Được gọi là nhà “Hà Nội học” thời hiện đại, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến được biết đến là tác giả viết về Hà Nội nhiều nhất hiện nay, những cuốn sách như: 5.678 bước chân quanh hồ Gươm, Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, Mẹ Tư Hồng, hay gần đây nhất là cuốn Đi xuyên Hà Nội đã làm nhiều độc giả có cái nhìn mới hơn về Thủ đô văn hiến…
Từng đạt giải thưởng Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội
Chúng tôi hẹn gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến trong những ngày đầu thu, khi mà Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Anh cho biết, mỗi độ thu về, anh lại có một cảm xúc rất lạ về Hà Nội: Rạo rực, tự hào vì Hà Nội hôm nay phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại khu phố Vọng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vì thế, anh cảm nhận về Hà Nội giống như một “đứa trẻ ở vùng ngoại ô, đau đáu nhìn về trung tâm Hà Nội”, vì khu phố Vọng thời nhà văn còn trẻ, vẫn thuộc ngoại ô Hà Nội. Chia sẻ về lý do các tác phẩm của mình gắn liền với Hà Nội, anh cho biết: “Hà Nội là vùng đất có nhiều kỷ niệm, ký ức nhất đối với tôi. Không những là nơi sinh ra tôi mà Hà Nội còn nuôi tôi bằng cái nôi văn hoá. Tình yêu của tôi với Hà Nội là sự thẩm thấu dần dần, cứ thế, yêu là yêu thôi…”.
Chia sẻ với pv báo Người Đưa Tin, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho hay: “Các tác phẩm của tôi viết về Hà Nội khác với các tác giả khác vì tôi thiên về mảng đời sống thị dân, những thay đổi hiện nay của người Hà Nội chứ không phải là các tác phẩm khảo cứu lịch sử. Ở cuốn 5.678 bước chân quanh hồ Gươm, tôi kể về những chuyện “lặt vặt” nhưng “rất Hà Nội”, “lặt vặt” từ khi hồ có tên là Lục Thủy đến mang tên Hồ Gươm. Chuyện về con người, cảnh vật quanh con hồ thẫm đẫm huyền thoại và lịch sử. Thêm vào đó là những chuyện tôi biết, trải nghiệm về Hà Nội theo cái nhìn cá nhân. Tôi không nhìn Hà Nội theo con mắt đạo đức mà theo hiện thực xã hội, Hà Nội với tôi là những thứ gần gũi và thân thương”.
Anh tiếp lời: “Lúc rỗi việc, tôi thường thẩn thơ dạo quanh hồ và nhận ra rằng vẫn còn nhiều chuyện chưa viết. Đó là những câu chuyện truyền miệng, chuyện khó nói và có thể dưới mắt nhiều người nó lặt vặt song đôi khi nó là cái hồn của đời sống thị dân. Thế là ý tưởng cuốn sách 5.678 bước chân quanh hồ Gươm ra đời… Sở dĩ đặt tên sách như vậy vì tôi đi dạo quanh hồ Gươm hết từng ấy bước chân.
Cuốn sách bắt đầu theo tiến trình thời gian, bắt đầu từ tượng Lý Thái Tổ, vị vua có công đầu xây dựng Thăng Long, theo chiều kim đồng hồ mà kể. Tiếp đó là hai cuốn sách: Đi dọc Hà Nội gồm 32 bài và Đi ngang Hà Nội gồm 25 bài – hai cuốn này từng được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2012. Tôi viết sách để thoả mãn tính “ham chơi” của mình, cứ không nghĩ ra đạt thành tích này hay giải thưởng kia…”.
Trong những cuốn sách viết về Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến viết về những đề tài rất “phố” nhưng gần gũi, đậm “chất Hà Nội” như: Bia hơi vỉa hè, xích lô, xẩm tàu điện, cà phê, đồ thùng, kem Tràng Tiền, kẻ cắp chợ Đồng Xuân, đào Nhật Tân, hoa Ngọc Hà… với cách viết dung dị, nhà văn gợi đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ như khi viết về xe đạp nói về chuyện xe đạp nhập vào Việt Nam từ bao giờ, ai là người sở hữu chiếc xe đầu tiên, xe đạp sản xuất ở Việt Nam ra sao, rồi bi kịch cuộc đời liên quan đến xe đạp thời bao cấp...
Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tiến, người Hà Nội cùng thời lại có thể hình dung về tiếng chuông tàu điện leng keng và vợ chồng người hát xẩm ủ ê, ai oán cùng tiếng nhị cò cưa. Rồi những ngày người Hà Nội tìm cách chế biến bột mỳ sao cho ngon miệng. Rồi những giai thoại dân gian, những bài văn vần từng lưu truyền một thuở về Hà Thành, về tem phiếu, về những nghệ sỹ đậm “chất Hà Nội” bên ly cafe cũng đậm “chất Hà Nội” trong một thời khốn khó...
Yêu quá sẽ dẫn đến cực đoan…
Những trang sách viết về Hà Nội của Nguyễn Ngọc Tiến ngồn ngộn cảm xúc về cuộc sống. Qua cuốn sách ấy, người đọc được chứng kiến thêm Hà Nội của nhiều góc cạnh: Những bước hình thành nên thành phố kiểu phương Tây do người Pháp lập, những thú chơi hay phong tục của thời trước hay tiến trình lịch sử của Hà Nội… Trong đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng kể chuyện bác sỹ Trần Duy Hưng được Bác Hồ chọn làm Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, đây là vị chủ tịch đầu tiên của Thủ đô sau ngày giải phóng 10/10/1954.
Hỏi Nguyễn Ngọc Tiến, nhiều người cho rằng, không có người Hà Nội gốc mà chỉ có người sống ở Hà Nội, cách hiểu này có đúng không, anh cho biết: “Sao lại không có người Hà Nội gốc, thông thường thì Đình làng thờ thành hoàng làng của khu vực ấy, đó là người đầu tiên lập ấp, lập làng. Rất nhiều phường ở Hà Nội hiện nay vẫn có đình thờ thành hoàng như: Hàng Buồm, Hàng Trống, Kim Liên, Phương Liệt, Bạch Mai… rất nhiều dòng họ đã sống 10 đời này ở Hà Nội nên có người Hà Nội gốc chứ. Tính từ triều Lý, nhà Nguyễn đến bây giờ, ít nhất là 1000 năm qua, người Hà Nội vẫn lưu giữ được nét văn hoá truyền thống làm nên tính cách người Hà Nội”.
Trò chuyện thêm về nhiều người hiện nay luôn nói đến văn hoá Hà Nội và làm nhiều so sánh với văn hoá các vùng miền khác, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: “Nhập cư không có gì xấu cả, nhiều người Hà Nội cũng đi nơi khác sinh sống. Nhiều người cực đoan luôn luôn đề cao văn hoá Hà Nội, chính là văn hoá ứng xử, điều này cũng dễ hiểu thôi, vì Hà Nội là nơi họ sinh ra và lớn lên, là quê hương của họ. Sự thật là Hà Nội được chọn làm Thủ đô của Việt Nam nên văn hóa Hà Nội có những khác biệt với các vùng miền khác. Hà Nội cũng tiếp nhận văn minh từ các nhà buôn đến giao dịch ở Thăng Long, rồi văn minh Pháp trước nhiều vùng miền nên họ cũng “tự cho mình cái quyền” văn minh hơn các nơi khác. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, yêu quá sẽ dẫn đến những so sánh cực đoan...”.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, Hà Nội hiện nay rất khác so với Hà Nội ngày xưa, từ kiến trúc, phố phường, đến diện tích. Tuy nhiên, sự thay đổi đó là do quy luật cuộc sống, nếu không có những sự kiện lịch sử, nhưng thay đổi trên thì Hà Nội sẽ không nhộn nhịp và sầm uất như bây giờ.
Anh tâm sự: “Ký ức trong tôi về Hà Nội là những con đường dài rợp bóng cây xanh, tiếng tàu điện leng leng, mùi hoa sữa thơm nồng, ánh mắt háo hức của tôi khi lần đầu được ăn phở bờ Hồ… Tôi luôn mơ về một Hà Nội thơm phức như thế…”.
Lạc Thành