Thế những, trái ngược với sự chuẩn bị cho công tác di dời, người dân nơi đây lại đồng loạt đua nhau xây dựng, cơi nới nhà chờ đền bù, mặc cho các cấp chính quyền liên tục nhắc nhở, cấm đoán việc xây dựng nhà cửa trên vùng đất đã quy hoạch…
Thời gian qua, tuy các cấp ủy chính quyền Kỳ Anh đã có nhiều văn bản, chỉ thị cấm người dân xây nhà, trồng cây trên vùng đất quy hoạch thuộc Khu kinh tế Vũng Áng (KKTVA). Song, trở lại xã Kỳ Lợi những ngày gần đây, điều nhận thấy là việc vi phạm mặt bằng của một số bộ phận nhân dân nơi đây không hề có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chi còn ồ ạt và quy mô hơn rất nhiều.
Nhiều ngôi nhà được xây khá kiên cố |
Sau một hồi rong ruổi khắp các làng trên xóm dưới, chúng tôi tiếp cận được với ông H - một trong nhiều gia đình ở thôn Đông Yêu - Kỳ Lợi vừa mới hoàn thành việc cơi nới thêm một gian phòng, và hiện đang tiếp tục nâng cấp tu nhà bếp. Tiếp xúc với chúng tôi, ông H đưa ra rất nhiều lý do biện hộ cho việc xây dựng cơi nới nhà cửa của mình. Song, cái đích cuối cùng mà ông đưa ra đó là Nhà nước muốn di dời lấy đất xây dựng thì phải đền bù cho nhân dân thoả đáng.
Không riêng gia đình ông H mà còn rất nhiều hộ dân ở thôn Đông Yên đang đồng loạt đua nhau làm nhà giống như một phong trào. Theo quan sát của chúng tôi, hiện ở Đông Yên đang có vô số hộ dân xây nhà, cơi nới công trình trái phép. Hàng trăm nhà đã được hoàn thiện, hàng chục nhà đang được xây dựng dở dang. Nhà xây không phải phục vụ sinh sống mà để chờ tiền đền bù nên rất lộn xộn, nhếch nhác, thiếu quy hoạch. Những khu đất vốn là vườn trồng cây, trồng rau nay mọc lên những ngôi nhà xấu xí. Nhiều ngôi nhà chỉ được xây dựng trong vòng dăm bảy ngày.
Thôn Đông Yên - xã Kỳ Lợi hiện có khoảng 1.200 hộ dân sinh sống. Đây là khu vực đã được quy hoạch một số khu chức năng, thuộc cụm luyện, cán thép, lộc hóa dầu của Tập đoàn Fomosa. Hiện Tập đoàn Formosa đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án và cam kết với Chính phủ, lãnh đạo Hà Tĩnh sẽ huy động tối đa nhân lực vật lực, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành 3 lò cao với công suất 10,5 triệu tấn thép/năm. Bên cạnh đó, cũng trong năm 2015 tại cảng Sơn Dương Formosa phấn đấu có 13/32 cầu cảng đi vào hoạt động, đến năm 2017 tiếp tục hoàn chỉnh nốt 19 cầu cảng còn lại.
Như vậy, theo lộ trình, đến tháng 7 này 1.200 hộ dân ở thôn Đông Yêu sẽ phải tái định cư, nhường chỗ cho các công trình mới. Thế nhưng, trái ngược với sự chuẩn bị cho việc di dời, người dân Đông Yên lại đồng loạt đua nhau xây nhà chờ đền bù. Theo con số thống kê của Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư GPMB huyện Kỳ Anh, đến thời điểm này, toàn thôn Đông Yên có gần 100% số hộ tiến hành xây dựng cơi nới nhà cữa. Trong đó, có hàng trăm hộ xây nhà kiên cố, nhà cao tầng, hàng chục hộ xây nhà tạm, hàng rào, sân vườn…
Nhiều ngôi nhà chỉ được xây dựng trong vòng dăm bảy ngày. |
Kể về tình trạng vi phạm mặt bằng của một bộ phận dân Đông Yên ông một cán bộ hưu trí nơi đây (vì nhiều lý do xin miễn nêu tên) bức xúc: “Lợi dụng đây là vùng đất quy hoạch các dự án liên quan trong KKTVA, nhiều hộ dân ở đây đã trồng cây, xây lều trại để chờ đền bù. Bất chấp nơi ao tù nước động, nơi nào có thể xây dựng được là họ làm mặc kệ chất lượng, hay mỹ quan…Từ một ít hộ gia đình tiến hành, xây nhà, lều trại, trên đất quy hoạch không được ngăn chặn kịp thời, đến nay con số này ở thôn thôn Đông Yên đã lên đến cả ngàn hộ và vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương…”
Ông Đặng Hoài Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư GPMB huyện Kỳ Anh cho biết: “Huyện đã thành lập một đoàn công tác trực tiếp có mặt tại địa bàn xã Kỳ Lợi để chỉ đạo xử lý tình trạng này. Mặt khác, huyện có thông báo yêu cầu các hộ dân dừng việc xây dựng, cơi nới, đồng thời tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, những hộ dân không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế và xử lý theo luật định.”
Nhà xây để chờ đền bù nên rất lộn xộn, nhếch nhác |
Thực trạng vi phạm mặt bằng ở Kỳ Lợi khiến cơ quan chức năng hết sức lo lắng. Ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng BQL Khu kinh tế Vũng Áng cho hay: “Khu vực thôn Đông Yên xã Kỳ Lợi đã được quy hoạch xây dựng một số tiểu dự án của Formosa. Các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm đếm, đã và đang tiến hành đền bù, cấm xây dựng. Việc người dân cơi nới, xây dựng nhà trái phép sẽ làm nảy sinh một loạt vấn đề trong quá trình GPMB, hỗ trợ tái định cư.”
Từ việc xây dựng, cơi nới nhà cữa…trên vùng đất đã quy hoạch để chờ đền bù của người dân thôn Đông Yên, dự luận đạt ra nhiều câu hỏi: Phải chăng chính cách làm thờ ơ và việc giải quyết các vi phạm mặt bằng ở Đông Yên của các cáp các ngành huyện Kỳ Anh chưa thực sự nghiêm minh đã khiến người dân coi thường kỷ cương phép nước? Và, đó là căn nguyên dẫn đến tình trạng xây dựng, cơi nới nhà trái phép ở nơi đây vẫn tồn tại một cách dai dẳng như hiện nay!?
Người dân vì cái lợi trước mắt của mình mà quên đi lợi ích chung của Nhà nước, của tỉnh nên cố tìm vi phạm. Trong khi chính quyền địa phương đang lay hoay chưa có cách giải quyết, dứt điểm, thì người dân vẫn tiếp tục xây nhà… Nếu không có hướng khắc phục, xử lý kịp thời thì với tốc độ như hiện nay, chảng bao lâu nữa trên vùng đất Đông Yên xã Kỳ Thịnh và một số vùng liên quan đến các dự án trong KKTVA nhà cửa cây cối sẽ mọc lên ngày càng nhiều, lúc đó chắc rằng công tác đền bù, GPBM sẽ còn đương đầu với không ít khó khăn.
Theo Gia Hiếu (Báo Hà Tĩnh)