Ngày 19/3 vừa qua, theo thông báo từ đại diện đàm phán của Anh và EU, hai bên đã đạt được thỏa thuận mang tính lịch sử về giai đoạn chuyển tiếp của Brexit. Theo đó, giai đoạn chuyển tiếp sẽ tính từ ngày Anh rời EU vào 29/3/2019 và kết thúc vào ngày 31/12/2020.
Trong giai đoạn này, Anh sẽ không tham gia vào thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách của EU nhưng vẫn sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi của quốc gia thành viên, được tiếp cận thị trường chung châu Âu cũng như liên minh hải quan.
Nội dung hai văn bản pháp lý về quyền công dân và "hóa đơn ly hôn” vốn được thông qua vào tháng 12 năm ngoái tiếp tục nhận được sự nhất trí từ Anh và EU. Trong giai đoạn chuyển tiếp, công dân Anh sang EU và công dân 27 nước EU sang Anh được hưởng các quyền và nhận được sự đảm bảo như những người đã đến trước Brexit.
Hai bên cũng đạt được sự đồng thuận cao trong các vấn đề về thủ tục thuế quan, vấn đề lưu thông, kiểm soát hàng hóa, cam kết của Anh về vấn đề hạt nhân, bảo vệ nhãn hàng, thương hiệu từ châu Âu…
Cũng theo nội dung thỏa thuận, trong giai đoạn chuyển tiếp Anh được quyền đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại mới với các nước thứ 3 và các thỏa thuận thương mại mới đó sẽ có hiệu lực ngay sau khi thời kỳ chuyển tiếp kết thúc.
Phát biểu trước báo giới, Trưởng đoàn đàm phán của Anh về Brexit, ông David Davis cho biết, nội dung các điều khoản của thỏa thuận sẽ giúp cho các doanh nghiệp Anh có thời gian chuẩn bị cũng như tạo ra sự lạc quan về khả năng Anh và EU có thể đạt được một hiệp định thương mại với EU thời hậu Brexit.
Sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/6/2016 với kết quả Anh rời EU, cả Anh và EU đã mất một thời gian dài chuẩn bị cho các cuộc đàm phán đầy “chông gai”.
Đàm phán giữa hai bên bắt đầu ngày 19/6/2017, trải qua quá trình đàm phán cam go, tưởng chừng như “đổ vỡ”, mãi đến ngày 8/12/2017, Anh và EU mới nhất trí được các điều khoản để kết thúc giai đoạn 1 đàm phán Brexit để chuyển sang giai đoạn 2 bàn về quan hệ Anh và EU trong tương lai.
Tuy nhiên, để gỡ được những “nút thắt” trong quá trình đàm phán, cả Anh và EU cùng có những nhượng bộ lẫn nhau trên cơ sở “có đi có lại”.
Theo đó, đảm bảo sẽ “không có đường biên giới cứng” giữa Bắc Ireland và cộng hòa Ireland và “tính toàn vẹn về kinh tế và pháp luật của Vương quốc Anh” sẽ tiếp tục giữ nguyên; các quyền công dân EU sinh sống tại Anh và các công dân Anh sinh sống tại EU đều được đảm bảo.
Bên cạnh đó, vấn đề được xem là “hóc búa” nhất trong đàm phán Brexit là “hóa đơn ly hôn” cũng đã có lời giải, khi mà Anh cho biết nước này sẽ trả số tiền khoảng 35 - 39 tỷ Bảng Anh, bao gồm cả những đóng góp ngân sách cho EU trong thời kỳ 2 năm chuyển đổi từ sau tháng 3/2019.
Theo giới phân tích tại châu Âu, trong bối cảnh Thủ tướng Anh Theresa May và Chính phủ thiểu số của bà đang chịu nhiều áp lực từ trong nước, việc Anh và EU nhất trí được các điều khoản về giai đoạn chuyển tiếp, hoàn tất giai đoạn 1 đàm phán Brexit để bước sang giai đoạn 2 đàm phán là cần thiết. Điều này sẽ giúp bà May củng cố vị thế, gia tăng ảnh hưởng để dần lấy lại niềm tin ở cử tri.
Hơn nữa, sự nhượng bộ của Anh trong đàm phán cũng xuất phát từ việc London chịu sức ép rất lớn từ giới kinh doanh trong nước, khi họ lo ngại, nếu không có giai đoạn chuyển tiếp đủ dài để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại mới với EU thì kinh tế Anh sẽ rơi vào trạng thái “lạc lõng”, thậm chí có thể khủng hoảng thời hậu Brexit.
Đối với EU, dù ở “cửa trên” trong đàm phán với Anh nhưng lãnh đạo các nước EU cũng hiểu rằng, đây không phải là thời điểm để thể hiện sự cứng rắn.
Nếu EU quá căng, thất bại trong đàm phán Brexit cùng sự rạn nứt trong nội các, trong nội bộ đảng cầm quyền và quốc hội Anh sẽ khiến cho tương lai đàm phán Brexit rất khó đoán định.
Rõ ràng, mặc cho chặng đường đàm phán tới đây giữa Anh và EU được dự báo còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên việc hai bên nhất trí được thời hạn của giai đoạn chuyển tiếp có ý nghĩa quan trọng, mở ra hướng đi tích cực cho giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán về “chia tay” vốn tốn rất nhiều giấy mực của báo giới trong thời gian qua.
Kết quả đàm phán về quan hệ tương lai giữa Anh và EU thời hậu Brexit sẽ phải chờ để có câu trả lời chính xác, nhưng những “nút thắt” đàm phán Brexit từng bước được tháo gỡ.
Đó là những tín hiệu tích cực để chờ đợi một kết quả đàm phán đầy lạc quan giữa hai bên trong thời gian tới. Song theo giới phân tích, để đạt được điều đó, cả Anh và EU cần phải có sự nhượng bộ lẫn nhau, thể hiện thiện chí hợp tác trong suốt quá trình đàm phán.
Xem thêm >> Vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc: Quan hệ Nga - Anh nguy cơ đối đầu
Kông Anh