Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, người dân Bình-Trị-Thiên bấy giờ vẫn truyền tai nhau câu thơ: “Không đi chính phủ tình nghi/Đi thì sợ lính Đồng Di Tây Hồ” để nói về vùng đất cách mạng ở thôn Đồng Di, xã Phú Hồ (hiện thuộc huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) với tinh thần chiến đấu bảo vệ quê hương quật cường.
Ông Lê Quang Pháp, 83 tuổi, Trưởng ban đại diện Hội thân nhân liệt sĩ (HTNLS) làng Đồng Di cho biết, toàn thôn Đồng Di hiện có 120 hộ dân, trong đó có 20 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. 78 liệt sĩ ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến và một liệt sĩ ngã xuống trong thời bình.
Trong số đó có liệt sĩ Dương Quang Đấu được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, hiện tại tên của ông được đặt cho một con đường ở trung tâm thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang.
Điều đáng tự hào của người dân làng Đồng Di là mỗi năm bà con trong thôn cứ đến dịp 27/7 đều tổ chức một ngày giỗ chung cho các liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng. Đây cũng là ngày anh em, bạn bè, con cháu nội ngoại HTNLS có dịp cùng nhau hàn thuyên thắp nén nhang gửi đến hương hồn các liệt sĩ, rồi ăn bữa cơm đoàn kết, ấm cúng.
Bà Dương Thị Tuyết, quê ở thôn Đồng Di, hiện đang sống ở Tp.Huế nhưng nhiều năm nay vẫn tập thói quen về quê chuẩn bị cho ngày giỗ liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng từ chiều 26/7. Bà thường về sớm để cùng mọi người đóng góp bằng sức người hoặc tài vật để lo lễ cúng.
“Về sớm chủ yếu là được sống trong tình cảm quê hương, nơi cả trăm con người đang cùng một tâm niệm. Trong ngày giỗ chung, bà con trong và ngoài địa phương đến, trước là thắp nén hương nhớ người đã khuất, sau là ngồi lại với nhau. Qua đó câu chuyện truyền thống, về những người con của làng đã được lưu truyền từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác”, bà Tuyết chia sẻ.
Ông Lê Quang Pháp là người có gần 20 năm tham gia công tác vận động, tổ chức ngày giỗ chung cho các liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng. Với ông, đó không chỉ là trọng trách mà còn thể hiện niềm vinh dự, được tham gia các hoạt động “uống nước nhớ nguồn” để tri ân đối với các thế hệ cha ông đã vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường cho ngày đất nước được thống nhất.
Ông Pháp kể rằng trước đây bà con chỉ làm lễ giỗ nhỏ lẻ trong mỗi gia đình. Năm 2003, khi mới thành lập HTNLS với tên gọi Hội con liệt sĩ làng Đông Di chỉ có 12 thành viên là con em liệt sĩ trong làng tham gia. Nhưng cũng kể từ năm đó, cứ đến ngày 27/7, mỗi gia đình thay phiên đăng cai địa điểm tổ chức lễ giỗ chung (còn gọi hiệp kỵ).
Các anh chị em trong hội cùng nhau đóng góp lễ vật, người có nải chuối, con gà, buồng cau, người khác có vài ba lon nếp, mâm ngũ quả cùng đem tới lễ giỗ, gia đình nhà nào khấm khá hơn thì hỗ trợ thêm tiền thuê bàn ghế, dựng rạp làm mâm cơm dâng cúng chung các liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng.
Cứ thế hoạt động này được duy trì điều đặn đúng ngày 27/7 mỗi năm. Việc tổ chức ngày giỗ chung cũng là dịp anh em, con cháu gia đình thân nhân liệt sĩ có dịp ngồi lại cùng nhau để ôn lại quá khứ hào hùng của cha ông, cũng như thăm hỏi động viên nhau trong cuộc sống hàng ngày. Đến năm 2011, Hội đổi tên thành HTNLS với hơn 40 thành viên chính thức thì những công việc hướng về người đã khuất được tiến hành thường xuyên, có quy mô hơn.
Trước hết, bà con đã vận động nhau dựng nhà bia đặt ngay bên cổng làng. Trên bia có khắc đủ họ tên các liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng ở quê hương và một bài văn để ghi nhớ, tri ân những đóng góp, hi sinh không thước nào đo được.
Ông Pháp cho hay, lúc đầu kinh phí rất khó khó khăn, thân nhân các gia đình liệt sĩ đóng góp chỉ có 39 triệu đồng, dự tính chỉ làm một nhà nhà bia đơn giản, về sau thấy việc làm quá ý nghĩa, huyện đã đồng ý cấp đất và trong suốt hơn 3 năm, bà con thân nhân gia đình liệt sĩ quê ở làng Đồng Di trên khắp cả nước đã hỗ trợ cho chúng tôi hơn 500 triệu đồng để xây dựng nhà bia khang trang như hiện tại.
Trưởng ban đại diện HTNLS làng Đông Di chia sẻ thêm, sau khi dựng được bia, từ năm 2012, Hội đã tổ chức lễ hiệp kị các liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng vào ngày 27/7 hàng năm tại khu vực nhà bia. Một hai, năm đầu, lễ giỗ chung chỉ gói gọn trong hội thân nhân liệt sĩ để thỉnh cầu cho 78 liệt sĩ, 20 mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn. Nhưng những năm sau đó, Hội đã mở rộng, tiến hành hiệp kị, mời các nhà sư chùa Từ Hóa về làm lễ cầu siêu cho tất cả các liệt sĩ không kể là người trong hay ngoài địa phương. Từ đó, sức lan tỏa cũng mạnh mẽ hơn. Đến nay lễ hiệp kị, cầu siêu cho liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành lễ lớn của toàn bộ người dân thôn Đồng Di, xã Phú Hồ.
Minh Ngọc - Lê Kông