Huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được xem là "thủ phủ" nuôi ong lấy mật ở khu vực miền Trung. Khí hậu miền núi mát mẻ, rừng có độ che phủ lớn với nhiều loài hoa nở quanh năm tại đây rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong.
Xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, có tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng 4.700 ha. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cách đây hàng chục năm, người dân địa phương đã thuần hóa ong rừng nuôi lấy mật, trở thành nghề truyền thống mang lại thu nhập ổn định.
Theo chia sẻ của nhiều người, nghề nuôi ong không tốn nhiều công sức, kinh phí nhưng hiệu quả mang lại khá cao. Tuy nhiên, nghề này cũng chịu nhiều rủi ro bởi ong thường bị bệnh ấu trùng, nhất là về mùa đông. Cùng với đó, con ong ưa sự yên tĩnh, môi trường mát mẻ, trong lành, nếu không khí bụi bẩn hoặc ô nhiễm chúng sẽ bay đi nơi khác.
Vì vậy, người nuôi ong luôn phải cần mẫn, thường xuyên theo dõi, chăm sóc, đặc biệt là phải cập nhật kiến thức, áp dụng kỹ thuật thì mới thành công.
Ông Đinh Xuân Khách, SN 1949, trú xã Xuân Hóa, là người có thâm niên nhất trong nghề nuôi ong ở xã Xuân Hóa. Cách đây khoảng 30 năm, ông đã thuần hóa ong rừng, đem về nuôi nhốt. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 250 đàn ong, mỗi năm cho tổng sản lượng mật khoảng 2,5 tấn trị giá hơn 350 triệu đồng.
Với kinh nghiệm nuôi ong trên 20 năm, gia đình ông Đinh Văn Thiên, cũng đang nuôi 100 tổ ong lấy mật. Trung bình mỗi năm, sản lượng mật gia đình ông thu được hơn 1 tấn, lợi nhuận khoảng 200-250 triệu đồng. Nuôi ong lấy mật là sinh kế của gia đình ông từ nhiều năm nay, cho thu nhập ổn định.
Theo ông Thiên, hàng chục năm trước, ông cũng như nhiều người dân địa phương khác chủ yếu sinh sống bằng việc khai thác mật ong trong rừng già. Công việc này vất vả, đối mặt hiểm nguy hằng ngày và cho thu nhập không ổn định.
Năm 1996, ông bắt đầu tìm tòi và học cách nuôi ong lấy mật. Tận dụng lợi thế cư ngụ ở vùng đồi núi với nhiều loại hoa rừng và đất vườn rộng, gia đình ông Thiên nuôi vài tổ ong thử nghiệm ngay trong vườn nhà. Không lâu sau, ông đã có trong tay hàng chục đàn ong mật.
Với nghề nuôi ong, người nuôi chỉ một lần làm tổ cho đàn ong với chi phí ít, lại ít tốn công sức, song đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉn chu trong từng công đoạn.
Xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa hiện có 68 hộ nuôi ong ở tất cả 7 thôn với trên 1.710 đàn ong. Đây là địa phương có nhiều hộ gia đình nuôi ong lấy mật nhất tại huyện Minh Hóa. Mỗi năm, toàn xã thu hoạch khoảng 1,7 tấn mật, giá trị tương đương khoảng 1,7 tỷ đồng. Thời gian người nuôi thu hoạch mật từ tháng 4 đến cuối tháng 6. Chu kỳ khai thác mật ong thường kéo dài 18 đến 22 ngày; mỗi lần thu hoạch, một tổ ong cho sản lượng khoảng 10 lít.
Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa, toàn huyện có hơn 6.160 đàn ong được nuôi ở 13/15 xã, thị trấn, trong đó tập trung nhiều nhất là ở các xã: Xuân Hóa, Hóa Hợp, Hồng Hóa, Hóa Phúc và thị trấn Quy Đạt. Tổng sản lượng mật thu hoạch năm 2023 là hơn 616 tấn.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Mật ong Minh Hóa". Tuy nhiên, điều mà nhiều hộ nuôi ong vẫn lo lắng là khâu tiêu thụ mật vẫn gặp khó khăn do chưa có chỉ dẫn địa lý.
Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa thông tin."Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ người dân tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi ong, đồng thời hỗ trợ kinh phí để khuyến khích phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Huyện Minh Hóa đang định hướng các địa phương cần đa dạng sản phẩm, tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu để tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường với mục tiêu sớm đưa các sản phẩm từ mật ong vào tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng nông sản trong toàn tỉnh và các địa phương trên cả nước để quảng bá thương hiệu "Mật ong Minh Hóa"; kết nối các đơn vị để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, giúp các hộ nuôi yên tâm sản xuất.