, sau 4 tháng tôi thu về trên 1 tấn cá. Vụ đó, trừ chi phí tôi lãi hơn 30 triệu đồng. Nhận thấy mô hình làm ăn hiệu quả nên tôi chuyển dần diện tích đất trồng cây hàng năm của gia đình sang nuôi cá lóc".
Sau nhiều năm gắn bó với mô hình này, đến nay gia đình ông Phi đã có khoảng 3ha diện tích nuôi cá lóc, với sản lượng thương phẩm đạt 100 tấn/năm.
Theo ông Phi chia sẻ, ao có diện tích mặt nước khoảng 300m2 (độ sâu từ 1-1,5m), ông thả khoảng 3 vạn cá giống. Thời gian nuôi từ 7 - 9 tháng là có thể xuất bán. Sản lượng cá lóc trung bình của mỗi hồ đạt từ 13 - 15 tấn cá thương phẩm. Giá bán dao động khoảng 50.000 đồng/kg.
Nuôi cá lóc công nghệ cao
Chỉ tay về phía hồ cá lóc, ông Phi tiết lộ rằng để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông đã áp dụng công nghệ cao trong nuôi cá. Việc này không chỉ nâng cao sản lượng mà còn hạn chế được dịch bệnh lại tạo ra giá trị cao.
Hồ nuôi cá lóc theo công nghệ cao được ông Phi xây kiên cố bằng xi măng hoặc lót bạt, đường kính khoảng 6m và nước có độ sâu từ 1-1,2 m, mỗi hồ thả chừng 1 vạn cá giống. Nước trong hồ được thay mỗi ngày. Lượng thức ăn cũng được kiểm soát tốt hơn nên cá lóc nuôi phát triển rất tốt, sản lượng đạt 2,5-3 tấn cá/hồ/6 tháng nuôi.
Theo ông Phi, lợi thế của công nghệ cao là tiết kiệm được chi phí, diện tích. Nếu đào ao đất có diện tích khoảng 300m2, với diện tích này có thể đặt được 6 hồ xi măng. Mỗi năm, người nuôi cũng không cần phải đầu tư nạo vét hồ, bơm nước. Ngoài nuôi cá lóc, hiện gia đình ông Phi còn đầu tư thêm nuôi ếch thương phẩm theo công nghệ cao.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi, ông Trần Kim Phi đã đứng ra thành lập Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thuỷ sản Kim Phi để cung ứng giống, thức ăn và thu mua toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch. Bình quân hằng năm, Hợp tác xã thu mua và tiêu thụ khoảng 3.500 tấn cá lóc, cung cấp từ 10 – 12 triệu con giống và cung ứng 3.500 tấn thức ăn cho các hộ nuôi.
"Hiện, cơ sở chăn nuôi thủy sản của gia đình tôi đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập bình quân 9.000.000 đồng/tháng và 30 - 40 lao động mùa vụ. Tổng doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ đồng, trừ đi chi phí cho lãi hơn 3 tỷ đồng", ông Trần Kim Phi cho hay.
Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, cho biết."Nông dân Trần Kim Phi ở xã Ngư Thủy Bắc là người thành công với mô hình nuôi cá lóc trên cát, ông còn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đặc biệt, ông giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn xây dựng ao hồ, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, con giống để chuyển hướng sang nuôi cá lóc, phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho lao động ở địa phương. Những thành tích đã đạt được, ông Trần Kim Phi xứng đáng là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".
Với những thành tích đạt được, ông Trần Kim Phi và Hợp tác xã đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, vừa qua, ông Trần Kim Phi được Hội đồng Bình chọn chung khảo Trung ương bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".