Ngày 12/10, trả lời PV báo điện tử Người Đưa Tin, Kỹ sư trưởng Trần Dân, Phó Chủ tịch hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng cho biết, sau chuyến khảo sát thực tế, các chuyên gia của đơn vị đã phát hiện, dù các hư hỏng trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã khắc phục nhưng chưa triệt để.
Theo đó, các ổ gà chưa được vá đúng kỹ thuật cho nên đã bị biến dạng, chưa tạo êm thuận, vật liệu vá chưa tương thích với vật liệu mặt đường hiện hữu. "Nó sẽ có xu hướng sớm hư trở lại. Nhiều đoạn vá thì cao hơn mặt đường, có đoạn lại lõm xuống so với mặt đường...", Kỹ sư trưởng Trần Dân nói.
Ngoài việc hư hỏng, bong lật, ổ gà ở mặt đường cao tốc, nhóm chuyên gia còn phát hiện thêm nhiều bất cập ở cao tốc ngàn tỷ này. Đơn cử, một số đoạn tuyến có khả năng thoát nước mặt đường rất kém khi trời mưa gây ra hiện trường nêm nước, nước bắn tung tóe khi xe chạy với tốc độ cao (Km25+Km27). Một vài đoạn độ phẳng mặt đường rất kém so với tiêu chuẩn đường cao tốc. Một số đoạn gia cố mái dốc nên đào chưa được thực hiện, có nguy cơ sạt lở...
"Rồi lưới ngăn động vật (hành lang bảo vệ an toàn) chưa liên tục, chỗ thì xiêu vẹo. Một số điểm đá trên taluy dương có khả năng đổ xuống đường rất cao, nhất là khi mùa mưa sắp đến", vị chuyên gia nói tiếp.
Từ đó, hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng khuyến nghị, đơn vị quản lý cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sớm có biện pháp và nhanh chóng khắc phục hư hỏng phát sinh. Việc sử dụng bê tông nhựa chặt và nguội để sửa chữa như hiện nay là không phù hợp, không bền vững nên cần tìm kiếm vật liệu vá tương thích với tầng mặt bê tông nhựa đang khai thác và có giải pháp kỹ thuật sửa chữa phù hợp, đảm bảo không tái hỏng.
"Họ khắc phục nhưng không đạt yêu cầu. Công nghệ sửa đường cao tốc phải khác, phải riêng biệt. Theo tôi được biết, hiện các đơn vị thi công trên cao tốc này cũng chưa có các thiết bị vá mặt đường cao tốc như hiện giờ. Điều này có thể học hỏi. Trước đó, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương... cũng đã từng vá vì hư hỏng", ông Dân nêu ý kiến.
Về các vấn đề khác chưa đảm bảo ở tuyến cao tốc này, Kỹ sư trưởng Trần Dân cho rằng, mùa mưa lũ sắp đến nên các đơn vị chức năng và đơn vị quản lý cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cần có biện pháp kiểm tra độ nhám mặt đường, khả năng thoát nước của bê tông nhựa, tạo nhám trên các đoạn tuyến có độ rỗng nhỏ để cải thiện vấn đề an toàn giao thông. Cần nhanh chóng hoàn thiện các đoạn mái dốc nền đào trên tuyến, các đoạn đá dễ sạt lở ở taluy dương...
"Phải khắc phục, xử lý triệt để, không thể làm qua loa được. Ở cao tốc này lượng xe lưu thông ít nhưng với tốc độ cao nên phải an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, biển hạn chế tốc độ ở những đoạn tuyến hư hỏng, tiềm ẩn hư hỏng", vị Phó Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng nhấn mạnh.
Trước đó, cục Quản lý đường bộ 3, tổng cục Đường bộ Việt Nam (bộ GTVT) khi kiểm tra thực địa cũng đã phát hiện việc khắc phục hư hỏng trên cao tốc này được các đơn vị thực hiện nhưng chưa đảm bảo về an toàn.
Cụ thể, công tác vá sửa chỉ cắm cọc cao su cảnh báo ở đầu vị trí sửa, không có biển cảnh báo, có người hướng dẫn giao thông nhưng không đúng quy định tối thiểu (thiếu gậy, còi, băng đỏ...". Việc thực hiện một cách hời hợt, qua loa này là rất nguy hiểm cho cá nhân các công nhân cũng như các phương tiện giao thông.
Chúng tối sẽ tiếp tục thông tin sự việc!