Chị Nguyễn Thị Hải (Hồng Hà, Hà Nội) cho hay: “Bố tôi hay bị nghẹn, nuốt khó khăn. Ông bị gầy đi trông thấy và luôn kêu mệt mỏi. Giọng nói của ông cũng bị khàn, hay ho có đờm. Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ bố bị viêm họng nhưng càng ngày bố càng kêu mệt, người xanh xao. Gia đình tôi đã đưa bố đến viện khám và quá sốc trước tin bác sĩ thông báo, bố tôi bị ung thư thực quản”.
Cũng theo chị Hải chia sẻ, tại bệnh viện, bác sĩ cho hay, bệnh này khó phát hiện sớm bởi những triệu chứng thường gặp nhất là nuốt khó kèm theo đau thậm chí nếu ăn thức ăn lỏng, uống sữa vẫn thấy khó và đau. “Khi phát hiện, bệnh của bố tôi đã ở giai đoạn muộn. Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân là do bố tôi nghiện bia, rượu từ nhiều năm”, chị Hải buồn rầu nói.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, ung thư thực quản là loại bệnh nặng nhất trong các loại ung thư đường tiêu hóa. Phần lớn bệnh nhân nhập viện đều ở giai đoạn muộn, các triệu chứng ung thư thực quản chỉ xuất hiện khi tế bào ác tính đã lan tràn toàn bộ lòng thực quản. Ung thư thực quản có liên quan nhiều với tuổi tác và giới, khoảng 80% bệnh nhân được chẩn đoán ở độ tuổi 55-85.
Theo bác sĩ Vũ Hải - bệnh viện K Trung ương, nam giới có nguy cơ mắc nhiều gấp 3 lần nữ do tình trạng lạm dụng rượu và hút thuốc.
Hút thuốc làm tăng rõ rệt khả năng bị ung thư và nguy cơ càng tăng lên khi phối hợp với uống rượu. Ngoài ra còn có các nguy cơ khác như bệnh hay gặp ở người béo phì; người có bệnh lý thực quản như viêm thực quản trào ngược, bệnh tâm vị không giãn; thiếu các vitamin A, B2 và C; chế độ ăn ít chất xơ và rau quả, thói quen ăn uống thực phẩm có chứa chất nitrosamin như thịt hun khói...
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết có 5 dấu hiệu “tố” bạn có thể mắc ung thư thực quản:
1.Nuốt nghẹn:
Đây là dấu hiệu ung thư thực quản thường gặp nhất. Khi xuất hiện nuốt nghẹn, bệnh có thể đã ở giai đoạn muộn. Lúc đầu, người bệnh nuốt nghẹn mơ hồ, cảm giác vướng sau xương ức khi ăn thức ăn đặc, một thời gian sau cảm giác rõ, tăng dần từ nghẹn đặc đơn thuần về sau uống cũng nghẹn.
Một số trường hợp biểu hiện nuốt nghẹn khởi đầu này có thể tạm mất đi không lặp lại trong vài tuần, thậm chí vài tháng nhưng sau đó lại tái phát. Đây là dấu hiệu báo động.
2. Trớ:
Khi bệnh nhân ngủ hay bị trớ ngược ra ngoài do thức ăn đọng lại trong lòng thực quản. Hiện tượng này là nguyên nhân của viêm phế quản dai dẳng do dịch từ thực quản chảy vào đường thở.
3. Tăng tiết nước bọt:
Một trong những biểu hiện bệnh ung thư thực quản là nước bọt tiết nhiều mà không rõ cơ chế. Nước bọt thường kèm hơi thở hôi, ợ hơi và sặc.
4. Gầy sút:
Gầy sút là triệu chứng quan trọng do chán ăn và khó nuốt. Do không nuốt được nên bệnh nhân có tình trạng mất nước, suy kiệt.
5. Thiếu máu:
Tình trạng thiếu máu thường là nhẹ và hay xảy ra chậm nhưng đôi khi có dấu chảy máu rõ gây thiếu máu cấp, nhất là trường hợp ung thư ăn vào động mạch chủ có thể gây chảy máu vào thực quản gây chết đột ngột.
BS. Hải khuyến cáo: “Chẩn đoán sớm ung thực quản là vấn đề hết sức quan trọng, việc chẩn đoán sớm sẽ mang lại kết quả điều trị tốt hơn và kéo dài sự sống cho bệnh nhân được lâu hơn. Vì thế, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần tới thầy thuốc chuyên khoa để được khám và chẩn đoán sớm.
Việc phòng ngừa ung thư thực quản là hạn chế hút thuốc lá, giảm uống rượu, tránh các thực phẩm có hại, ăn nhiều rau quả và chất xơ, bổ sung các vitamin và yếu tố vi lượng cần thiết đặc biệt là vitamin A, B2, C, E, selen”.
N.Giang