Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đạo diễn Đào Duy Phúc cho biết: “Bộ phim truyền hình Lặng yên dưới vực sâu, gồm 32 tập, sẽ là một trong những lát cắt đặc biệt của điện ảnh về văn hóa vùng cao của Việt Nam. Ở đó, chuyện tình yêu, cuộc sống của người dân miền núi phía Bắc, Việt Nam được thể hiện rõ nét.
Bộ phim kể về câu chuyện tình của đôi trai gái người Mông - Vừ và Súa. Vừ là một chàng trai tài giỏi, tốt bụng, còn Súa - một thiếu nữ xinh đẹp và mạnh mẽ. Cả hai yêu nhau nhưng không thể đến được với nhau, vì Súa bị Phống - một thanh niên nhà giàu, cướp về làm vợ.
Những tưởng tình yêu Vừ - Súa sẽ kết thúc, nhưng với bản năng mạnh mẽ và khát vọng tự do, Súa không chấp nhận đầu hàng trước số phận. Còn Vừ có những phút tuyệt vọng, định buông xuôi, nhưng cuối cùng anh vẫn làm theo tiếng gọi của trái tim... Trong phim, sẽ có cảnh Súa bị Phống cướp về làm vợ... cảnh này là một trong những điểm nhấn của phim...”.
Trước câu hỏi, thời gian gần đây, nhiều người lên án việc cướp vợ của người vùng cao, vì nó mang lại hệ lụy không tốt, đạo diễn Đào Duy Phúc cho biết: “Ngày trước, nhiều đôi trai gái vùng cao yêu nhau, trước khi về chung một nhà, họ có một nét văn hóa rất đẹp, đó là hai người gặp nhau trước đám cưới...
Tuy nhiên, sau này, nét đẹp văn hóa trên bị biến tướng, với những toan tính cá nhân, vì thế nhiều người đã sợ tục cướp vợ... Thông điệp của bộ phim là phản ánh mặt trái của việc cướp vợ, nếu không có tình yêu sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường".
Nhà văn Đỗ Bích Thúy – biên kịch phim Lặng yên dưới vực sâu chia sẻ: “Khi tôi và đạo diễn Đào Duy Phúc ngồi bàn bạc với nhau về bộ phim Lặng yên dưới vực sâu, chúng tôi cũng có nói chuyện về tục bắt vợ.
Theo truyền thống của các dân tộc H’Mông ở vùng cao, tục lệ bắt vợ là một nét đẹp văn hóa. Khi một chàng trai và một cô gái yêu nhau, họ chưa thể làm đám cưới vì gia đình chàng trai quá nghèo, mà nhà gái lại rất muốn có chàng rể đó, nên hai gia đình đã có sự thỏa thuận “ngầm”, sẽ tạo điều kiện cho chàng trai đi kéo vợ, chứ không phải cướp vợ như bây giờ mọi người hay gọi.
Tục này đã có sự đồng thuận của nhà gái, nhà trai, kéo cô gái về để tránh được lễ thách cưới lớn. Chúng tôi cho rằng, đây là một phong tục đẹp...”.
“Cho đến bây giờ, nhiều khán giả và các nhà văn hóa vẫn cho rằng, đây là một nét đẹp của người vùng cao. Chỉ có gần đây, tục lệ này bị hiểu sai, nên nhiều người gọi là cướp vợ. Ngay trong bộ phim, chúng tôi cũng có lồng vào chi tiết tục lệ bắt vợ bị lợi dụng, để cảnh báo những ai muốn bóp méo hủ tục của cha ông. Nếu đi ngược lại văn hóa truyền thống, sẽ khó có được một tình yêu bền đẹp.
Hiện tại, ở Hà Giang đã không còn tục bắt vợ, nhưng chúng tôi đưa chi tiết này vào phim để khán giả yêu hơn, thương hơn và đồng cảm với thân phận người phụ nữ vùng cao như Súa...”, nhà văn Đỗ Bích Thúy thẳng thắn.
Lạc Thành